Buôn bán tạng người - vấn nạn của nhiều quốc gia:

Kỳ 1: "Ngành công nghiệp trái phép" xuyên quốc gia "ăn nên làm ra"

Thứ Hai, 28/08/2023 09:05

|

(CATP) Buôn bán tạng người đã trở thành vấn nạn ở nhiều quốc gia, khi đường dây tội phạm này hoạt động khép kín, xuyên biên giới với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Số bệnh nhân (BN) giàu chờ được cấy ghép tạng đang ngày càng tăng cao trong khi bộ phận hiến tặng có giới hạn. Để tìm lối ra, nhiều người đành chọn "du lịch ghép tạng"để tự cứu mình!

Thông tin Bulgaria - quốc gia nghèo nhất, nhì Châu Âu - triệt phá 1 đường dây chuyên mua bán tạng người đã gây rúng động dư luận. Tổ chức này chuyên lợi dụng những người lao động nghèo có thu nhập thấp để thực hiện hành vi mua tạng trái phép, làm nguồn cung cho những đại gia túi rủng rỉnh tiền nhưng bị bệnh hiểm nghèo cần được cấy ghép.

Kiểu kiếm tiền nguy hiểm

Cấu trúc cơ thể người ngoài các tế bào thần kinh còn hàng loạt bộ phận cơ thể quan trọng khác, trong đó một số đóng vai trò sống còn đối với hoạt động của cơ thể. Khi khoa học ngày càng phát triển, ngành Y tế đã có những bước đột phá trong công nghệ cấy ghép, giúp cứu sống những BN bị mất một trong số chức năng quan trọng trên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhu cầu ngày càng tăng trong khi số tạng hiến mới chỉ đáp ứng được gần 2/10 thực tế, chính vì vậy các BN phải thay tạng đành tìm đến thị trường "chợ đen" và nguồn cung tại đây thường chiếm đa số để phục vụ việc cấy ghép "nhanh chóng, kịp thời" với khoản phí rất cao.

Ngoài cơ thể sống, tại một số quốc gia còn xảy ra tình trạng mua bán tạng người từ... tử thi! Theo báo cáo của Liên minh Châu Âu (EU), mỗi năm có hàng ngàn người trở thành nạn nhân của các vụ buôn bán tạng người, hầu hết là công dân Romania và Bulgaria - hai nước nghèo nhất trong khối. Ngày 13/9/2019, nhóm đối tượng gồm 2 nam, 1 nữ người Bulgaria đã bị buộc tội tham gia đường dây môi giới mua bán tạng người xuyên biên giới bất hợp pháp. Các công tố viên cho biết, có ít nhất 50 BN nhận tạng cấy ghép từ đường dây này; trong lúc còn 2 BN và 3 người hiến tạng đang chờ phẫu thuật. Quá trình cấy ghép thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và những người hiến tặng được cung cấp hồ sơ giả mạo ghi rõ "hiến tạng cho người thân".

Theo cơ quan điều tra, tổ chức tội phạm này hoạt động một cách tinh vi: 2 đối tượng chịu trách nhiệm liên lạc giữa người hiến tạng và khách hàng, trong khi đồng bọn tìm người hiến tạng trái phép (hầu hết đều thuộc cộng đồng thu nhập thấp, những trường hợp thất nghiệp hoặc đang bị nợ nần vây bủa, hết cách, đành phải bán tạng để xoay xở). Số tiền BN phải chi trả cho các ca cấy ghép dao động từ 55.000 USD - 110.000 USD, nhưng người bán chỉ nhận được khoảng 1/10 trong số này.

Những người nghèo thường trở thành nạn nhân của đường dây buôn bán tạng người bất hợp pháp

Đến được "miền đất hứa", trả công bằng... 1 quả thận (!)

Trên thực tế, việc mua bán tạng người trái phép đã trở thành vấn nạn đối với các nhà chức trách Bulgaria. Theo Đài truyền hình quốc gia nước này, thời điểm năm 2019 Bulgaria có hơn 1.000 trường hợp cần ghép thận, nhưng chỉ có 22 ca được thực hiện hợp pháp, trong đó 14 trường hợp hiến thận sau khi qua đời.

Tình trạng buôn bán tạng người trái phép đã lan rộng ở một số nước Châu Âu, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều người nghèo ở "lục địa già” đành phải buôn bán phổi, thận hoặc giác mạc của mình để duy trì sự sống, dù biết đây là xu hướng kiếm tiền bất hợp pháp một cách nguy hiểm: ngoài sức khỏe bị ảnh hưởng, họ còn phải đối mặt với án tù nếu bị phát hiện.

Tại các nước trên, có thể dễ dàng thấy những đoạn quảng cáo bán tạng người trên Internet, riêng với phổi lên đến hàng trăm ngàn đôla. Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), các nghi phạm thường lôi kéo những người thu nhập thấp ở Kazakhstan, Belarus, Nga, Ukraine tham gia bán tạng. Trong nỗ lực của mình, tháng 5/2019 Cảnh sát Isarel đã bắt giữ 10 đối tượng trong đường dây quốc tế nghi bán tạng và buôn người tại Châu Âu.

Thực tế cho thấy, buôn bán tạng người hiện đã trở thành "ngành công nghiệp trái phép" xuyên quốc gia dụ dỗ, môi giới các nạn nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ bán thận ở Kosovo với mức giá hàng chục ngàn đôla, kiếm tiền bất chính từ tầng lớp thu nhập thấp và những BN giàu có đang lâm cảnh tuyệt vọng. Theo ước tính, có khoảng 20.000 - 30.000 quả thận được buôn bán bất hợp pháp trên toàn cầu mỗi năm và nỗ lực bán tạng của người nghèo là hệ quả tất yếu do tình trạng thất nghiệp kéo dài.

Qua điều tra, cơ quan chức năng Bulgaria cho biết, nghịch lý nhói lòng đã diễn ra khi "người dân nghèo Châu Phi muốn tìm bến đỗ tị nạn ở Châu Âu, trong khi nhiều BN của "lục địa già” lại cần tạng để cấy ghép". Chính vì thế, các đường dây tội phạm đã đưa người tị nạn Châu Phi vượt biển sang Châu Âu và trả công bằng... 1 quả thận! Ngoài ra, nhiều nhóm người từ những vùng nghèo đói nhất ở Nepal đã được đưa đến Ấn Độ để phẫu thuật ghép thận cho các BN người Anh, với mức phí nhận được vỏn vẹn 1.000 bảng, hơn 90% còn lại rơi vào tay các đối tượng trong đường dây môi giới.

Theo báo cáo của Văn phòng phòng chống tội phạm Liên hợp quốc, có hàng trăm vụ buôn bán tạng người xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông hàng năm, nhưng "ngành công nghiệp trái phép" này vẫn "ăn nên làm ra", do hầu hết vụ việc xảy ra không được báo cáo.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang