(CATP) Đứng đầu nhóm 5 quốc gia buôn bán tạng người nghiêm trọng nhất năm 2010, Ai Cập nằm trong "danh sách đen" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn nạn này. Dư luận quốc gia có diện tích trải dài từ Bắc Phi sang Tây Á trên càng thêm bất bình khi nhà chức trách phát hiện nhiều đường dây buôn bán tạng người, trong đó gồm cả bác sĩ và y tá tham gia. Luật pháp Ai Cập cấm buôn bán bất hợp pháp tạng người và cấy ghép tạng giữa 2 người có quốc tịch khác nhau, trừ trường hợp là vợ chồng...
Những mũi khâu hoàn hảo và các số phận bi thương
Cơ quan An ninh quốc gia Ai Cập ngày 22/8/2017 thông báo đã triệt phá 1 đường dây tội phạm ở TP.Giza, thuộc vùng đô thị Cairo lớn nhất ở Ai Cập, chuyên buôn người đồng thời thu gom, cấy ghép tạng trái phép. Bộ Nội vụ nước này cho biết, vụ việc được phát hiện khi các đối tượng gồm cả 3 bác sĩ, 4 y tá và 3 nhân viên y tế của 1 bệnh viện tư đang tiến hành phẫu thuật tách lấy quả thận và một phần lá gan trên cơ thể người sống. Được biết, người đàn ông này đã bán các bộ phận tạng trên với giá 10.000 USD.
Cơ quan Kiểm soát hành chính Ai Cập xác định, các đối tượng trong đường dây này đã dụ dỗ những người dân bản địa đang gặp khó khăn về tài chính bán tạng của mình cho các bệnh nhân nước ngoài với giá cao để hưởng chênh lệch. Điều đáng nói, trong số hàng chục đối tượng bị bắt có nhiều giáo sư đại học, bác sĩ, nhân viên y tế, phụ trách các cơ sở y tế và trung gian môi giới. Nhóm này nắm trong tay "hàng triệu đôla cùng số vàng nén khủng". Việc bắt giữ được tiến hành sau khi nhà chức trách kiểm tra hàng loạt trung tâm y tế và phòng thí nghiệm, qua đó phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu liên quan cùng các máy tính chứa thông tin về những vụ buôn bán tạng người bất hợp pháp.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm có hàng trăm người Ai Cập nghèo khó phải bán tạng (chủ yếu là gan, thận) để lấy tiền mua lương thực chống đói hoặc trả nợ.
Văn phòng công tố Nam Giza đã yêu cầu tạm giam các nghi phạm trong vòng 15 ngày để phục vụ công tác điều tra. Đây là đường dây tội phạm buôn bán tạng người trái phép lớn thứ 2 bị triệt phá, gồm các công dân Ai Cập và những người Ảrập khác.
Tình trạng buôn bán tạng người hiện phổ biến ở quốc gia Bắc Phi có tới hơn 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ và gần như buông lỏng việc giám sát hoạt động của các bệnh viện tư này. Nhưng điều khiến dư luận bức xúc là, trong khi việc mua bán tạng người bị cấm ở Ai Cập, thì việc trả tiền cho 1 ca cấy ghép lại được xem là hợp pháp, trong khi đối tượng nhắm đến của những đường dây buôn bán tạng người còn là những di dân Châu Phi lưu trú tại Ai Cập trên hành trình hướng về "miền đất hứa" Châu Âu.
Khi người di cư trở thành miếng mồi béo bở
Quan sát các thi thể nạn nhân qua ảnh chụp, bác sĩ Fakhry Saleh - chuyên gia pháp y ở Đại học Cairo - cho biết: "Có 2 loại sẹo: một là từ khám nghiệm tử thi sau khi chết, loại còn lại hình thành do phẫu thuật" và chỉ rõ những vết sẹo nằm ngay vùng gan và thận với những mũi khâu hoàn hảo. Các bác sĩ bất lương tham gia đường dây mua bán tạng bất hợp pháp sau khi lấy thành công tạng người sẽ sử dụng tủ lạnh di động để bảo quản các bộ phận này từ 6 - 8 tiếng đồng hồ, trước khi cấy ghép vào cơ thể người có nhu cầu ở Cairo hoặc một nơi nào đó...
Để phòng chống tình trạng người dân Ai Cập đột nhiên mất tích trên đường phố thời gian qua, trong đó không loại trừ rơi vào tay các tổ chức buôn người đa quốc gia chuyên săn tạng, một phần mềm mới chống mất tích với tên gọi "I Protect" đã ra đời với nhiều ứng dụng, trong đó có việc giúp người dân đối phó với những mối đe dọa thường trực trong cuộc sống.
Những người tị nạn ở Ai Cập nằm trong danh sách bị ép bán tạng để thực hiện ước mơ "đổi đời"
Một thành viên của mạng lưới buôn người hoạt động dọc bờ biển phía Bắc Ai Cập tiết lộ: "Nhiều người tìm đến tôi nhờ giúp đưa đi vượt biên. Sau khi xác nhận với chủ, tôi đưa họ từ Cairo đến Alexandria, tạm trú trong các nhà chứa của trại gia cầm trong lúc chờ lên đường, với mức phí hàng ngàn đôla. Trường hợp khách không đủ tiền chi trả sẽ được giới thiệu với bên môi giới bán tạng ở Cairo và không ít trường hợp đến được "miền đất hứa" chỉ với 1 quả thận còn lại trên người.
Thời gian qua, việc buôn bán tạng phát triển mạnh ở Ai Cập, nguyên nhân một phần do Liên minh châu Âu (EU) siết chặt quy định với người tị nạn, vì thế các tổ chức buôn người - môi giới tạng chuyển sang săn những đối tượng đang cần tiền để vượt Địa Trung Hải và người di cư trở thành mục tiêu để mua tạng.
Dù năm 2010, Ai Cập đã ban hành đạo luật cấm buôn bán tạng người nhưng điều đó càng khiến cho thị trường buôn bán tạng ngầm phát triển mạnh hơn. Tháng 7/2018, theo thống kê của Bộ Y tế Ai Cập, 37 đối tượng đã bị buộc tội liên quan đến hành vi buôn bán bất hợp pháp tạng người. Cách tốt nhất muốn kiếm tiền nhanh chóng để sang Châu Âu khi túi chẳng còn một xu của đa số thanh niên Bắc Phi muốn đi tìm "miền đất hứa" nơi trời Âu là chịu đựng ca phẫu thuật "đơn giản" để ... cắt đi 1 quả thận và nhận về 5.000 USD. Di chứng xuất hiện ngay sau ca phẫu thuật là cảm giác đau nhói ở bên sườn, người bán thận bắt đầu la hét, thậm chí chửi rủa cho đến khi đối tượng môi giới đến đưa họ về nhà trọ.
Nhiều ý kiến cho rằng cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng buôn bán tạng người bất hợp pháp là kêu gọi hiến tạng tự nguyện để lập ngân hàng dự trữ, qua đó giúp bệnh nhân không phải trả những khoản tiền lớn mong ghép tạng để được cứu sống. Tuy nhiên, trên thực tế điều này rất khó thực hiện!
(Còn tiếp...)
(CATP) Buôn bán tạng người đã trở thành vấn nạn ở nhiều quốc gia, khi đường dây tội phạm này hoạt động khép kín, xuyên biên giới với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Số bệnh nhân (BN) giàu chờ được cấy ghép tạng đang ngày càng tăng cao trong khi bộ phận hiến tặng có giới hạn. Để tìm lối ra, nhiều người đành chọn "du lịch ghép tạng"để tự cứu mình!
NGUYỄN XUÂN (theo Listverse.com)