Quốc hội Thái Lan không bầu được Thủ tướng mới

Thứ Sáu, 14/07/2023 15:25

|

​(CAO) Ứng cử viên duy nhất làm Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan đã không đạt được đủ số phiếu bầu trong quốc hội để thành lập chính phủ hôm 13-7.

Cuộc bỏ phiếu được coi là một thời điểm quan trọng đối với Thái Lan, trong đó các thành viên của Quốc hội lưỡng viện tuyên bố lựa chọn thủ tướng của họ.

Kết quả bầu cử vào tháng 5, đảng mới Tiến bước (Move Forward) đã giành được nhiều ghế nhất và tỷ lệ phiếu bầu phổ thông lớn nhất.

Tuy nhiên, ở cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng, lãnh đạo Move Forward, Pita Limjaroenrat, chỉ nhận được 324 phiếu trong tổng số 376 phiếu cần thiết để chiếm đa số ở cả thượng viện và hạ viện. Chủ tịch Hạ viện hiện giờ sẽ kêu gọi một vòng bỏ phiếu khác được lên lịch vào một ngày sau đó.

Đảng đã cam kết cải cách cơ cấu sâu sắc đối với cách thức điều hành quốc gia Đông Nam Á với hơn 70 triệu dân này: thay đổi quân đội, kinh tế, phân cấp quyền lực và thậm chí còn muốn cải cách chế độ quân chủ vốn 'không thể chạm tới' trước đây.

Sau cuộc bỏ phiếu, Pita nói với các phóng viên bên ngoài quốc hội rằng ông chấp nhận kết quả “nhưng sẽ không bỏ cuộc”.

“Chúng tôi sẽ không thay đổi chính sách của mình, chúng tôi phải giữ lời hứa với người dân” - ông nói.

Mục 112 của Bộ luật Hình sự đã quy định các tội danh chỉ trích Nhà vua, Hoàng hậu hoặc người thừa kế và tội khi quân có thể bị phạt tù dài hạn lên đến 15 năm.

Chủ đề cải cách hoàng gia nhạy cảm đến mức một số thượng nghị sĩ và đảng bảo thủ đã loại trừ việc bỏ phiếu cho Pita vì lý do này.

“Ông ấy không phù hợp để trở thành thủ tướng của Thái Lan. Thứ nhất, Đảng Tiến bước có chính sách sửa đổi và bãi bỏ Mục 112, thứ hai, sau khi Ủy ban Bầu cử chuyển vụ việc lên tòa án để xem xét tư cách hợp lệ của ông ấy, điều này đã chứng minh ở một mức độ nào đó rằng ông ấy không đủ tiêu chuẩn” - Thượng nghị sĩ Seri Suwannapanon nói với CNN trước cuộc bỏ phiếu.

“Xu hướng của các thượng nghị sĩ, họ sẽ bảo vệ Mục 112”.

Bên ngoài quốc hội vào sáng 13-7, Thượng nghị sĩ Kittisak Rattanawaraha cho biết ông sẽ không bỏ phiếu cho Pita, “vì họ đứng đằng sau những nỗ lực can thiệp vào các cơ quan độc lập, quân đội, cảnh sát và Mục 112”.

Nhưng các chính sách của Move Forward đã giành được sự ủng hộ rộng lớn trong giới trẻ của đất nước, những người từ lâu đã cảm thấy không hài lòng với chế độ chính trị trong nhiều năm và thất vọng với nền kinh tế trì trệ và thị trường việc làm khó khăn.

Ông Pita Limjaroenrat 

Cuộc bầu cử hồi tháng 5, chứng kiến ​​số cử tri đi bầu kỷ lục, cũng là lời chỉ trích mạnh mẽ đối với chính quyền do quân đội hậu thuẫn kể từ năm 2014, khi tướng quân đội lúc bấy giờ là ông Prayut Chan-o-cha lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính.

Thái Lan đã chứng kiến ​​hàng chục cuộc đảo chính thành công kể từ năm 1932, trong đó có hai cuộc trong 17 năm qua.

