Trường học ở Trung Quốc dùng sơn làm phẩm màu thực phẩm khiến hơn 200 trẻ ngộ độc

Thứ Tư, 09/07/2025 18:34  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 9/7, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hơn 200 học sinh mẫu giáo ở một trường tại khu vực tây bắc Trung Quốc được phát hiện có nồng độ chì trong máu cao bất thường sau khi nhân viên nhà bếp sử dụng sơn làm phẩm màu thực phẩm.

8 người, bao gồm cả hiệu trưởng của trường mẫu giáo tư thục mà những đứa trẻ này theo học đã bị bắt giữ "vì nghi ngờ sản xuất thực phẩm độc hại và có hại", theo báo cáo được công bố vào ngày 8/7 bởi chính quyền thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc.

Theo báo cáo ban đầu, hiệu trưởng và một nhà tài trợ của trường đã cho phép nhân viên nhà bếp tại trường mẫu giáo Heshi Peixin sử dụng bột màu sơn để tạo màu cho thức ăn của trẻ em, dẫn đến tình trạng ngộ độc chì. Kết luận được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều ngày nhưng vẫn đang tiếp diễn về các vụ việc.

Trong số 251 học sinh theo học tại trường mẫu giáo này, 233 em được phát hiện có nồng độ chì trong máu cao bất thường, báo cáo cho biết. Các nhà chức trách cũng cho biết những đứa trẻ này đang được điều trị y tế, trong đó có 201 em hiện đang nằm viện. Đánh giá y tế về tác động của việc tiếp xúc với chì, có thể gây hại lâu dài và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ vẫn chưa được công khai trong vụ việc này.

Gian bếp chế biến của trường mẫu giáo Heshi Peixin 

Phương tiện truyền thông địa phương trích dẫn lời một giáo sư nhi khoa cho biết các khía cạnh của vụ việc cho thấy có thể có tình trạng ngộ độc chì mãn tính, nghĩa là tiếp xúc trong thời gian hơn ba tháng.

Trong quá trình điều tra, hai mẫu thực phẩm từ trường mẫu giáo - một chiếc bánh ăn sáng hấp táo đỏ và một chiếc bánh ngô cuộn xúc xích được phát hiện có hàm lượng chì cao gấp hơn 2.000 lần so với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về mức độ ô nhiễm, theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo điều tra.

Nhà chức trách cũng đã tịch thu sơn và phát hiện có chứa chì cùng với bao bì được dán nhãn rõ ràng cảnh báo là không ăn được. Quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của Thiên Thủy nói với đài CCTV rằng hiệu trưởng và nhà đầu tư của ông ta đã nhắm đến mục tiêu "thu hút thêm nhiều học sinh ghi danh và tăng doanh thu" bằng loại thực phẩm đầy màu sắc này.

Trường mẫu giáo Heshi Peixin - nơi xảy ra vụ việc chấn động - Ảnh: Heshi Peixin Kindergarten/WeChat

Chính quyền cho biết họ đã tiến hành điều tra vào ngày 1/7 sau khi biết được các báo cáo rằng trẻ em tại trường có nồng độ chì trong máu cao bất thường. Trẻ em tiếp xúc với chì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, hành vi và trí thông minh (IQ) của trẻ.

Báo cáo của chính phủ không tiết lộ thời gian tiếp xúc kéo dài bao lâu. Một số phụ huynh bị ảnh hưởng được truyền thông nhà nước phỏng vấn cho biết họ đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe và hành vi của con mình trong nhiều tháng và yêu cầu giới chức điều tra về cách thức mà vụ việc xảy ra ngay tại môi trường học đường.

"Tôi cảm thấy trống rỗng" - một người mẹ của một học sinh bị ảnh hưởng nói với đài truyền hình địa phương sau khi biết kết quả xét nghiệm từ một bệnh viện ở một thành phố khác rằng con mình có nồng độ chì trong máu là 528 microgam/lít. Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phân loại "ngộ độc chì nghiêm trọng" là bất kỳ mức nào mà nồng độ chì trong máu cao trên 450 microgam/lít.

"Hiện tại, tôi không nghĩ đến việc bồi thường - tôi chỉ muốn con mình khỏe mạnh” - người mẹ này cho biết.

Vụ án đã làm dấy lên mối lo ngại quen thuộc ở Trung Quốc về an toàn thực phẩm cũng như mức độ minh bạch trong việc xử lý các vụ án như vậy.

Đầu tháng này, sau khi nhà trường tiến hành xét nghiệm đối với học sinh nhưng không công bố kết quả riêng lẻ, nhiều phụ huynh đã đưa con đến Tây An – một thành phố lớn cách Thiên Thủy khoảng bốn giờ lái xe để xét nghiệm, theo một báo cáo được công bố bởi một cơ quan thông tấn trực thuộc tờ Nhân dân nhật báo.

Các báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước phát hiện ra rằng 70 trẻ em được xét nghiệm ở Tây An có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng ngộ độc chì, trong đó sáu trường hợp vượt quá 450 microgam/lít. Theo hướng dẫn chính thức của Trung Quốc, mức độ này được phân loại là “nghiêm trọng”. Không có bức tranh đầy đủ về kết quả từ tất cả học sinh có mức độ chì cao bất thường.

Một bà mẹ chia sẻ với tờ Nhân dân nhật báo rằng bà đã rất bối rối khi thấy con gái mình liên tục bị đau bụng, chán ăn và thay đổi hành vi trong sáu tháng qua. Tình trạng này không thuyên giảm sau khi điều trị bằng thuốc Đông y.

Những người khác thì tỏ ra hoài nghi về kết quả điều tra chính thức.

Cổng trường mẫu giáo, nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: Heshi Peixin Kindergarten/WeChat

"Những đứa trẻ chỉ ăn bánh hấp táo tàu ba màu và chả giò ngô một hoặc hai lần một tuần, làm sao chúng có thể bị đầu độc nghiêm trọng như vậy?" - một bà mẹ họ Ngô chia sẻ với đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR). "Nếu chuyện như thế này xảy ra với trẻ em ở trường, ít nhất hãy cho chúng tôi một lời giải thích. Bây giờ thì không còn gì nữa" - người mẹ này chia sẻ.

Đầu tuần này, thị trưởng thành phố Thiên Thủy - Lưu Lệ Giang cho biết thành phố sẽ "làm mọi cách có thể để đảm bảo việc điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em", đồng thời cam kết sẽ đóng "lỗ hổng" trong công tác giám sát an toàn thực phẩm công cộng của Thiên Thủy.

Vụ án đã dẫn đến làn sóng phẫn nộ lan rộng trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, vụ bê bối mới nhất trong số hàng chục vụ bê bối gây chú ý đã được các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin kể từ đầu những năm 2000.

Những vụ bê bối về an toàn thực phẩm trong quá khứ cũng đã tác động đến trẻ em. Trước đó, sáu trẻ sơ sinh đã tử vong và khoảng 300.000 trẻ khác bị ốm do sữa bột có chứa hóa chất công nghiệp độc hại melamine. Một số giám đốc điều hành bị phát hiện chịu trách nhiệm cho vụ án năm 2008 cuối cùng đã bị tuyên án tử hình và thảm kịch này đã gây ra sự ngờ vực sâu sắc đối với các sản phẩm trong nước và an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.

Ngộ độc chì từng là vấn đề phổ biến hơn ở Trung Quốc. Năm 2010, chính quyền trung ương lần đầu tiên phân bổ các quỹ đặc biệt để phòng ngừa ô nhiễm kim loại nặng này nhằm ứng phó với ít nhất 12 vụ việc nổi cộm trong năm trước khiến hơn 4.000 người có nồng độ chì trong máu cao, theo truyền thông nhà nước.

Các quan chức cũng đã có động thái thắt chặt các quy định về an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, nhưng các vụ việc vi phạm tràn lan cho thấy cần phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa về mặt thực thi và xây dựng lại lòng tin của công chúng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang