Sáng nay, tôi đã gửi thư cho Tổng giám đốc của BBC – Tony Hall để trình bày quyết định xin thôi việc của mình sau 34 năm làm việc tại đây.
Đây là điều mà tôi và Tony đã cùng nhau thảo luận suốt nhiều tháng nên sẽ không có gì ngạc nhiên đối với cả 2 chúng tôi, nhưng tôi phải thú nhận rằng đó là một cảm giác khá lạ lẫm khi đưa ra quyết định cuối cùng này, cũng như lần đầu tiên công bố nó…
Hiện đã không còn có thể nhận ra được thế giới mà tôi bước vào từ rất nhiều năm trước đây, khi còn là một phóng viên trẻ làm việc tại một đài phát thanh thương mại ở vùng Đông Bắc nước Anh. Đó từng là một thế giới của những điều chắc chắn và đôi chút âu lo, bị chi phối bởi Chiến tranh lạnh và sự đồng thuận kinh tế và quân sự Tây Âu được xây dựng quanh khối NATO và thị trường chung. Thực tế, Anh vừa mới gia nhập Thị trường chung…
Báo chí, tôi muốn nói đến báo giấy, đài phát thanh và truyền hình – tất cả đều tách biệt và đề cập đến nhau với một sự nghi ngờ không nhỏ. Phát thanh truyền hình, tại Anh và ở Châu Âu, bị chi phối bởi các tập đoàn dịch vụ công lớn, những đơn vị nói chung được chấp nhận và tài trợ khá, và gần như không có bất kỳ thắc mắc nào, như một lực lượng đại diện cho sự tốt đẹp và là một nguồn thông tin độc lập trong một lục địa đang lo lắng học hỏi những bài học của Thế chiến thứ 2.
Mọi thứ đã thay đổi. Chiến tranh lạnh là một ký ức xa vời và một số điều chắc chắn thoải mái đã không còn. Rất khó để tìm thấy sự đồng thuận chính trị. Các đài phát thanh và truyền hình về dịch vụ công từng giữ vai trò thống trị nay đã phải giữ thế thủ khi đối diện với sự tấn công của đối thủ cạnh tranh. Và những nhà báo chúng ta đang sống trong thời đại của tin tức khẩn cấp và ghi âm/thu hình kỹ thuật số. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, chúng ta có thể ghi lại nhiều hơn và dễ dàng hơn, gần như ở mọi ngóc ngách của thế giới.
Tôi tự hào rằng bản thân đã có mặt trong đội quân tiên phong đưa công nghệ kỹ thuật số, sự sáng tạo và báo chí lại với nhau. Nhiều năm trước khi tôi còn điều hành kênh phát ngôn chính của BBC – kênh số 4, tôi đã thực hiện vở kịch tương tác kỹ thuật số đầu tiên của chúng ta, nhờ đó người nghe có thể dùng máy tính của mình để thay đổi quy trình của một thử nghiệm được dựng xung quanh một câu chuyện ma ngày Halloween. Việc làm này rất dũng cảm, đầy tham vọng kỹ thuật số nhưng phải nói thẳng là nó rất tệ. Thực tế là không thể hiểu nổi. Nhưng tôi không bao giờ hối tiếc vì đã chấp nhận rủi ro để thực hiện việc này.
Sau này, với cương vị là Giám đốc tin tức BBC News, tôi đã hướng nhóm của mình tạo ra những tin tức truyền thông đa phương tiện lớn nhất và tốt nhất trong thế giới dân chủ được xây dựng quanh sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số... Vì vậy tôi vừa tò mò lại vừa hồi hộp với công nghệ kỹ thuật số. Nhưng tôi đủ trưởng thành và khôn ngoan để biết rằng điều gì cũng có giá của nó.
Thẳng thắn mà nói, tôi lo lắng về phương hướng mà chúng ta đang đi. Bởi “chúng ta”, bởi cách làm, ý tôi là nghề nghiệp của tôi, nghề nghiệp của chúng ta – các phương tiện truyền thông nói chung – chứ không riêng gì BBC.
Đối với tôi, dường như các phương tiện truyền thông đôi khi có thể chạy đua rất nhanh để đứng vững. Một số trong đó là tính cố hữu trong một môi trường cụ thể
Chẳng hạn, tin tức truyền hình có xu hướng nhìn mọi thứ trong những mảnh vỡ. Nó đưa tin một cách nhanh chóng và liên tục nhưng bị giới hạn thời gian và không gian, trước khi chuyển sang vấn đề tiếp theo. Bối cảnh nó có thể mang lại buộc phải rút ngắn bởi những yêu cầu này. Người xem ít bị ám ảnh bởi những sự kiện thế giới hơn chúng ta, nên điều dễ hiểu là họ có thể bật hoặc tắt các câu chuyện bất kỳ lúc nào mà không hề nắm bắt được những vấn đề liên quan.
Liệu chúng ta, giới truyền thông hiện nay đã dốc hết sức để lý giải và khám phá? Hay chúng ta quá bận rộn chuyển sang vấn đề tiếp theo, để theo kịp tốc độ của thông tin?
Speech radio (các chương trình phỏng vấn, trò chuyện với khách mời trên đài phát thanh, bao gồm cả những cuộc trò chuyện qua điện thoại với thính giả) hoàn toàn phù hợp với tin tức phân tích, bởi nó không bị cản trở bởi những hạn chế của hình ảnh. Bối cảnh và sự phân tích là ưu thế của loại hình này.
Xin hãy thông cảm cho lời biện hộ đặc biệt từ một người giám đốc mới xin thôi việc của đài phát thanh BBC, nhưng phương tiện “chậm” – đài phát thanh – cần được khuyến khích để tồn tại và phát triển cho dù chúng ta nghe đài trên bất cứ nền tảng nào.
Vì vậy tôi rât vui khi thấy 3 đài quốc gia của BBC – kênh Radio 4, Six Music và Asian Network – đều đạt kỷ lục tỷ suất người nghe trong quý 2 năm nay, trong khi đó, kênh Âm nhạc cổ điển và văn hoá, Radio 3, đã có số người nghe đạt kỷ lục cao nhất trong 5 năm qua. Kênh nước ngoài BBC World Service bằng tiếng Anh cũng có số người nghe tăng đáng kể, đạt 66 triệu người.
Nhưng cho dù chúng ta phân tán hoạt động báo chí của mình, thì nó cũng không tồn tại trong môi trường chân không. Tất cả các phương tiện truyền thông, cho dù chúng đang vận hành trên nền tảng gì đi nữa, và bất kể chúng thuộc lĩnh vực dịch vụ công hay thương mại, cũng đều đang phải đấu tranh để giành được sự chú ý trong một trật tự thế giới mới.
Trên mạng internet, cái được gọi là “clickbait” thường được trưng ra để câu kéo độc giả: nhìn chung, nó ám chỉ nội dung của những thứ có tính chất giật gân hoặc khiêu khích, để thu hút độc giả ghé thăm một trang web nào đó. Mục đích là để tạo ra doanh thu quảng cáo trực tuyến, và thường đánh đổi bằng chất lượng hoặc tính chính xác của thông tin.
Liệu điều này có làm thay đổi hệ tư tưởng báo chí của mọi người? Liệu phương thức cạnh tranh mới hiện nay có dẫn tới những cái tít được “giật” quá mức (xuất hiện thường xuyên hơn) về những vấn đề rõ ràng đáng được tôn trọng hơn? Đòi hỏi những câu trả lời đúng và sai cho những vấn đề qua mức phức tạp? Để vội vàng đánh giá nơi nào có nạn nhân và kẻ xấu, và trên tất cả là những người bị hàm oan?
Ở Lampedusa... tự chúng ta có thể nhìn thấy những hậu quả của một trong những câu chuyện nghiệm trọng nhất trong thời đại của chúng ta, một cuộc di cư khổng lồ trên toàn Châu Âu. Tới nay, cuộc xung đột tại Syria vẫn tiếp tục trở thành nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy việc di cư. Nhưng bạo lực ở Afghanistan và Iraq, những vụ lạm dụng tại Eritrea, cũng như nạn đói nghèo tại Kosovo cũng khiến người dân phải bỏ đi nơi khác tìm cuộc sống mới.
Đó đều là những hậu quả khôn lường. Tổ chức di cư quốc tế ước tính năm 2015 có hơn một triệu người di cư bằng đường biển và gần 35.000 người đi qua đường bộ. Cùng với một số lượng rất đông những người khác vẫn chưa được kiểm soát. Họ đều là những người đã quyết định mạo hiểm mạng sống của mình cho một khởi đầu mới. Đối với những người này, sự nguy hiểm ở quê nhà còn lớn hơn những mối hiểm nguy trên các vùng biển.
Năm 2015, người ta thống kê có khoảng hơn 3.500 người di cư được cho là đã thiệt mạng khi đang cố gắng vượt biển Địa Trung Hải. Hầu hết trong số họ đều bị chết đuối trên đường đi từ Châu Phi tới Italy, và hơn 800 người bị chết ở Aegean khi đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Tháng 4 trở thành tháng đau đớn nhất đối với những người di cư khi một con thuyền chở khoảng 800 người bị lật ở ngoài khơi biển Libya.
Đó là một thảm họa của loài người nhưng không có bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào, và có lẽ cũng dễ hiểu khi Châu Âu đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề này. Bởi làn sóng người nhập cư vẫn tiếp tục không giảm nên tính chất của một số tin tức truyền thông đã thay đổi.
Trên khắp Châu Âu, những người nhập cư ban đầu được xem như những nạn nhân cần được giúp đỡ. Nhưng hiện giờ, trong một số trường hợp, họ bị nhìn nhận như những kẻ xấu. Họ bị đổ lỗi vì chính số phận của mình.
Một số dòng tít gần đây trên các trang báo Anh được thể hiện như sau:
“Thảm họa tại Italy khi có tới 13.000 người nhập cư chỉ trong 4 ngày”;
“Đất nước này “quá nghèo” – lượng người nhập cư Serbia quá mức kinh hoàng cho dù họ được chào đón nồng nhiệt”;
“Chính sách mở cửa của bà Angela Merkel sẽ khiến nước Đức bị thiệt hại ít nhất 17 tỷ bảng – và đó mới chỉ là trong năm nay”;
“Trong hình: Người di cư dựng trại gây hại tới Hồ Combo hàng năm trời”;
“Liệu bức tường 13ft có thực sự ngăn được toàn bộ những người đang muốn tiến vào nước Anh này?”
Trong quá trình tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề có vẻ như nếu không xử lý được sẽ trở nên rất phức tạp, phải chăng tốc độ của công nghệ truyền thông – và sự sẵn sàng tham gia của các chính trị gia trong vòng quay 24/7 của tin tức – đang che khuất hơn là soi sáng các vấn đề?
Có phải chúng ta đang đơn giản hóa các tranh luận chỉ bởi mặc định, bằng việc không điều tra chúng một cách đầy đủ, hay bằng cách kêu gọi phản ứng cảm xúc hơn là một lời giải thích?
Tôi xin được quay ngược thời gian. Người đã cải tổ BBC nhiều hơn bất cứ ai mà tôi được biết đó là John Birt, Tổng giám đốc của hãng nhiệm kỳ 1992 – 2000. Tôi mới là một biên tập trẻ ở thời điểm ông nắm quyền và có thể nói với bạn rằng khi đó ông ấy đang ở giai đoạn rất gây tranh cãi – buộc phải cải tổ triệt để trong một tổ chức đã chống lại ông ấy hầu như trong mọi vấn đề.
Ông ấy buộc chúng tôi tiết kiệm 30% ngân sách để đầu tư cho chiến lược kỹ thuật số của mình đối với các dịch vụ truyền hình và phát thanh và trang web của BBC. Nó không khiến ông ấy nổi tiếng.
Tuy nhiên ngày nay BBC vẫn thu được lợi ích từ chiến lược kỹ thuật số nhìn xa trông rộng của ông ấy và tôi rất vui mừng được nói rằng một thế hệ mới với những kỹ thuật viên và nhà báo trẻ tuổi và nhiệt huyết của BBC thật sự tôn kính ông.