Ông Prayut được bầu làm Thủ tướng vào năm 2019, một chiến thắng phần lớn được cho là nhờ hiến pháp do quân đội soạn thảo nhằm củng cố quyền lực.

Hồi đầu tuần, ông Prayut tuyên bố nghỉ hưu, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ tiếp tục làm Thủ tướng cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Những người ủng hộ Pita nói rằng chiến thắng dành cho cựu sinh viên Harvard 42 tuổi trong cuộc bỏ phiếu quốc hội hôm 13-7 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới tiến bộ và dân chủ cho nền chính trị Thái Lan.

Mặc dù giành chiến thắng trong các cuộc thăm dò cho Pita, nhưng vẫn còn lâu mới chắc chắn ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Thái Lan.

Ở Thái Lan, một đảng hoặc liên minh cần giành được đa số trong 376 ghế ở cả hạ viện và thượng viện – 750 ghế – để bầu ra thủ tướng và thành lập chính phủ.

Thế đa số của Move Forward không đủ lớn để thành lập chính phủ hoàn toàn, ngay cả khi có liên minh gồm bảy đảng khác.

Để đảm bảo chiến thắng, liên minh sẽ cần sự hỗ trợ từ Thượng viện gồm 250 thành viên không qua bầu cử. Điều đó được chứng minh là rào cản lớn trên con đường trở thành thủ tướng của Pita.

Pita gần đây đã nói với CNN rằng những thay đổi về cấu trúc được đề xuất của Move Forward với các ưu tiên là “phi quân sự hóa, phi độc quyền hóa và phi tập trung hóa” ở Thái Lan.

Điều đó bao gồm việc loại bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, giảm ngân sách quân sự, làm cho quân đội trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn.

Trong một thất bại lớn khác trước thềm cuộc bỏ phiếu, Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 12-7 đã chấp nhận hai đơn kiện chống lại Đảng Tiến bước và lãnh đạo Pita của đảng này.

Vụ việc dự kiến ​​sẽ được xem xét vào tuần tới và nếu chuyển sang giai đoạn xét xử, Pita sẽ bị đình chỉ nghĩa vụ chính trị. Kết quả đó có thể sẽ đổ thêm dầu vào lửa, với khả năng xảy ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố.

Một trong những đơn khiếu nại được Ủy ban bầu cử chuyển đến tòa án, cáo buộc Pita vi phạm luật bầu cử vì nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông và yêu cầu ông bị loại. Pita đã phủ nhận việc ông vi phạm các quy tắc bầu cử và một tuyên bố từ Move Forward cáo buộc Ủy ban bầu cử đã đưa vụ việc ra tòa.

Trong những tuần gần đây, Pita đã tập hợp những người ủng hộ trên khắp đất nước, với hàng chục nghìn người tập trung tại Bangkok, bất chấp mưa lớn. Trước đây, ông tự tin sẽ đảm bảo đủ số phiếu bầu trong quốc hội, nhưng tuần trước đã cảnh báo các thượng nghị sĩ không bỏ phiếu trái với nguyện vọng của người dân.

“Việc bỏ phiếu không dành cho Pita, không phải cho đảng của tôi, mà là để Thái Lan tiến tới trạng thái bình thường của hệ thống dân chủ, giống như bất kỳ quốc gia dân chủ nào trên thế giới này” - ông viết trên Twitter.

Nếu Pita không được bầu, Chủ tịch Hạ viện đã thông báo thêm hai vòng bỏ phiếu nữa – vào ngày 19 và 20 tháng 7 – để công bố kết quả. Sau đó, các liên minh có thể bắt đầu tan rã và bế tắc chính trị có thể làm hỏng thành công trong cuộc bầu cử của phong trào tiến bộ, có khả năng gây ra các cuộc biểu tình.

Đảng Tiến bước đã khuyến khích người dân thể hiện sự ủng hộ của họ tại quốc hội và một nhà lãnh đạo biểu tình nổi tiếng của Thái Lan hôm 11-7 đã kêu gọi biểu tình nếu các thượng nghị sĩ từ chối bỏ phiếu phù hợp với kết quả bầu cử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang