Thấy gì từ kế hoạch hiện diện ở Djibouti của Bắc Kinh?

Thứ Ba, 19/05/2015 12:18  | 

|

(CATP) Tuần trước rộ lên nhiều báo cáo dẫn lời Tổng thống Djibouti cho biết Trung Quốc đang đàm phán với chính phủ nước này về việc mở căn cứ hải quân chính thức đầu tiên của mình ngoài hải ngoại.

Tờ Diplomat (Nhật) đưa tin Bắc Kinh muốn lập căn cứ quân sự tại cảng chiến lược Obock của Djibouti, minh chứng mới nhất về việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự của mình.

Nhận định về ẩn ý của Bắc Kinh sau động thái này, Alex Sullivan- nhà phân tích châu Á - Thái Bình Dương tại  Trung tâm an ninh mới của Mỹ, nói với Defense News: “Có một câu chuyện lớn hơn nhiều phía sau. Xây căn cứ tại Djibouti là hành động  biểu tượng. Điều này cho thấy Trung Quốc ngày càng chủ động hơn trong các vấn đề an ninh quốc tế so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Bắc Kinh có sự quan tâm ngày càng tăng với những vấn đề mang tính toàn cầu ”.

Djibouti hiện đã có trại Lemonnier, tổng hành dinh quân sự  Mỹ tại châu Phi. Trại Lemonnier được sử dụng cho các hoạt động bí mật, chống khủng bố và những nhiệm vụ khác ở Yemen, Somalia và nhiều nơi khác ở châu Phi. Đây là căn cứ thường trực duy nhất của Mỹ ở lục địa đen. AFP dẫn lời Tổng thống Ismail Omar Guelleh trong một cuộc phỏng vấn ở Djibouti tiết lộ “ những cuộc thảo luận vẫn đang tiến hành”.

Một bến cảng Obock, Djibouti

Bình luận của ông Guelleh (về việc cho Trung Quốc mở căn cứ) diễn ra trong bối cảnh Nga bán hệ thống phòng không S-400 thế hệ mới cho Trung Quốc và căng thẳng  Mỹ- Trung về chương trình tôn tạo, bồi lấp đảo trái phép quy mô lớn ở biển Đông của Bắc Kinh.

Đối với châu Phi, Trung Quốc đang cấp vốn cho một số dự án xây cơ sở hạ tầng trị giá tổng cộng ước hơn 9 tỷ USD. Pháp và Nhật cũng có căn cứ ở Djibouti, nơi canh gác cửa ngõ biển Đỏ và kênh đào Suez.

Ông Guelleh nói với AFP: “Sự hiện diện của Pháp xưa rồi và người Mỹ đã phát hiện vị trí đắc địa của Djibouti, có thể giúp Washington trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực. Người Nhật muốn tự bảo vệ mình trước hải tặc - và giờ người Trung Quốc cũng muốn hiện diện tại Djibouti để bảo vệ những lợi ích của họ”.

Djibouti là một nước nhỏ nhìn ra eo biển hẹp Bab al-Mandeb, chia cắt châu Phi với bán đảo Ảrập và là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. Một cựu quan chức Mỹ tại trại Lemonnier nhận định ít có khả năng Trung Quốc quan tâm đến căn cứ Mỹ hiện diện tại đây hay xây dựng căn cứ hải quân "để đối phó với cướp biển". Đơn thuần Trung Quốc chỉ để tâm đến vị trí đắc địa của Djibouti.

Nguyên nhân Bắc Kinh để ý Djibouti còn do những nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác ở khu vực Đông Phi, nơi Trung Quốc đã tung nhiều tỷ đôla thăm dò.

Quan chức giấu tên này nói với Defense News: “Mỹ nên lo lắng về ảnh hưởng tăng lên của Trung Quốc ở châu Phi và sự mở rộng hải quân Trung Quốc ở bất cứ đâu cũng cần được lưu ý”.

Djibouti- quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí đắc địa. Trung Quốc đang muốn tăng cường sự hiện diện tại đây

Djibouti và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận quân sự cho phép hải quân Trung Quốc sử dụng cảng Djibouti từ tháng 2-2014, một động thái làm Washington bực dọc. Obock, thành phố cảng phía bắc Djibouti nằm trên bờ biển bắc vịnh Tadjoura, đối diện với cảng chính của Djibouti, nơi đông đúc tàu thương mại và Mỹ đang khai thác cảng này .

Những năm gần đây, chính quyền Djibouti tăng cường đổi hướng sang Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối tác quan trọng về kinh tế . Năm ngoái, tổng thống Guelleh đã chuyển hợp đồng điều hành cảng này cho một công ty Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, sự hiện diện quân sự lâu dài của Trung Quốc ở Djibouti nhiều khả năng sẽ gây quan ngại đặc biệt cho Mỹ và Ấn Độ. Mỹ quan ngại về việc quân đội Trung Quốc gia tăng hiện diện trên toàn cầu, trong khi Ấn Độ vẫn lo ngại về khả năng Trung Quốc mở rộng sức mạnh hải quân tới Ấn Độ Dương .

Minh Phương

Bình luận (0)

Lên đầu trang