(CAO) Bộ ba nhà kinh tế đã được trao giải Nobel vào ngày 14/10 cho "các nghiên cứu về cách các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng".
CNN đưa tin bộ ba kinh tế gia Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (1 triệu USD).
Ủy ban Nobel đã ca ngợi bộ ba này vì đã giải thích lý do tại sao "các xã hội có nền pháp quyền kém và các thể chế bóc lột dân chúng không tạo ra sự tăng trưởng hoặc thay đổi theo hướng tốt hơn".
“Khi người châu Âu xâm chiếm các vùng đất rộng lớn trên thế giới, các thể chế trong những xã hội đó đã thay đổi” - Ủy ban cho biết, trích dẫn công trình của bộ ba này. Trong khi ở nhiều nơi, mục đích của việc này là khai thác người dân bản địa, thì ở những nơi khác, nó lại đặt nền móng cho các hệ thống chính trị và kinh tế bao trùm.
“Những người đoạt giải đã chỉ ra rằng một lời giải thích cho sự khác biệt về sự thịnh vượng của các quốc gia là các thể chế xã hội được đưa vào áp dụng (khác nhau ở từng nơi) trong thời kỳ thuộc địa”. Các quốc gia phát triển “các thể chế bao trùm” theo thời gian đã trở nên thịnh vượng, trong khi những quốc gia phát triển “các thể chế khai thác” lại liên tục trải qua mức tăng trưởng kinh tế thấp.
Trong cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” xuất bản năm 2012, Acemoglu - một giáo sư người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Công nghệ Massachusetts và Robinson - một giáo sư người Anh tại Đại học Chicago (Mỹ) lập luận rằng một số quốc gia giàu có hơn những quốc gia khác vì các thể chế chính trị và kinh tế của họ.
Bộ ba kinh tế gia đoạt giải Nobel Kinh tế 2024
Cuốn sách mở đầu bằng việc so sánh mức sống ở hai thị trấn có tên là Nogales – một ở bang Arizona (Mỹ) và một ở phía nam biên giới tại vùng Sonora của Mexico. Trong khi một số nhà kinh tế cho rằng sự khác biệt về khí hậu, nông nghiệp và văn hóa có tác động rất lớn đến sự thịnh vượng của một địa điểm, Acemoglu và Robinson lại cho rằng những người sống ở Nogales, Arizona khỏe mạnh và giàu có hơn vì sức mạnh tương đối của các thể chế địa phương của họ.
Giải thưởng kinh tế chính thức được gọi là Giải thưởng Khoa học Kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển tưởng nhớ Alfred Nobel. Không giống như các giải thưởng về vật lý, hóa học, y học, văn học và hòa bình, giải thưởng này không được thành lập bởi nhà công nghiệp Thụy Điển mà là do ngân hàng trung ương Thụy Điển thành lập vào năm 1968.
Cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại" từng phát hành tại Việt Nam - Ảnh: NXB Trẻ
Năm ngoái, giải thưởng đã được trao cho Claudia Goldin, một giáo sư tại Đại học Harvard cho nghiên cứu của bà về phụ nữ trên thị trường lao động.
Sử dụng dữ liệu của Hoa Kỳ trong hơn 200 năm, Goldin đã chỉ ra bản chất của khoảng cách lương theo giới tính đã thay đổi như thế nào theo thời gian. Theo truyền thống, phần lớn khoảng cách có thể được giải thích bằng sự khác biệt về trình độ học vấn và nghề nghiệp. Nhưng trong lịch sử gần đây, bà phát hiện ra rằng phần lớn khoảng cách này là giữa nam giới và phụ nữ trong cùng một nghề nghiệp và nó chủ yếu xuất hiện khi một người phụ nữ sinh đứa con đầu lòng.