(CAO) Hôm 3-11, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ sẽ tạm thời cho phép 8 nhà nhập khẩu tiếo tục mua dầu từ Iran mà không phải đối mặt với các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-11 nhắm vào Tehran.
Từ ngày 5-11 tới, các lệnh trừng phạt Iran được Mỹ tái áp đặt bắt đầu có hiệu lực nhằm gây sức ép buộc Tehran ngưng chương trình hạt nhân, tên lửa và can thiệp vào khu vực từ xung đột tại Yemen đến chiến dự tại Syria.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo quyết định trên nhưng không nói rõ tên 8 nhà nhập khẩu dầu. Tuy nhiên truyền thông Mỹ rộ tin những nhà nhập khẩu này đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đồng minh với Washington như Đài Loan hay Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đánh vào nền kinh tế Iran với cơ cấu chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu dầu để ngăn Tehran can thiệp vào khu vực thông qua các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm ở Syria và Yemen.
Đây là chính sách được Trump nhấn mạnh trên trang Twitter cá nhân rằng để “gây sức ép tối đa”. Trump rất hào hứng với việc trừng phạt Iran bằng cách đăng cả poster theo phong cách giải trí lên Twitter với dòng chữ: “Các lệnh trừng phạt đang đến vào ngày 5-11”.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-11 - Ảnh: Reuters
Hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cùng Nhật Bản là những bên nhập khẩu dầu nhiều nhất từ Iran.
Đài Loan thỉnh thoảng cũng mua dầu thô từ Tehran nhưng không phải là bạn hàng lớn.
Ấn Độ và Hàn Quốc là một trong số các nước được truyền thông đưa tin nằm trong danh sách tạm thời được cho phép nhập khẩu dầu Iran. Với việc trừng phạt các nước khác có giao dịch thương mại với Tehran chừa một số nước đồng minh ra như vụ nhập khẩu dầu này, Mỹ đang sử dụng “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ quốc tế.
Theo luật của Mỹ, các trường hợp ngoại lệ không bị trừng phạt có thời hạn kéo dài trong 180 ngày.
Giá dầu thô giao dịch hôm 2-11 đã giảm 6% sau khi các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung vượt qúa cầu sau khi Mỹ quyết định tạm thời miễn trừ trừng phạt 8 nhà nhập khẩu trên.