Lại xảy ra nổ bom ở miền nam Thái Lan khiến nhiều người thương vong

Thứ Tư, 24/08/2016 11:18  | Anh Duy

|

(CAO) Tối qua 23-8 lại xảy ra một vụ đánh bom liên hoàn ở miền nam Thái Lan khiến 1 người chết, 30 người bị thương. Vụ việc xảy ra gần 2 tuần sau khi nước này hứng chịu 7 vụ nổ ở các tỉnh, thành miền nam khiến 4 người thiệt mạng.

Reuters đưa tin vụ nổ đầu tiên xảy ra ở bãi đậu xe nằm phía sau khách sạn Southern View ở thành phố biển Pattani nhưng không gây thương vong.

Vụ thứ hai xảy ra khi một xe tải phát nổ ở lối ra vào của khách sạn này, đối diện một quán karaoke khiến 1 người chết, 30 người bị thương.

Hai vụ xảy ra cách nhau khoảng chừng 20 phút từ 22h40 đến 23h.

Giới chức địa phương cho biết chiếc xe dùng trong vụ nổ thứ hai được hung thủ lấy cắp từ bãi đỗ xe của một bệnh viện ở địa phương.

Hiện trường vụ đánh bom tại bãi đỗ xe khách sạn Southern View ở Pattani  hôm  23-8  - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã nhanh chóng bác bỏ mối liên quan giữa vụ đánh bom tại Pattani tối qua với loạt đánh bom liên hoàn ở miền nam cách đây gần 2 tuần. Reuters dẫn lời ông Wongsuwan nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn rằng vụ việc ở Pattani không liên quan gì đến 7 vụ đánh bom ở miền nam lần trước”.

Đến nay chưa cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm loạt đánh bom miền nam vào hai ngày 11 và 12 cũng như vụ đánh bom tại Pattani hôm 23-8.

Những gì còn lại của chiếc xe - Ảnh: Reuters

BOM NỔ MIỀN NAM KHIẾN XÃ HỘI THÁI LAN BẤT ỔN

Từ sau cuộc đảo chính năm 2014 do phe bảo hoàng thông qua bàn tay của quân đội tiến hành lật đổ chính quyền Yingluck, chưa bao giờ tình hình Thái Lan lại bất ổn như hiện nay nhất là sau loạt đánh bom liên hoàn xảy ra tại các tỉnh miền nam thời gian gần đây .

Tối 23-8, lại xảy ra loạt đánh bom liên hoàn ở một khách sạn tại thành phố biển Pattani khiến 1 người chết, 30 người bị thương.

Trước đó, hôm 14-8 xảy ra 3 vụ nổ trước các cửa hàng ở tỉnh Yala nơi được xem là “thủ phủ” của một nhóm Hồi giáo ly khai. Nhóm này trước nay đòi tách miền nam Thái Lan với nhiều sắc dân Hồi giáo ra khỏi đất nước với nền tảng Phật giáo là chủ đạo.

Trước nay, dư luận Thái xem ra ít quan tâm đến bạo lực ở các tỉnh miền nam vì hiện trường các vụ đánh bom nằm gần giáp Malaysia, cách khá xa thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, loạt tấn công ở các địa điểm thuộc 7 tỉnh miền nam trong hai ngày 11 và 12-8 vừa qua khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, trong đó có người nước ngoài đã đánh động dư luận.

Dân Thái kinh sợ vì các lẽ: những vụ tấn công này nhắm vào hàng loạt khu du lịch nổi tiếng của đất nước. Một trong các điểm tấn công là Hua Hin – thành phố cách Bangkok không xa. Và một yếu tố nữa là quy mô: các vụ tấn công trải đều khắp các tỉnh phía nam chứ không tập trung vào một hay hai tỉnh bất ổn xưa giờ như Yala.

Chiếc xe đánh bom trong vụ nổ thứ hai tại khách sạn Southern View ở Pattani hôm 23-8 - Ảnh: Reuters

Những vụ đánh bom đã dập tắt mong muốn của người Thái về một xã hội ổn định về chính trị và an ninh nhất là từ sau vụ đánh bom tại đền Erawan ở trung tâm Bangkok ngày 17-8-2015 khiến 20 người thiệt mạng. Trớ trêu hơn, loạt tấn công này diễn ra chỉ vài ngày sau khi 40 triệu cử tri Thái bỏ phiếu trưng cầu thông qua bảng hiến pháp mới do quân đội hậu thuẫn, trong đó đặt điều kiện nếu một chính quyền dân sự mới được bầu vào năm 2017 cũng phải tuân thủ theo những điều kiện do quân đội đặt ra.

“Chiến thắng” trong cuộc trưng cầu dù không lấy gì làm “vinh quang” của chính quyền thủ tướng Prayuth Chan-ocha có khả năng thành “cái gai” trong mắt của các phe phái chính trị nước này, nhất là sau khi dòng họ Shinawatra với hai thủ tướng nhà này là Thaksin và Yingluck phải từ bỏ quyền lực bằng hai vụ đảo chính 2006 và 2014. Thế nên không lạ khi người phát ngôn chính phủ Thái Lan Sansern Kaewkamner ngay sau khi các vụ tấn công xảy ra đã lên tiếng “úp mở” rằng nhiều khả năng thủ phạm đứng sau những vụ tấn công miền nam ngày 11 và 12-8 là những người bị “mất lợi ích” trong cuộc trưng cầu về dự thảo hiến pháp. Phát ngôn này được cho là nhắm đến những người ủng hộ anh em nhà Shinawatra: Thaksin và Yingluck tức phong trào “áo đỏ”.

Chính trường Thái nay vẫn chia làm hai phe: Tầng lớp trung lưu ở Bangkok thuộc phe bảo hoàng, lần bầu cử nào cũng thua gia tộc Shinawatra do chính sách dân túy của ông Thaksin mà tiếp nối là bà Yingluck với chương trình trợ giá lúa. Nông dân chiếm phần lớn dân số đất nước ngả về phía Shinawatra nên các đảng như Pheu Thai hay đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai) liên tiếp thắng cử, là “cái gai” của tầng lớp tinh hoa ở Bangkok. Các cuộc đảo chính như năm 2006 hay 2014 nguyên nhân sâu xa là từ mâu thuẫn này.

Tờ Bangkok Post dẫn lời một tướng cảnh sát tên Pongsapat nhận định hung thủ các vụ đánh bom chỉ là một nhóm và đã lên sẵn kế hoạch từ trước, và tin rằng “thủ phạm thật sự vẫn còn đang ở trong nước”. “Nhóm” đó theo ngụ ý của Bangkok chính là các phe phái liên quan đến nhà Shinawatra.

Vụ trí tỉnh Pattani ở miền nam Thái Lan

Để trấn an người dân, hôm 12-8 phát ngôn viên Cảnh sát quốc gia Thái Lan Piyapan Pingmuang khẳng định: “Loạt tấn công ở miền nam rất khác so với các hành vi khủng bố thông thường. Chúng giống với các vụ phá hoại ở tầm địa phương hơn”. Loạt tấn công khiến ngành du lịch Thái Lan lại “khốn khổ” khi các địa điểm bị tấn công là những địa danh du lịch nổi tiếng như Hua Hin và Phuket. Các vụ nổ cũng nhằm hạ uy tín chính quyền Prayuth Chan-ocha khi khiến dư luận gia tăng áp lực chỉ trích Bangkok không đảm bảo các biện pháp an ninh cốt yếu cho người dân ở những địa điểm công cộng.

Ngoài việc đưa phe “áo đỏ” vào tầm ngắm, một hướng nghi ngờ khác cũng nhắm vào phong trào ly khai Mặt trận cách mạng dân tộc (BRN) hoạt động các tỉnh cực nam Thái Lan giáp Malaysia. Hiếm khi nào BRN lại nhắm vào các khu du lịch nhưng lần này dường như là một “ngoại lệ”.

Nghi ngờ này càng được củng cố khi hôm 15-8, tờ Straits Times (Singapore) đưa tin Thái Lan đang phối hợp với Malaysia để điều tra vụ việc khi phát hiện một phần chiếc điện thoại được sử dụng để kích hoạt vụ nổ ở Phuket vào ngày 12-8 có số series của Ủy Ban Thông tin và Truyền thông Malaysia.

Dù chưa rõ là ai đứng sau loạt tấn công ở miền nam nhưng mục đích chắc chắn chính là hạ uy tín chính quyền quân sự ở Bangkok. Mâu thuẫn phe phái và lợi ích vẫn còn ngấm ngầm thì dù có nhiều hơn nữa các bản hiến pháp được thông qua thì xã hội Thái Lan vẫn chìm trong bất ổn chính trị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang