Buôn bán tạng người - vấn nạn của nhiều quốc gia:

Kỳ 3: Thế giới ngầm mua bán tạng người ở Trung Quốc

Thứ Tư, 30/08/2023 10:22

|

(CATP) Dù Chính phủ Trung Quốc (TQ) đã ban hành đạo luật nghiêm cấm việc lấy tạng của tử tù, nhưng do nhu cầu cấy ghép tiếp tục tăng cao đã dẫn đến hình thành thế giới ngầm mua bán nội tạng trên mạng. Nhiều người TQ chấp nhận mua tạng (nhất là thận) ở "chợ đen" vì nguồn cung chính của ngành y tế thiếu hụt trầm trọng. Chính vì bệnh nhân muốn được sống trong khi người bán mong có tiền, thị trường này đã trở thành cầu nối và giao dịch được thực hiện.

Cầu cao, cung thấp

Nhiều người TQ tin rằng thi thể người đã khuất cần được chôn cất nguyên vẹn hình hài như lúc sinh ra, nhất là thận, gan, tim có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với con người (trừ những trường hợp thương tật), chính vì thế tỉ lệ người hiến tạng ở nước này nằm ở mức thấp nhất thế giới, có thời điểm chỉ khoảng 0,6 trên 1 triệu người nên từng xảy ra tình trạng nhận tạng của tử tù (nếu được người thân đồng ý hoặc xác của tử tù không có người nhận), trước khi Chính phủ nước này ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt vấn đề trên.

Tiếp đó, ngân hàng quốc gia lưu trữ tạng để phân phối đến những bệnh nhân cần nhất được thành lập, nhưng hệ thống này cũng bị lợi dụng và những người có "mối quan hệ thân thiết" thường được ưu tiên. Trên thực tế, vấn đề lớn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt là khuyến khích người dân hiến tạng. Theo quy định của luật pháp TQ, những người cho - nhận tạng phải là vợ - chồng, người thân trực hệ hoặc bàng hệ trong phạm vi 3 đời.

Thị trường "chợ đen" mua bán tạng người vì thế lớn tới mức khó thể tưởng tượng nổi. Hàng trăm bệnh viện từ cấp 3 có thể phẫu thuật cấy ghép tạng, chính vì thế thị trường tạng "chợ đen" ngày càng mở rộng, kẻ bán, người mua, môi giới, cả phía bệnh viện đều có lợi, họ phối hợp chặt chẽ với nhau và mỗi thành phần phụ trách một khâu tạo thành dịch vụ trọn gói hoàn chỉnh.

Mức lãi cao chỉ sau mua bán vũ khí

Vấn nạn mua bán, cấy ghép tạng trái phép ở TQ được dư luận thế giới quan tâm từ tháng 8/2012, khi công an nước này triệt phá đường dây buôn bán tạng người sống, sau khi 1 nam sinh 17 tuổi bán thận kiếm 3.500 euro để mua điện thoại thông minh và máy tính bảng, dẫn đến tình trạng nguy kịch sau ca phẫu thuật.

Một thanh niên bán thận 21 tuổi, giấu tên, cho biết do khoản nợ từ cờ bạc đã phải chấp nhận bán 1 quả thận với giá 7.000 USD, để bảo đảm bí mật, tất cả giao dịch đều được tiến hành qua mạng. Đến ngày thực hiện ca phẫu thuật, người thanh niên này bị bịt mắt, ngồi xe khoảng nửa tiếng đồng hồ trên con đường gập ghềnh đến 1 trang trại ở khu vực hẻo lánh, bên trong có phòng phẫu thuật với các trang thiết bị cùng bác sĩ, y tá chờ sẵn. "Sau khi được gây mê, tôi chẳng còn biết gì, tỉnh dậy với cơn đau nhói bên sườn và 1 quả thận không còn nữa", người bán tạng nhớ lại.

Dụng cụ phẫu thuật tại một cơ sở y tế từng thực hiện ghép tạng. Ảnh: AFP

Tân Hoa Xã từng đưa tin về phiên tòa xét xử vào ngày cuối cùng của năm 2016 với các bị cáo gồm bác sĩ gây mê, y tá cùng 13 cá nhân khác đã tham gia vào đường dây buôn bán thận bất hợp pháp quy mô lớn, với mức án tù từ 2-5 năm. Theo cáo trạng, các ca cấy ghép thận tiến hành bí mật, người nhận được yêu cầu phải trả 400.000 - 600.000 nhân dân tệ cho mỗi ca ghép thận, trong khi người bán chỉ nhận chưa đến 50.000 nhân dân tệ.

Với cái giá 4.000USD cho 1 quả thận, các đối tượng môi giới yêu cầu người bán phải là thanh niên dưới 30 tuổi, cao trên 1,7m, cân nặng hơn 75kg, chức năng tạng tốt, tất cả những tiêu chí này đều phải chứng nhận bằng phiếu khám sức khỏe của bệnh viện...

Trước đó, năm 2006 dư luận TQ từng rúng động về vụ án giết người lấy tạng bán. Theo hồ sơ, Đồng Cách Phi (40 tuổi) lang thang kiếm sống bằng cách đi ăn xin đã bị các đối tượng ở một huyện miền núi của tỉnh Hà Bắc, do Vương Triều Dương cầm đầu, bắt giam. Sau đó họ Vương tìm tới nhóm môi giới ở TP. Quảng Châu, nhờ phao tin có 1 tử tù đang chờ ra pháp trường. Sau đó, nhóm Vương sát hại Đồng, nói dối là tử tù vừa bị xử bắn để bán tạng với mức giá gần 15.000 nhân dân tệ. Nghi ngờ, các bác sĩ báo công an và nhóm Vương đã bị bắt sau đó.

Thống kê từ Bộ Y tế TQ cho thấy, hàng triệu người cần được cấy ghép cơ quan tạng mới, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng vài chục ngàn ca được thực hiện do thiếu nguồn hiến tặng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, thận chiếm 75% các thương vụ mua bán tạng trên toàn cầu.

Kỹ thuật phẫu thuật cấy ghép tạng được bắt đầu thực hiện thành công ở các bệnh viện TQ từ thập niên 60 của thế kỷ trươc và nhanh chóng phát triển, đến nay trình độ cấy ghép của nước này chỉ đứng sau Mỹ, dù TQ vẫn là nước có số ca ghép tạng lớn nhất thế giới, thu về mỗi năm hàng tỷ đôla. Thị trường cung cấp tạng người ở đất nước trên 1,4 tỷ dân này còn tạo ra "du lịch cấy ghép nội tạng" cho các bệnh nhân đến từ Nhật Bản, Mỹ, Saudi Arabia....

Luật Hình sự sửa đổi năm 2011 của TQ có các điều khoản liên quan đến tạng. Theo đó, nếu bị kết tội tổ chức buôn bán tạng người có thể phải đối mặt với án tù hơn 5 năm kèm phạt tiền nặng; bị cáo có hành vi "cưỡng ép hiến tạng, lấy tạng của người khác hay của trẻ vị thành niên" phải đối mặt với khung hình phạt dành cho tội "giết người".

Dư luận TQ cũng đặt vấn đề: Các ca ghép tạng tăng nhanh từ đầu thế kỷ XXI, nhưng số người tình nguyện hiến tạng lại tỉ lệ nghịch, làm dấy lên câu hỏi về nguồn gốc của số tạng được gọi là "hiến tặng" xuất phát từ đâu?

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Nghề kinh doanh thu lãi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang