Phát hiện nhiều vụ mua bán nam giới, nội tạng người

Thứ Sáu, 15/07/2016 05:42

|

(CAO) Tại Việt Nam hoạt động mua bán người xảy ra phạm vi trên cả 63 tỉnh, thành phố, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn có mua bán đàn ông, bào thai, nội tạng...

Hôm qua (14-7), Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Cục trưởng Cục báo chí, Bộ thông tin và Truyền thông đã đọc công bố quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10.5.2016 “Ngày toàn dân phòng, chống buôn bán người”.- Ảnh: Thành An.

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: Ngày 14-7-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nay là Chương trình phòng, chống mua bán người, gọi tắt là Chương trình 130/CP.

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp báo

Nhìn lại 12 năm thực hiện, nhất là từ năm 2011 đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, nghiêm túc triển khai thực hiện. Qua đó, đã thu được những kết quả nổi bật như phê duyệt và tổ chức triển khai Luật phòng, chống mua bán người; sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2011 và năm 2015 phần liên quan tội phạm mua bán người; phê duyệt Chương trình quốc gia về mua bán người đến năm 2020; ban hành trên 30 văn bản hướng dẫn thực hiện. ..

Trong năm năm gần đây, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trong đó có 55% là phụ nữ, trẻ em gái. 

Tuy nhiên, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng.

Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó cục trưởng Cục tham mưu cảnh sát, Bộ Công an tại Việt Nam hoạt động mua bán người xảy ra phạm vi trên cả 63 tỉnh, thành phố, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn có mua bán đàn ông, bào thai, nội tạng...

Cùng với đó cũng xuất hiện những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch nhưng thực chất là mua bán để ép buộc cưỡng bức lao động và mại dâm.

Đại tá Lê Văn Chương cũng cho biết nạn nhân nam giới chủ yếu bị lừa ép ra nước ngoài để cưỡng bức lao động (cưỡng ép làm việc tại hầm mỏ, khai thác khoáng sản, lò gạch) và buôn bán nội tạng... chủ yếu là sang Trung Quốc hoặc các nước giàu khoáng sản, kim loại quý hiếm.

Những năm qua, lực lượng công an, biên phòng toàn quốc đã điều tra, khám phá gần 2.000 vụ, bắt trên 3.000 đối tượng phạm tội mua bán người. Gần 8.000 nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng phạm tội là lợi dụng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân hoặc sơ hở trong thực hiện chính sách pháp luật để lừa bán ra nước ngoài dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn. Các đối tượng còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các em, nhất là học sinh sinh viên đi du lịch, mua sắm hoặc lao động có thu nhập cao, sau đó, đưa ra nước ngoài bán.

Đại diện Bộ Công an, Bộ TT&TT và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam chủ trì buổi họp báo tại Hà Nội ngày 14-7- Ảnh: CAND

Đặc biệt, thời gian gần đây, đối tượng phạm tội còn lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Đối tượng phạm tội cũng tương đối đa dạng. Trong đó, đa số là những kẻ cơ hội và một số có tiền án, tiền sự về mua bán người. Một số khác là người nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại cũng trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác kể cả những người thân trong gia đình.

Tại buổi họp báo đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị: “Trong khi số lượng người bị mua bán tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên thì độ tuổi của các nạn nhân lại ngày càng trẻ hơn. Do đó, chúng tôi kiến nghị Việt Nam cần thực hiện một nghiên cứu quốc gia toàn diện về vấn đề mua bán người, tập trung vào mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động, nhằm thiết lập cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn và định hướng cho các hoạt động can thiệp. Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ cho các nạn nhân trở về, bao gồm cả các nạn nhân đã tự trốn thoát và trở về. Đặc biệt, Việt Nam nên sửa đổi các quy định pháp luật để định rõ nạn nhân trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, nhằm thống nhất với tiêu chuẩn quốc tế”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang