Lãnh đạo Hàn – Triều bước vào hội đàm một đối một

Thứ Tư, 19/09/2018 10:13  | Anh Duy

|

​(CAO) Sáng nay 19-9, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in bước vào vòng hội đàm mặt đối mặt, một đối một trong ngày thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh 3 ngày bắt đầu vào ngày 18-9.

Sau màn chào đón “tay bắt mặt mừng” ở sân bay Sunan, đến việc hai ông Kim – Moon đi cùng trên chiếc xe mui trần từ sân bay về trung tâm Bình Nhưỡng trong màn chào đón nhiệt liệt của dân chúng hai bên đường, sáng nay vòng hội đàm kín mới là tâm điểm chính yếu được thế giới quan tâm.

Reuters đưa tin dự kiến 2 chủ đề thảo luận chính là bàn về tương lai chương trình hạt nhân của Triều Tiên và việc làm cách nào để làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương hai bên.

Tháp tùng đoàn của tổng thống Hàn Quốc là lãnh đạo của những công ty gia đình (tài phiệt/chaebol) hàng đầu từ Samsung, Huyndai đến LG để tìm kiếm dư địa hợp tác làm ăn và kinh doanh trong bối cảnh tương lai, khi cấm vận lên chính quyền Bình Nhưỡng được Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ.

Nói với tổng thống Moon, ông Kim cho rằng chuộc gặp “lịch sử” với tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 đã giúp cải thiện sự ổn định trong khu vực và hy vọng về những bước tiến xa hơn.

Ông Kim và ông Moon chào người dân tại nhà hát ở Bình Nhưỡng hôm 18-9, phía sau là lá cờ thống nhất - Ảnh: Reuters

Trong vòng hội đàm sáng 19-9, diễn ra vào lúc 8h (giờ VN) chỉ có riêng 2 ông, sau khi kết thúc sẽ có 1 tuyên bố chung và 1 cuộc họp báo, văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết. Thư ký báo chí của tổng thống Moon - Yoon Young-chan chỉ nói chung chung: “Rất khó để nói trước 1 thoả thuận nào sẽ đạt được, chúng tôi chỉ hy vọng có cuộc đối thoại sâu hơn”.

Sau khi kết thúc hội đàm sáng 19-9, tờ Korea Times đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un cho biết ông sẽ sớm đến thăm Seoul trong thời gian tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in đáp lại: "Chúng tôi đã đồng thuận về việc làm cho bán đảo Triều Tiên thoát khỏi nỗi sợ về chiến tranh". Cuộc họp báo sau đó đã diễn ra tại nhà khách Paekhwawon, Bình Nhưỡng sau hai vòng đàm phán. Hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận về Thoả thuận hoà bình Bình Nhưỡng. 

Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận toàn diện việc về giảm căng thẳng quân sự như là kết quả của hội nghị thượng đỉnh song phương thứ 3. 

Sau khi Moon - Kim đặt bút ký, lãnh đạo bộ quốc phòng hai bên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Triều Tiên No Kwang-chol cũng cùng nhau ký thoả thuận và trao đổi tài liệu. 

Ông Kim và ông Moon gặp nhau tại nhà khách Paekhwawon, Bình Nhưỡng sáng 19-9  - Ảnh: Joint Press Corp

Trong khi đó, Mỹ đến nay vẫn đòi Triều Tiên “phi hạt nhân hoá hoàn toàn”, tức từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ, trong khi các chuyên gia quốc tế nhận định chưa thấy chỉ dấu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn lòng làm việc này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 18-9 nhấn mạnh Washington hy vọng hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới nhất sẽ mang đến những hành động có ý nghiã, những bước đi có thể xác nhận hướng đến phi hạt nhân hoá của Triều Tiên. Nauert cho rằng đây là “cơ hội lịch sử” để ông Kim thực hiện các cam kết với ông Trump.

Cụng ly trong bữa quốc yến tối 18-9 - Ảnh: Reuters

Khác biệt về cách hiểu “Phi hạt nhân hoá hoàn toàn”

Mọi thứ không dễ dàng, chỉ ngồi hội đàm là giải quyết được. Reuters dẫn lời Anwita Basu – một nhà phân tích ở Economist Intelligence Unit nhấn mạnh: “Trong khi Moon đã bày tỏ mong muốn của mình về một kế hoạch cụ thể nhằm phi hạt nhân hoá, chúng tôi tin rằng hai quốc gia vẫn có quan điểm khác nhau về khái niệm này. Trong những lần hội đàm trước với Mỹ, Triều Tiên nhấn mạnh họ chỉ có thể cân nhắc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình nếu Mỹ cung cấp sự đảm bảo về an ninh cho Bình Nhưỡng bằng việc rút quân khỏi Hàn Quốc và rút chiếc ô hạt nhân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán mới nhất cho biết Triều Tiên đã thậm chí từ chối việc bắt đầu các cuộc thảo luận về việc xác định các bước đi cụ thể để phi hạt nhân hóa.

Người dân Bình Nhưỡng chào tổng thống Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Quan điểm này của Triều Tiên được thể hiện rõ quan bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun trước thềm tượng đỉnh liên Triều: “Tình hình (bế tắc trong đàm phán) hiện nay là do yêu cầu ngớ ngẩn, phi lý và cứng đầu (của Mỹ) rằng chỉ khi kho vũ khí hạt nhân của chúng ta được tiêu hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược thì những vấn đề khác mới được bàn đến. Mỹ không hề thể hiện thiện chí xây dựng niềm tin, trong đó gồm tuyên bố kết thúc chiến tranh”.

Bình Nhưỡng cũng nhiều lần chỉ trích đòi hỏi và thái độ “đầu gấu” của Washington.

Bình luận (0)

Lên đầu trang