Trung Quốc đối mặt với áp lực quốc tế vì yêu sách chủ quyền trên Biển Đông

Chủ Nhật, 01/11/2015 08:08  | Thanh Phong

|

(CAO) Áp lực của cộng đồng quốc tế lên Trung Quốc vì yêu sách "chủ quyền" của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông giờ đây đã tăng lên hai mức.

Đầu tiên là việc Mỹ điều tàu chiến USS Lassen tuần tra quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy thách thức trực tiếp từ Mỹ trước việc bồi đắp đất phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Sau đó, dù Bắc Kinh phản đối, tòa án trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết rằng nó có thẩm quyền xét xử trong một vụ kiện của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Dường như không hành động nào có thể ngăn Trung Quốc dừng các hoạt động ngang ngược hòng chiếm trọn vùng biển giàu tài nguyên này, khi Bắc Kinh được cho rằng đang đặt ưu tiên cao vào cái mà nước này coi là "các lợi ích cốt lõi", chiến lược thay vì vào tiếng tăm quốc tế.

Tuy nhiên, hai động thái kể trên có thể phá hỏng các nỗ lực của Trung Quốc muốn dành được sự tôn trọng lớn hơn trên trường thế giới khi nó nổi lên như một cường quốc mới về kinh tế và quân sự.

Trong khi đạt được rất ít thành công trong nỗ lực tăng sức ép ngoại giao lên Trung Quốc qua các tuyên bố chủ quyền vô lý của nó trong 5 năm qua, Mỹ đang hy vọng tạo ra được một khác biệt.

Washington hoan nghênh quyết định của tòa án và nói nó kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ các phán quyết cuối cùng vào năm tới.

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tuần tra trên Biển Đông hơm 27-10 - Ảnh: AP

Mặc dù tòa án được thiết lập trên cơ sở các điều khoản Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Trung Quốc và Philippines đều đã thông qua, Bắc Kinh vẫn tẩy chay các thủ tục tố tụng này.

Hôm thứ sáu 30-10-2015, Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố rằng phán quyết về quyền tài phán là “vô hiệu” và sẽ không có hiệu lực ràng buộc Trung Quốc.

Vụ kiện của Philippines, đệ trình lên tòa án ở Hague, Hà Lan, hồi tháng 1-2013, cho rằng theo công ước, những yêu sách lãnh thổ khổng lồ của Trung Quốc là vô giá trị.

Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế, nói với AP rằng phán quyết của tòa án quốc tế “tạo ra sự không chắc chắn và gây lo lắng cho Trung Quốc.”

Malcolm Cook, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Á ở Singapore thì nói rằng bên ngoài Trung Quốc nhiều chuyên gia về luật hàng hải cảm thấy Philippines đã tạo được chiến thắng bước đầu trong vụ kiện về tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang