(CAO) Hôm 9-2, Reuters đưa tin chính quyền CHDCND Triều Tiên “khoe” rằng họ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới được trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa tiên tiến và là quốc gia duy nhất đứng lên chống lại Mỹ bằng cách làm "rung chuyển thế giới" thông qua các vụ thử tên lửa.
Căng thẳng quốc tế đang gia tăng sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây, hành động bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm từ lâu. Tháng 1 vừa qua là tháng kỷ lục về các vụ thử như vậy, với ít nhất bảy vụ phóng, bao gồm một loại "tên lửa siêu thanh" mới có thể cơ động ở tốc độ cao.
Trong số các cuộc thử nghiệm là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 kể từ năm 2017, có khả năng tấn công các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết một loạt các cuộc thử nghiệm kể từ đầu năm đến nay thể hiện "những thành tựu đáng kể" giúp tăng cường "khả năng răn đe chiến tranh" của Triều Tiên.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh khả năng của tên lửa Hwasong-15, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất mà Triều Tiên từng phóng.
"Trong thế giới ngày nay, nơi nhiều quốc gia lãng phí thời gian đối phó với Mỹ bằng sự khuất phục và mù quáng, chỉ có đất nước của chúng ta trên hành tinh này có thể làm rung chuyển thế giới bằng cách đặt đất liền Mỹ vào tầm bắn” – tuyên bố nhấn mạnh.
"Có hơn 200 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ một số ít có bom khinh khí, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa siêu thanh" – tuyên bố nhấn mạnh.
Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lặp lại những tuyên bố trước đây rằng họ không có ý định thù địch với Triều Tiên và thúc giục quay trở lại đối thoại, những lời kêu gọi mà Bình Nhưỡng vẫn kiên trì phớt lờ.
Triều Tiên ca ngợi các vụ phóng tên lửa vừa qua của mình - Ảnh: KCNA
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gọi Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
"Mỹ có lợi ích quan trọng trong việc răn đe (Triều Tiên), phòng thủ trước các hành động khiêu khích hoặc sử dụng vũ lực, hạn chế phạm vi tiếp cận của các chương trình vũ khí nguy hiểm nhất của họ và trên hết là giữ an toàn cho người dân Mỹ, các lực lượng đã triển khai và các đồng minh của chúng ta” - người phát ngôn cho biết.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ lo ngại vụ phóng Hwasong-12 vào ngày 30-1 có thể là một bước tiến tới việc nối lại hoàn toàn các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Triều Tiên đã không thử hạt nhân hay phóng ICBM kể từ năm 2017.
Hôm 7-2, Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời ưu tiên các nhu cầu của người dân.
Một cơ quan điều tra của Washington hôm 7-2 cho biết họ đã xác định được một căn cứ quân sự gần biên giới của Triều Tiên với Trung Quốc có khả năng là nơi đặt các bệ phóng ICBM.
Các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ hoặc hạn chế kho vũ khí của mình để đổi lấy các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ đã bị đình trệ kể từ năm 2019.