Nga tấn công cảng của Ukraine gần biên giới Romania - quốc gia thành viên NATO

Thứ Hai, 04/09/2023 12:02  | Anh Duy

|

​(CAO) Lực lượng Nga đã tấn công các cơ sở cảng của Ukraine trên sông Danube được sử dụng để xuất khẩu thực phẩm vào ngày 3-9, một ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​sẽ thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Một phát ngôn viên quân sự khu vực cho biết ít nhất hai người bị thương trong các cuộc tấn công. Cơ sở hạ tầng cảng bị ảnh hưởng, gây ra đám cháy nhanh chóng được dập tắt.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết 25 máy bay không người lái đã được sử dụng trong các cuộc tấn công qua đêm ở khu vực Odesa, 22 chiếc trong số đó đã bị bắn hạ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở cảng Reni của Ukraine được sử dụng để cung cấp cho quân đội Ukraine. Tuyên bố của Nga nói thêm rằng cuộc tấn công đã thành công, “tất cả các mục tiêu được chỉ định đã bị vô hiệu hóa”.

Khu vực bị tấn công ngay bên kia biên giới với Romania, thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến nước này nhanh chóng phản ứng. Bộ Quốc phòng Romania đã lên án vụ tấn công “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”, gọi nó là “phi lý và mâu thuẫn sâu sắc với các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế”.

Lính cứu hỏa Ukraine dập đám cháy sau các cuộc tấn công của quân đội Nga nhắm vào thành phố cảng Odesa 

Bộ này cho biết không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với lãnh thổ Romania hoặc lãnh hải của nước này.

Một trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Điện Kremlin đang cố gắng tạo ra một “cuộc khủng hoảng lương thực” bằng các cuộc tấn công.

Trước đó Nga đã rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Biển Đen của Ukraine và di chuyển an toàn qua tuyến đường thủy tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiếp cận thị trường toàn cầu.

Sự sụp đổ của hiệp định đã đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao và làm dấy lên lo ngại rằng các nước nghèo nhất thế giới sẽ phải vật lộn để nuôi sống người dân của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quyền kiểm soát hiệu quả việc ra vào Biển Đen, đã giúp môi giới cho thỏa thuận ban đầu và đảm nhận vai trò hòa giải khi cố gắng thuyết phục Nga tái gia nhập. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận trong cuộc gặp với tổng thống Nga Putin tại thành phố nghỉ mát Sochi ở Biển Đen vào ngày 4-9.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước ông sẽ sẵn sàng tái gia nhập hiệp ước ngay khi nhận thấy những đảm bảo rằng những lợi ích đã cam kết với Nga sẽ được thực hiện.

Tạm thời, Ukraine đã cố gắng tạo hành lang vận chuyển cho các tàu buôn, nhưng Kyiv không thể đảm bảo an toàn cho các tàu này trước các cuộc tấn công hoặc mìn của Nga. Một số tàu đã sử dụng các tuyến đường này bất chấp rủi ro.

Liên Hợp Quốc cũng đang tìm cách khôi phục thỏa thuận này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang