Quân đội Trung Quốc đang tăng tốc để cạnh tranh với Mỹ

Thứ Sáu, 11/03/2016 06:06

|

(CAO) Đó là tựa bài viết thể hiện quan điểm của Yvonne Chiu- chuyên gia nghiên cứu về quân sự và ngoại giao Trung Quốc ở Đại học Hồng Kông. Theo Yvonne Chiu, qua những động thái gần đây, quân đội Trung Quốc đang gửi đi “một tín hiệu mạnh mẽ rằng họ đang tăng tốc để cạnh tranh vị trí siêu cường của Mỹ”.

Sự cạnh tranh này thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh đang tiến hành cải tổ quân đội ở nhiều mặt nhằm hiện đại và chuyên nghiệp hóa lực lượng này.

Một trong những chỉ dấu mở rộng tầm ảnh hưởng đó là việc Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài ở Djibouti- một quốc gia châu Phi có bờ biển giáp vịnh Aden- nơi có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên Thế giới đưa hàng hóa thông thương từ châu Á qua kênh đào Suez đến châu Âu và ngược lại.

Hồi tháng 5-2015, Tờ Diplomat (Nhật) đưa tin Bắc Kinh muốn lập căn cứ quân sự tại cảng chiến lược Obock của Djibouti- ngay yết hầu chiến lược của luồng hàng quốc tế đi qua.

CNN đưa tin dư luận đang rộ lên đồn đoán Bắc Kinh đang ra sức đàm phán với chính phủ Djibouti hợp đồng 10 năm ( sử dụng cảng Obock).

Trung Quốc hôm 5-3 đã thông báo ngân sách quốc phòng cho năm 2016 sẽ tăng khoảng 7,6%, thấp hơn mức tăng hai con số trong những năm trước đó. Tuy nhiên mức tăng thực tế được dự báo sẽ cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hồi tháng 9-2015 đã tuyên bố giảm 300.000 quân trong lực lượng quân đội nhằm tinh giản và chuyên nghiệp hóa lực lượng này. Hiện quân đội nước này vẫn còn 2 triệu quân. Hồi tháng 12-2015, Trung Quốc cũng tuyên bố cải tổ quân đội bằng cách giải thể 7 quân khu và sắp xếp lại thành 5 vùng chiến lược (bắc, nam, đông, tây và vùng trung tâm).

So sánh tương quan quân đội Trung Quốc và Mỹ- từ trái qua về quân số, đơn vị pháo binh, xe tăng chiến đấu, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tàu khu trục - Ảnh: đồ họa CNN 

Quân đội Trung Quốc còn lên kế hoạch tái cấu trúc 4 tổng cục là Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị đặt dưới quyền điều hành của Ủy ban Quân sự trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Các đơn vị hải quân, không quân, bộ binh …cũng đang được sắp xếp để làm sao phối hợp tác chiến một cách hiệu quả nhất.

Yvonne Chiu cũng lập luận bên cạnh việc tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc chế tạo và xuất khẩu vũ khí. Nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga. Trong triển lãm hàng không Singapore mới đây, Trung Quốc đã trình diễn và chào bán máy bay chiến đấu tiêm kích đa nhiệm vụ Chengdu J-10.

Việc Bắc Kinh có khả năng bán vũ khí chế tạo không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng quân sự, cũng cố các liên minh chính trị của Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc tổ chức bay huấn luyện chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh với các màn cất cánh, hạ cánh và đang cố gắng chế tạo tàu sân bay thứ hai. Điều này cho thấy Trung Quốc đang tiến đến việc củng cố và phát triển năng lực hoạt động trên các vùng biển mở.

Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội để cạnh tranh và gia tăng ảnh hưởng - Ảnh: Reuters

Yvonne Chiu nhận định việc Trung Quốc tăng tốc năng lực của quân đội nhằm nâng cao vị thế trên trường quốc tế, tạo ra sự “hâm mộ” của người dân đối với chính thể cầm quyền và muốn cạnh tranh quân sự vượt ra ngoài biên giới với Mỹ.

Trung Quốc đi bước đầu tiên trong khu vực bằng cách đưa ra yêu sách đường chín đoạn đòi yêu sách chủ quyền (vô lý) ở Biển Đông, xây các đảo nhân tạo tại vùng biển này nhằm thử phản ứng quốc tế và tìm cách mở rộng lãnh thổ (trái phép) của mình.

Trung Quốc muốn “trỗi dậy hòa bình” bằng cách trở thành một siêu cường mà không phải trải qua một cuộc chiến nào. Nhưng Trung Quốc đang đi trên một con đường nguy hiểm (những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là một ví dụ điển hình).

Bình luận (0)

Lên đầu trang