Kỳ 3:

Trận Trân Châu Cảng: Cuộc đoàn tụ sau 75 năm

Thứ Tư, 07/12/2016 16:41

|

(CAO) Những ngày này, truyền thông Mỹ rục rịch đưa tin về ký ức trận Trân Châu Cảng. Ngày 7-12-1941 khi máy bay Nhật ồ ạt tấn công hạm đội Thái Bình Dương đóng tại Hawaii khiến hàng ngàn sĩ quan và dân thường thiệt mạng, đó mãi là thời khắc khó quên trong tâm khảm nhiều người, nhất là với những người sống sót.

Trận Trân Châu Cảng: 75 năm vẹn nguyên ký ức
 

75 năm nuôi dưỡng sự tưởng nhớ và hiểu biết

Một trang web được lập ra ở địa chỉ: www. pearlharbor75thanniversary.com (Trân Châu Cảng: 75 năm tưởng niệm) do nhiều doanh nghiệp và tổ chức Mỹ cùng tài trợ để vận hành, là nơi nhắc nhớ người dân về ký ức đau thương này: Hiểu mất mát của chiến tranh để trân quý hòa bình đang hiện hữu. Website là tập hợp những hình ảnh, tư liệu về trận Trân Châu Cảng cũng như cập nhật các chương trình, địa điểm và thời gian diễn ra các hoạt động tưởng niệm lần thứ 75 của sự kiện này.

Nội dung đăng trên website nhận định: trận Trân Châu Cảng mãi mãi là biểu tượng của quyết tâm và khả năng phục hồi sau mất mát của người Mỹ. Việc kỷ niệm trận Trân Châu Cảng hằng năm là hành động nuôi dưỡng sự tưởng nhớ và hiểu biết, đồng thời là cơ hội để tôn vinh sự hy sinh và cống hiến của “Thế hệ vĩ đại nhất nước Mỹ” cả ở dân sự lẫn quân sự. Trang web cũng không quên nhấn mạnh: “Hiểu biết về mất mát trong trận Trân Châu Cảng là cách để hướng đến việc tìm giải pháp hòa bình cho những xung đột hiện nay. Tưởng niệm trận Trân Châu Cảng cũng là cách hướng đến một mối quan hệ tươi sáng hơn với Nhật Bản".

Nhắc đến trận Trân Châu Cảng, người Mỹ đã chọn cách “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Thế nhưng những ký ức đau thương, khốc liệt một thời sẽ không dễ xóa nhòa.

Các tàu chiến bốc cháy trong trận Trân Châu Cảng - Ảnh: tư liệu của đài abc

Người còn kẻ mất

Trang wday.com những ngày qua đăng tải câu chuyện của hai anh em Jake và John Anderson. Cả hai người đều có mặt trên chiến hạm USS Arizona bị trận không kích của quân đội Nhật đánh chìm. Không may, chỉ có John là còn sống trở về. Ông vừa mất vào năm 2015.

Câu chuyện của hai anh em vào thời khắc kinh hoàng sáng 7-12-1941 được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình, được Keith Anderson – cháu trai của hai ông kể lại với wday.com:

Đó là một ngày chủ nhật yên tĩnh ở Hawii, ngày 7-12-1941. Jake bước xuống các khoang bên dưới của con tàu để ăn sáng còn John ở trên boong tàu xếp ghế chuẩn bị cho linh mục cử hành Thánh lễ ngay trên tàu. Ngay lúc đó quân đội Nhật bất ngờ không kích ồ ạt. Jake chộp ngay khẩu súng chống máy bay trong khi John điều khiển tháp pháo chống máy bay trên tàu. Jake đã chiến đấu quật cường nhưng sau cùng bị trúng đạn súng máy trên boong thiệt mạng.

Câu chuyện của hai anh em Jake Anderson và John Anderson được giới thiệu trên đài abc trong những ngày này 

Khi khói tan, Jake chết còn người em sinh đôi John bị thương và bị bỏng nhưng vẫn cố gắng ứng trợ những người xung quanh. “Trên boong tàu, nhiều người bị thổi tung thành từng mảnh thi thể. Hiện trường như một cuộc tắm máu với những mảnh thi thể nằm vương vãi khắp nơi” - Keith Anderson thuật lại lời John đã kể với mình.

Sau đó, quân đội Nhật tiến hành đợt không kích thứ hai nhắm vào Trân Châu Cảng. Lúc này rất nhiều người là đồng đội của hai anh em trên tàu USS Arizona thiệt mạng. John may mắn nhảy được xuống biển, bơi vào bờ khi bề mặt nước ở nhiều nơi xung quanh con tàu đang bốc cháy (do xăng chảy ra).

John bình phục dần, nhưng trận Trân Châu Cảng mãi hằn sâu trong ký ức khi ông mất đi đồng đội và người thân. Ông tiếp tục phục vụ trong Hải quân và trở thành nhân chứng sống trong những buổi nói chuyện trên sóng radio, truyền hình và với sinh viên các trường đại học về ký ức trận Trân Châu Cảng.

Ngày 7-12 tới đây, tro cốt hỏa thiêu của John sẽ được đem đến khu tưởng niệm tàu USS Arizona, nơi xác chiến hạm này vẫn còn chìm dưới đáy đại dương với một phần hài cốt của Jake – người anh em của ông trong đó. Một cuộc đoàn tụ giữa hai con người sau 75 năm.

Trận Trân Châu Cảng: Bài học
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang