(CAO) Trong một động thái bất ngờ, tối 12-4 (giờ VN) New York Times đưa tin tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các cố vấn thương mại của mình xem xét đưa Mỹ gia nhập trở lại hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters xác nhận điều này. Đây là hiệp định thương mại đa phương mà Trump đã kiên quyết rút khỏi khi vừa lên cầm quyền vào tháng 1-2017.
Walters tiết lộ: “Tổng thống muốn mở ra một hiệp định tốt hơn”, chỉ việc Trump muốn đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định có lợi hơn cho Mỹ.
Trong lúc Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh kinh tế và ngoại giao trong khu vực, TPP là hiệp định nằm trong chính sách “xoay trục sang châu Á” dưới thời tổng thống Obama với mục tiêu thiết lập thị trường tự do, bãi bỏ các rào cản thương mại, thuế quan để hàng hoá lưu thông thông suốt trong khu vực.
Trước đó, Trump đã nhiều lần lên án các hiệp định đa phương như TPP hay NAFTA là các hiệp định “tồi tệ”, cướp đi công ăn việc làm của người dân Mỹ.
TPP có sự tham gia của Việt Nam. Sau khi Mỹ rút đi, 11 nước thành viên còn lại đã đổi tên hiệp định thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nay tổng thống Trump lại muốn đưa Mỹ quay trở lại TPP - Ảnh: Reuters
Tối 8-3 (giờ VN) tại thành phố Santiago (Chile), 11 nước trong đó có Việt Nam đã đặt bút ký hiệp định thương mại đa phương này.
Hiệp định CPTPP bao trùm lên một thị trường gần 500 triệu người. Những người ủng hộ cho rằng CPTPP là hình mẫu cho các hiệp định thương mại khác trong tương lai.
Theo đó, mục tiêu chính của hiệp định này là cắt giảm các mức thuế thương mại áp lên các mặt hàng giữa các nước thành viên, giúp hàng hoá lưu thông dễ dàng, giúp giảm bớt các rào cản phi thuế quan cản trở thương mại thông qua các quy định.
CPTPP hướng đến hài hoà các quy định thương mại đem đến hài hoà lợi ích cho các nước thành viên, đồng thời khiến hoạt động thương mại giữa các nước thành viên trở nên minh bạch và công bằng.
Các nước cũng cam kết thực thi các tiêu chuẩn về lao động và môi trường tối thiểu trong hoạt động sản xuất hàng hoá. Hiệp định này cũng cho phép các công ty được kiện các chính phủ khi họ tin rằng một thay đổi về điều luật ban hành ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Các bên tham gia CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản và Canada là hai nền kinh tế có quy mô lớn nhất.