(CAO) Hôm 7-12, BBC đưa tin chính quyền Pháp sẽ đóng cửa tháp Eiffel ở Paris và triển khai gần 100.000 cảnh sát vào ngày thứ bảy 8-12 do lo ngại các vụ bạo lực đường phố sẽ gia tăng, gây ra bởi phong trào “áo khoác vàng" chống chính phủ.
Trên toàn nước Pháp, có khoảng 89.000 cảnh sát cùng đội xe thiết giáp hùng hậu được triển khai. Cảnh sát thúc giục các cửa hàng và khách sạn ở đại lộ Champs-Elysees ở Paris đóng cửa. Một số bảo tàng cũng được yêu cầu tương tự phòng những người biểu tình quá khích đập phá các hiện vật.
Trước đó vào thứ bảy tuần trước, Paris chứng kiến đợt bạo động tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Dù chính quyền đã tạm hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong ít nhất 6 tháng, nguồn cơn của đợt bạo động nhưng vẫn không có gì chắc chắn thứ bảy tuần này lại không xảy ra biểu tình khi những bất mãn âm ỉ trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo và việc một bộ phận người dân phải sống chật vật hằng tháng do tiền lương không theo kịp chi phí sinh hoạt vẫn còn đó.
Bạo động trên đường phố Pháp những ngày qua cho thấy sự bất đồng âm ỉ trong xã hội - Ảnh: INPHO
AFP dẫn lời một quan chức Bộ nội vụ cho biết bạo động chắc chắn sẽ xảy ra vào ngày 8-12 khi các nhà hoạt động ở cả hai phía cực tả và cực hữu đều lên kế hoạch biểu tình ở thủ đô vào ngày này. ]
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1, thủ tướng Pháp Philippe cho biết riêng tại Paris sẽ có khoảng 8000 cảnh sát được triển khai cũng như khoảng hơn chục xe bọc thép.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với những người đến đây không phải để biểu tình mà để đập phá. Chúng tôi muốn dùng phương tiện ngăn họ không được tuỳ nghi phá hoại”.
Trước đó ông Philippe đã đưa ra sự nhượng bộ khi cho biết đã thông báo với Thượng viện về việc chính phủ lập ra các biện pháp mới để giúp những người lao động được trả lương thấp.
Tháp Eiffel bị đóng cửa vào ngày 8-12 phòng bạo động - Ảnh: Reuters
Thời kỳ "trăng mật" đã qua
Ông Macron sau khi lên làm tổng thống từng suy nghĩ về viễn cảnh cải cách ở nhiều lĩnh vực. Nhưng đụng vào “chén cơm” và “quyền lợi” của người dân thì khó mà thực hiện được trơn tru như trên lý thuyết.
Hôm 6-12, những người trẻ đã xuống đường biểu tình về chính sách cải cách giáo dục của ông Macron. Hơn 140 người đã bị bắt trong cuộc biểu tình ở một trường học ở Mantes-la-Jolie. Cuộc biểu tình sau đó đã biến thành bạo động khiến hơn chục trường học khác phải đóng cửa ở các thành phố Marseille, Nantes và Paris.
Học sinh tức giận vì ông Macron đòi thay đổi cách thức thi cuối kỳ ở trường học, khi kết quả của kỳ thi tú tài này là yêu cầu để bước chân vào đại học. Những người chỉ trích sợ việc cải cách sẽ làm giới hạn cơ hội và gây ra sự bất bình đẳng.
Học sinh ở trường trung học Saint-Exupery biểu tình chống cải tổ giáo dục của Macron - Ảnh: AFP
Trong khi đó, phong trào áo vàng lại phản đối việc tăng thuế nhiên liệu, cụ thể ở đây là thuế đánh vào dầu diesel khi dân Pháp phần đông vẫn còn thói quen chạy xe bằng dầu. Ông Macron vịn vào cớ bảo vệ môi trường để tăng thuế, buộc người dân chuyển qua đi xe chạy bằng xăng, đỡ ô nhiễm hơn .
Tuy nhiên những gia đình hàng tháng đang phải chật vật với các loại hoá đơn sinh hoạt, với những khoảng chi thì cho rằng việc tăng thuế nhiên liệu là “giọt nước tràn ly” khiến họ không còn kham nổi chi phí.
Những người biểu tình phong trào “áo khoác vàng” gọi Macron là chính trị gia của người giàu.
Những hồ hởi ban đầu của người dân với Macron đã cạn dần - Ảnh: CBC
Sau “tuần trăng mật” hồ hởi của người dân khi bầu Macron lên vì tin ông còn trẻ, có tài, xông xáo. Tỷ lệ ủng hộ vị tổng thống trẻ này đang giảm dần. Macron đang bước vào thời kỳ “vỡ mật” khi nhận ra những cải tổ của mình chưa thật sự đi sát với đời sống nơi những bất công, mâu thuẫn, sự nghèo khổ và chênh lệch vẫn còn.
(CAO) Theo AP, có hơn 5.000 người biểu tình tập trung tại đại lộ Champs Elysees đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức. Tổng cộng hơn 75.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp, biến nó trở thành cuộc biểu tình lớn nhất ở thủ đô kể từ năm 1968.