John có nền tảng truyền thông khá đặc biệt. Ông từng rất thành công ở mảng truyền hình giải trí. Ông cũng sản xuất chương trình phỏng vấn nổi tiếng giữa nhà báo David Frost và Richard Nixon. Và ông vô cùng đam mê lĩnh vực báo chí điều tra. Rất lâu trước đây, trong những năm 1970, ông đã xây dựng cái sau này được gọi là lý luận “Sứ mệnh lý giải” của báo chí truyền hình.
Ông lập luận rằng có sự khuynh hướng nghiêng về báo chí truyền hình. Không phải là chống lại bất kỳ một bên cụ thể nào hay quan điểm nào mà là thiên vị đối với sự hiểu biết. Theo ông, cả tin tức và tính năng báo chí đều thất bại trong việc đặt các sự kiện vào đúng bối cảnh phù hợp với chúng.
Ông viết: “Chẳng hạn những vấn đề kinh tế của chúng ta, tự chúng đã xuất hiện trong một loạt các triệu chứng – khiến cán cân thanh toán trở nên tệ hơn, nghiêng hẳg về một bên, thất nghiệp tăng cao, lạm phát gia tăng… Nhưng tin tức chỉ dành khoảng 2 phút mỗi đêm cho những chỉ số thất nghiệp mới nhất hay tình trạng của thị trường chứng khoán, mà không có thời gian để đặt câu chuyện vào bối cảnh, khiến người xem không có khái niệm gì về mối quan hệ của những vấn đề này với nhau”. Như tôi đã trình bày ở trên, truyền hình nhìn mọi sự việc ở những khía cạnh tách biệt.
10 năm sau khi đưa ra lời cảnh báo này, John Birt trở thành phó tổng giám đốc của BBC, phụ trách mảng tin tức và những vấn đề đang diễn ra. Ông xây dựng mảng tin chuyên biệt của báo chí mà hiện nay BBC vẫn đang dựa vào.
Ông ủng hộ việc đưa tin liên tục và lấy tiền từ những dịch vụ truyền thống để tài trợ cho kênh tin tức 24 giờ và trang web của BBC. John có một tầm nhìn đối với ngành báo chí của chúng ta và đặt BBC vào vị trí công nghệ tương lai với sự chính xác một cách kỳ lạ.
Điều mà tôi lo lắng đó là có thể có một sự trớ trêu ẩn trong những gì ông để lại. Công nghệ rất hiện đại mà ông tiên liệu có thể - ít nhất – gây cản trở, chứ không phải là trợ giúp, căn nguyên của báo chí mà ông từng ủng hộ, thông qua tốc độ bao phủ mà nó mang lại.
Nếu bạn điểm qua một loạt các kênh tin tức 24 giờ trên toàn thế giới, bạn sẽ thấy chúng đều có vẻ na ná giống nhau hơn là có bản sắc riêng. Một số kênh như Russia Today dường như còn không hề cố gắng ẩn đi vấn đề đảng phái của họ.
Nhưng xét về bản chất, khi bạn xem những kênh tin tức 24 giờ - cho dù là của Trung Quốc, Pháp, Al Jazeera, hay thậm chí là Anh – chúng đều có những điểm tương đồng. Một kiểu tương đồng về phong cách, tốc độ, cấu trúc, và thậm chí là cả những người dẫn chương trình. Và những điều này đã buộc báo chí phải thay đổi.
Trước kia, khi chưa có những kênh tin tức, nếu một chương trình đã được lên lịch bị gián đoạn, bạn biết rằng đã có một điều gì đó vô cùng quan trọng xảy ra. Nó khiến bạn phải ngừng lại. Nhưng hiện nay, dòng chữ “breaking news” (tin mới nhất) được in lớn, tô đậm có thể bao trùm toàn bộ mọi vấn đề, từ những vụ tai nạn máy bay tại Mỹ cho tới những tấm huy chương vàng Olympic mới nhất, hay một cơn bão nhỏ ở Bắc London. Đó là trách nhiệm của tôi.
Tất nhiên hiện giờ bản thân nó không phải là một điều xấu: nó phản ánh năng lực của chúng ta trong việc đưa nhiều tin tức hơn và nhanh chóng hơn. Nhưng nó không có nghĩa rằng chúng ta đang đưa tin tức có chiều sâu hơn hay phân tích kỹ hơn. Chúng ta có lẽ đã tạo ra được độ nóng. Nhưng liệu chúng ta có thực sự mang lại ánh sáng?
Tất nhiên báo chí và một số đài truyền hình đã bị hạn chế. Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tuyến và doanh thu quảng cáo bị sụt giảm, ngân sách sẽ bị cắt giảm. Đã qua rồi những ngày tháng thanh bình của các văn phòng đa quốc gia. Và các phóng viên truyền hình có thể than phiền rằng họ bị buộc vào hàng loạt các cuộc phỏng vấn vệ tinh với phòng ghi hình, hơn là tìm hiểu xem những gì đang thực sự xảy ra.
Vậy vấn đề mà tôi đặt ra hiện nay – và đó là một câu hỏi – đó là liệu có còn việc thiên vị đối với sự hiểu biết bởi vì chúng ta đã thiết kế tham vọng của mình cho vừa với những điều kỳ diệu của công nghệ thời đại? Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong thế giới hiện đại ngày nay đó là bức ảnh đen trắng của một bé gái trần truồng đang bỏ chạy khỏi cuộc tấn công bằng bom napalm trong chiến tranh Việt Nam, với hai cánh tay dang ra vì đau đớn.
Bức ảnh này đã trở thành một biểu tượng rất lớn khiến rất ít người ngày nay nhận ra rằng cũng còn có cả những thước phim truyền hình về sự kiện này.
Nhưng gần đây những thuật toán mà Facebook dùng để quản lý các thông tin đăng tải của mình đã thực hiện việc kiểm duyệt hình ảnh. Facebook giải thích rằng: “bất cứ hình ảnh nào của con người để lộ hoàn toàn các bộ phận nhạy cảm sẽ bị xóa bỏ” – trước khi nó phải bước lùi lại khi vấp phải các cuộc phản đối.
Đây có phải là ẩn dụ báo chí đối với thời đại của chúng ta? Liệu có phải chúng ta đã cho phép công nghệ - với toàn bộ những tính năng vượt trội của nó – định hướng cách chúng ta tiếp cận tin tức? Các thuật toán, không báo trước và không thấy được đang âm thầm thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Có hơn một tỷ trang web trên thế giới – việc sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google và Bing có thể cho chúng ta những kết quả chỉ trong chưa đầy 1 giây. Chúng được dùng để tạo ra âm nhạc, các bài viết và nghệ thuật mà nhiều chuyên gia không thể chuyển thể từ nguyên bản. Và chúng được dùng để tạo ra những câu chuyện tin tức.
Thông điệp của tôi đó là: những phán xét của nhân loại. Liệu chúng ta có nên áp dụng điều đó nhiều hơn nữa?
Đây không phải là sự đánh giá đối với bất kỳ sản phẩm của một ai mà là một quan điểm chung chung. Có rất nhiều dẫn chứng về sự dũng cảm và trí tuệ của báo chí và những bài viết có chiều sâu. Và tất nhiên tin tức sẽ không chỉ còn được biết qua mỗi đài phát thanh, hay báo giấy.
Công nghệ hiện đại đã mang lại cho chúng ta sự mau lẹ và tốc độ đã mang lại cho chúng ta mạng internet. Tôi đã đưa ra một số điểm gây ảnh hưởng tiêu cực của nó nhưng những mặt tiềm năng của nó cũng rất tuyệt vời và chúng ta không thể sống mà thiếu nó. Và chúng ta cũng không hề muốn điều đó.
Chẳng hạn nó đã cho phép những trang web nghiêm túc như BBC News Online không gian để giải thích về những vấn đề phức tạp đằng sau các tin tức, bao gồm cả những lời giải thích ấn tượng và chi tiết về cuộc khủng hoảng nhập cư. Nhưng đây mới chỉ là những tiếng nói khá đơn độc.
Và vì tôi đang chuẩn bị rời khỏi BBC, nên tôi nghĩ rằng công nghệ - với tất cả những đặc tính của nó – có lẽ còn có những tác động không hay khác đối với việc tiếp thu tin tức của chúng ta.
Gần đây Đài phát thanh BBC đã phát một chuỗi các chương trình 15 phút về chủ đề “busyness” (bận rộn), cho thấy cách công nghệ đang định hình trải nghiệm về thời gian và mối quan tâm của chúng ta. Chương trình cho thấy rằng một phần bởi vì tốc độ của công nghệ hiện đại và phản ứng của truyền thông đối với nó, chúng ta đang ngày càng phải sống trong xã hội hiện đại bị thống trị bởi sự thúc giục. Hãy nghĩ về những câu “thần chú” của Thung lũng Silicon: “Act Now” (Hãy hành động lập tức) và “Just Do it” (Hãy làm đi).
Và sự thúc giục sẽ làm suy yếu tính tập trung và khả năng xử lý những điều sâu sắc và phức tạp. Chúng ta ngày càng cảm thấy quá mức bận rộn để tập trung vào bất cứ điều gì tại một thời điểm. Chúng ta kiểm tra và tái kiểm tra các email, những bài viết và các phương tiện truyền thông xã hội của mình và những tiêu đề tin tức có tính “câu kéo” thường xuyên xuất hiện trên điện thoại của chúng ta.
Chúng ta hiếm khi thực sự theo dõi một liên kết tin tức để hiểu rõ toàn bộ câu truyện đằng sau những dòng tít mà bằng cách nào đó chỉ tiếp nhận và đọc mỗi tít, nên chúng ta đang nhận được những thứ nuôi dưỡng ảo tưởng của chính mình về quyền lực của bản thân.
Và điều này có thể trở thành vấn đề. Nhiều nghiên cứu hiển nhiên cho thấy rằng khi chúng ta chia cắt thời gian thành những mảnh nhỏ hơn và cảm thấy bị áp lực bởi điều này, sự sáng tạo của chúng ta sẽ bị tụt giảm, năng lực thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi tư duy phức tạp bị giảm sút và chúng ta có xu hướng tiến vào một trạng thái tâm lý lo lắng không thỏa mãn được các chuyên gia tâm lý học gọi là “psychic entropy”.
Chúng ta có thể nghĩ rằng mình đang hấp thụ thêm thông tin. Nhưng thực tế chúng ta chỉ đơn giản là sa vào sự cám dỗ của tính dễ dàng hơn là sự khó khăn, sự nhanh chóng hơn là chậm chạp. Và tôi cho rằng đây là một vấn đề chung. Tôi nhận thấy sự thay đổi trong bài diễn thuyết công khai của chúng tôi, rẻ rúng những lập luận và đơn giản hóa các cuộc tranh luận, để phù hợp với tốc độ của vòng quay tin tức 24/7.
Cả các đài truyền hình và những chính trị gia đều phải chịu trách nhiệm cho việc này. Sự thay đổi này không mới nhưng có lẽ hiện giờ nó đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Phong trào hướng tới một phong cách phỏng vấn đối nghịch hơn được bắt đầu từ những năm 1950, khi sự ra đời của truyền hình thương mại đã dạy cho BBC một vài bài học, với những người dẫn chương trình như Robin Day thể hiện một kiểu đặt câu hỏi hung hăng hơn, thách thức hơn và phong cách này vẫn còn tồn tại cho tới hiện nay.
Báo chí đã đúng khi hoài nghi một cách hợp lý đối với quan điểm và hành động của các chính trị gia – truyền tải thông tin tốt hơn tới khán giả về những vấn đề và các quyết định liên quan. Hơn 60 năm trước đây, một cuộc phỏng vấn với Clement Atlee được thực hiện như sau: “Ông có thể cho chúng tôi biết đôi điều về cách nhìn nhận những triển vọng của cuộc bầu cử?”. Chúng ta chắc chắn không muốn quay lại kỷ nguyên của sự tôn kính như vậy – và vì lý do tốt.
Tháng trước, Liên minh truyền hình Châu Âu (EBU) đã công bố một khảo sát cho rằng các quốc gia có các đài truyền hình dịch vụ công được tài trợ nhiều ít gặp phải vấn đề cực đoan và tham nhũng hơn. Báo cáo này cho biết: “Những nước tài trợ cho truyền thông dịch vụ công cao hơn có xu hướng có tự do báo chí nhiều hơn” và nơi nào có thị phần cao hơn “cũng có xu hướng cử tri đi bầu cao hơn”.
EBU lập luận rằng “truyền thông dịch vụ công được tài trợ nhiều và mạnh không chỉ mang lại cho mọi người những tin tức, phim tài liệu và giải trí – mà còn đóng góp cho nền dân chủ”. Việc đặt câu hỏi cho các chính trị gia, một cách tự do nhưng công bằng, là một phần quan trọng của thể chế chính trị.
Tại Anh, chúng ta mới chỉ nổi lên từ một chiến dịch trưng cầu dân ý, một thời gian dài trong đó các sự kiện và con số, khiếu nại và phản tố được ném vào chúng ta từ cả hai phía.
“Điều chúng ta thật sự cần là một cái kết cho cuộc chạy đua vũ trang của những khiếu nại và những phản bác lại các khiếu nại đó chưa bao giờ khủng khiếp hơn, được cả hai phía thực hiện”, nhận định của chính trị gia nước Anh, Andrew Tyrie, trong những ngày trước khi tiến hành bầu cử. “Tôi nghĩ điều này đã khiến cho cộng đồng hoang mang, nó gây tổn hại đến cuộc tranh luận chính trị”.
Tại sao lại xảy ra cuộc chạy đua vũ trang này? Trong cuộc trưng cầu ý kiến, các cuộc đua tăng cao và không giống trong một cuộc bầu cử, cả hai bên không dựa quá nhiều vào những kỷ lục chính trị trong quá khứ của họ, mà dựa vào những dự đoán cho tương lai, về việc cuộc sống sẽ ra sao khi ở trong hay ngoài khối Châu Âu.
Vì vậy, thực tế và hư cấu khó có thể tách rời. Nhưng tôi nghĩ còn có những nguyên nhân khác hơn, sâu xa hơn.
Machiavelli là người đầu tiên lên tiếng về những vấn đề nhân loại quanh co và phức tạp. Trong nỗ lực để lý giải việc ra quyết định của những lãnh đạo ngày nay, liệu truyền thông của kỷ nguyên hiện đại có bỏ qua sự thật rằng các chính trị gia đều không tránh khỏi sự quanh co để ẩn giấu điều gì đó trong bài diễn thuyết?
Nếu làm vậy, liệu chúng ta có đang góp phần tạo thuận lợi cho những kẻ chống đối các chính trị gia của thời đại? Nếu câu trả lời là có, vậy chúng ta chỉ có thể gánh chịu một phần trách nhiệm. Bởi vì công nghệ cũng đã ảnh hưởng đến hành vi của các chính trị gia.
Một cựu tổng giám đốc của BBC khác là Mark Thompson, hiện đang làm việc tại The New York Times lập luận rằng ngày nay “ngôn từ gần như ngay lập tức xuyên qua không gian ảo”
“Một chính trị gia có thể gieo một ý tưởng vào tâm trí của 10 triệu người khác trước khi rời khỏi bục diễn thuyết”. Theo ông sự tranh luận trở nên thô lỗ hơn và phân cực hơn. Kết quả là “một cuộc chiến đối với cái chết chính trị, một cuộc chiến trong đó mọi vũ khí ngôn ngữ là trò chơi công bằng”.
Tôi đã trình bày chi tiết cách công nghệ đã tạo ra một sự bùng nổ về lựa chọn truyền thông. Thêm vào đó sự săn lùng tỉ suất, để giữ được yếu tố tài chính và hậu quả là các nhà báo tối đa hóa các dòng tít, giảm thiểu sự tinh tế và nêu bật những điều gây tranh cãi để thu hút sự chú ý bằng mọi giá.
Ở khía cạnh này, các đài truyền hình dịch vụ công phải giữ vững các giá trị của mình. Tôi rất tin vào điều này. Họ phải có ý thức hơn về ảnh hưởng của việc thay đổi thời đại báo chí, và kháng cự lại việc bị lôi kéo đi theo cùng một hướng.
Mọi tổ chức đều phải phát triển nhưng những giá trị của họ cần phải được liên tục duy trì. Hơn thế nữa: họ cần phải nhận thức rằng những giá trị của họ có thể thay đổi mà họ không hề hay biết, lấy đi giá trị của họ một cách vô thức từ phương tiện truyền thông rộng lớn hơn hoặc bị cuốn theo bởi công nghệ theo sự điều khiển của họ.
Khi tôi chuẩn bị thu dọn đồ đạc và rời BBC sau hơn 3 thập kỷ, tôi nhận thấy những bước tiến rất lớn mà các phương tiện truyền thông đã đạt được trong sự nghiệp của mình.
Chúng tôi, thông qua công nghệ, trở nên có khả năng hơn, tự do hơn, được giải phóng khỏi những hạn chế đã đặt lên chúng tôi trước đây. Hiện tại, chúng ta thực sự là một ngôi làng toàn cầu. Nhưng chúng ta cần phải đảm bảo rằng chúng ta không chỉ phản ánh lại những cuộc nói chuyện nho nhỏ trong làng, những quan ngại của nó, mối hận thù mãnh liệt của con người và những định kiến.
Chúng ta phải sử dụng công nghệ để nhìn lên trên và ra bên ngoài để khám phá và xem xét và lý giải. Tin tức luôn gấp gáp. Đó là bản chất của nó. Vì vậy chúng ta vẫn cần phải tư duy nhanh – nhưng chúng ta cũng phải nhớ cả nghĩ chậm.
Truyền hình, trong sự thiếu vắng suy nghĩ báo chí thích hợp, từng bị miêu tả là không có gì ngoài dây điện và bóng đèn trong một chiếc hộp. Ngày nay, với các thiết bị di động của chúng ta, chúng ta thậm chí không cần đến dây điện và bóng đèn, hay cả chiếc hộp.
Vì vậy, nếu chúng ta, những nhà báo không thỉnh thoảng dành thời gian để lấy hơi, tạm ngừng lại, và làm chậm hơn, và nỗ lực nhiều hơn nữa để lý giải, chúng ta có thể sẽ phát hiện ra rằng mình đã bị gạt bỏ với hai bàn tay trắng ngoại trừ sự thờ ơ của khán giá và chiếc màn hình ngớ ngẩn.
Sự lựa chọn là của chúng ta. Tương lai luôn nằm trong tay chúng ta và công chúng sẽ phán xét chúng ta thông qua những gì mà chúng ta làm.
Vì vậy…. đó là những suy nghĩ của tôi trong những tháng cuối cùng của mình tại BBC. Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã dành hầu hết quãng thời gian làm việc tại đó của mình để hưởng những lợi ích của công nghệ kỹ thuật số một cách chuyên nghiệp và với tư cách là một người dùng. Tôi không thể sống mà không có nó.
Nhưng hôm nay, trong thế giới của tốc độ, tôi xin được lên tiếng cho những ưu điểm của sự chậm rãi. Tất nhiên báo chí chậm không những phải hấp dẫn và năng động, mà còn phải thể hiện tính khách quan, chính xác, chuyên môn và có căn cứ; những thứ đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực.
Chương trình phát thanh chậm tuyệt vời ở chỗ nó kể mọi loại chuyện bằng ngôn từ hay thông qua âm nhạc. Và vai trò của truyền hình dịch vụ công trong tất cả những điều này đối với tôi có nghĩa là BBC…
Những năm cuối cùng điều hành đài phát thanh BBC với tất cả sự sáng tạo, đổi mới và niềm vui, đã trở thành một niềm hạnh phúc đặc biệt. Đó là niềm vui khi được lãnh đạo những nhóm vô cùng tài năng và gắn bó và đó là một phần của vương quốc phát thanh công nghiệp Anh.
Khi tôi rời đi, các đài phát thanh BBC trên toàn quốc lại một lần nữa về chung một nhà, với sự sáng tạo tuyệt vời và được chuẩn bị tốt cho làn sóng thay đổi và cạnh tranh kỹ thuật số tiếp theo. Tôi rất vui vì trong một thế giới của những sự lựa chọn truyền thông bất thường, đài phát thanh BBC vẫn giữ được đẳng cấp thế giới và được các khán giả của mình yêu quý.
Có lẽ không lâu nữa truyền hình dịch vụ công sẽ đóng vai trò lớn nhất như nó đã từng hồi tôi mới bắt đầu sự nghiệp của mình, nhưng đối với tôi cho đến nay nó vẫn là tốt nhất.
Luôn đáng giá để đấu tranh vì nó.
Kim Chi (theo Independent)