Trung Quốc, Ấn Độ 'khẩu chiến' vì tranh chấp biên giới gần Bhutan

Thứ Sáu, 07/07/2017 11:29  | Anh Duy

|

(CAO) Những tuần vừa qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào vụ lùm xùm vì tranh chấp trên đường biên dài 3500km mà điểm nóng căng thẳng nhất nằm gần biên giới với Bhutan.

Hai quốc gia trước đó từng trải qua cuộc chiến biên giới khốc liệt năm 1962 dẫn đến hệ quả là nhiều khu vực chưa được phân chia lại rõ ràng thời hậu chiến, gây nên căng thẳng trong thời gian qua.

Sau vụ đối đầu dọc biên giới bắt đầu vào tháng trước, mỗi bên đã tăng cường binh sĩ hiện diện ở sát đường biên, cáo buộc lẫn nhau là bên kia gây hấn trước.

Căng thẳng xảy ra khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang cố xây dựng, mở rộng một con đường sát biên giới băng qua cao nguyên, nơi được gọi với danh xưng là Doklam ở Ấn Độ và Donglang ở Trung Quốc.

Vùng cao nguyên tranh chấp là một vùng hoang vu nằm giữa Trung Quốc và bang đông bắc Sikkim của Ấn Độ. Khu vực này cũng nằm sát đường biên với Bhutan. Ấn Độ hiện đang ủng hộ Bhutan tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.

BBC hôm 5-7 đưa tin Ấn Độ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại khi con đường cập sát biên giới này được hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận vùng đất được mệnh danh là “cổ gà” của Ấn Độ, nơi chiều ngang phần lãnh thổ của Ấn Độ hẹp nhất, chỉ có 20km.

Khu vực tranh chấp ở cao nguyên Doklam. Ấn Độ ủng hộ Bhutan tuyên bố chủ quyền ở khu vực này - Ảnh: đồ họa BBC

Một lính biên phòng của Ấn Độ bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về việc gây hấn trước trong các vụ đụng độ dọc biên giới vừa qua. Người này nhấn mạnh: “Chúng tôi không khai hỏa. Lực lượng của chúng tôi chỉ tạo ra một bức tường người đứng canh gác và ngăn chặn bất kỳ sự xâm chiếm nào từ Trung Quốc”.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cho biết việc xây đường sát biên giới ở khu vực này là “những hoạt động bình thường” nằm trên phần đất của Trung Quốc và kêu gọi Ấn Độ “rút ngay lập tức” binh lính ở đây.

Căng thẳng ngấm ngầm giữa hai nước vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” đang có chiều hướng leo thang từng ngày.

Trước đó Trung Quốc đã dừng việc cấp phép cho 57 khách hành hương Ấn Độ đến vùng hồ Manas Sarovar ở Tây Tạng (do Trung Quốc kiểm soát) qua ngã đèo Nathu La ở Sikkim (Ấn Độ). Đây là động thái mới nhất biểu thị sự phản đối của Bắc Kinh khi hồ này trước nay vốn dĩ là một địa điểm hành hương linh thiêng của các tín đồ Hindu giáo, được hai nước thỏa thuận sẽ cho công dân của Ấn Độ đến thăm mỗi năm.

Lính biên phòng Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Ấn Độ trong thời gian qua đang ráo riết xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới để đối phó với Trung Quốc. Hôm 26-5, BBC đưa tin Ấn Độ đã khánh thành cây cầu dài 9,15km băng qua sông Lohit nối bang tranh chấp Arunachal Pradesh với bang đông bắc Assam. Việc khánh thành cây cầu này nằm trong bước đi đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biên giới.

Từ trước đến nay, Trung Quốc xem bang Arunachal Pradesh là lãnh thổ của họ, và gọi đây là khu vực Nam Tây Tạng. Bắc Kinh đã xây cơ sở hạ tầng quân sự sát biên giới với Ấn Độ áp sát khu vực bang này.

BBC dẫn lời Khiren Rijiju, người bản địa bang Arunachal Pradesh, là quan chức cấp cao của chính quyền địa phương nhấn mạnh: “Với việc Trung Quốc đang ngày càng khiêu khích, đây là thời điểm chúng ta phải nâng cao phát triển cơ sở hạ tầng để bảo vệ lãnh thổ của chúng ta”.

Rijiju nhấn mạnh: “Arunachal Pradesh là một phần của Ấn Độ và sự thật đó sẽ không thay đổi bất chấp các thế lực có chấp nhận sự thật này hay không”.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp - Ảnh: Getty Images

Bình luận (0)

Lên đầu trang