Kỳ án "sơ thẩm thua, phúc thẩm thắng", rồi… mất trắng (!)

Thứ Tư, 16/10/2024 13:21  | Văn Cương

|

(CATP) Suốt 7 năm tố tụng, vụ án trải qua 6 phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm (GĐT) và 3 lần kháng nghị với những nhận định "tréo ngoe"! Sau những phiên tòa có dấu hiệu oan sai, chồng của nguyên đơn do quá uất ức đã ngã bệnh rồi qua đời, trên tay vẫn cầm bản án! Không chỉ khiếu nại theo trình tự GĐT, nguyên đơn còn kêu cứu khắp nơi...

Những bản án… "nhảy múa" (?!)

Kèm hồ sơ, bà Mai Hoàng Oanh (SN 1978, ngụ P.Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trình bày: Ngày 05/02/2013, bà và chồng là ông Đỗ Văn Thiệt được Ngân hàng A. cho vay 1 tỷ đồng để làm ăn, thế chấp giấy chứng nhận (GCN) 2 thửa đất số 522 (331m2) và 523 (365m2) tại P.Tân Phước Khánh.

Đến hạn, vợ chồng bà vay của bà Lê Thị Kim Bằng (SN 1979, ngụ cùng phường) 1 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, để giải chấp ngân hàng. Trước khi chuyển tiền, ngày 20/7/2014, bà Bằng buộc vợ chồng bà phải ký hợp đồng (HĐ) đặt cọc "khống" số tiền 1,8 tỷ đồng, gồm 1 tỷ tiền gốc và 800 triệu lãi (6,5%/tháng) để bán 2 thửa đất trên với giá 2 tỷ đồng.

Sau khi nhận bản chính 2 GCN, ngày 08/8/2014, bà Bằng buộc vợ chồng bà ký 2 hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) đất tại Văn phòng công chứng Tân Uyên, ghi thửa 523 giá 620 triệu đồng; thửa 522 giá 62 triệu đồng. Dù đã thỏa thuận vay tiền và lập HĐCN "giả cách" trong 12 tháng, nhưng bà Bằng đã âm thầm làm thủ tục sang tên cả 2 thửa đất nêu trên và được UBND huyện (sau lên TX, nay là TP) Tân Uyên cấp 2 GCN ngày 22/4/2015, số CH 05156 và số CH 05155.

Nguyên đơn Mai Hoàng Oanh đứng trước phần đất tranh chấp

Ngày 20/12/2016, vợ chồng bà Oanh khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu 2 HĐCN do giả tạo. Tại phiên xử sơ thẩm lần 1 ngày 15/10/2020, TAND TX.Tân Uyên bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; chấp nhận phản tố của bị đơn. TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa phúc thẩm lần 1 ngày 28/01/2021, tuyên y án sơ thẩm.

Bà Oanh trình bày trong nước mắt: "Đau đớn vì nỗi oan thấu trời, chồng tôi đã gục ngã rồi qua đời ngày 20/4/2021 trong tức tưởi ở tuổi 48, trên tay vẫn cầm bản án lộ rõ oan sai!".

Ngày 03/6/2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TPHCM ký Quyết định (QĐ) kháng nghị GĐT lần 1, đề nghị hủy cả hai bản án nêu trên do 2 HĐCN có dấu hiệu giao dịch giả tạo nên bị vô hiệu.

Tại phiên tòa GĐT lần 1 ngày 26/01/2022, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên Bản án số 21/2022/QĐ-GĐT: Chấp nhận kháng nghị, hủy toàn bộ 2 bản án để xét xử lại sơ thẩm.

Xử sơ thẩm lần 2 ngày 30/12/2022, TAND TX.Tân Uyên tuyên Bản án số 102/2022/DS-ST (Bản án 102), giống Bản án sơ thẩm lần 1. Ngày 12/01/2023, Viện trưởng VKSND TX.Tân Uyên ký QĐ kháng nghị, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, theo hướng vô hiệu 2 HĐCN do giả tạo.

Ngày 04/7/2023, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa phúc thẩm lần 2 với HĐXX gồm 3 Thẩm phán: Nguyễn Thị Duyên Hằng (chủ tọa), Nguyễn Ngọc Mai và Đinh Thị Mộng Tuyết, tuyên Bán án số 270/2023/DS-PT (Bản án 270): Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuyên bố 2 HĐCN đất bị vô hiệu do giả tạo. Nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn 5,075 tỷ đồng. Bị đơn có trách nhiệm giao trả nguyên đơn 2 thửa đất và tài sản trên đất. UBND TP.Tân Uyên thu hồi GCN số CH 05156 và CH 05155 để cấp lại theo quyết định của bản án.

Đang thi hành án, bà Oanh sững sờ khi nhận được QĐ kháng nghị GĐT lần 2 ngày 03/01/2024 của VKSND Cấp cao tại TPHCM, đề nghị hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.

TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa GĐT lần 2 ngày 08/5/2024 với HĐXX gồm 3 Thẩm phán: Võ Văn Cường (chủ tọa), Trần Văn Châu và Hoàng Thanh Dũng, tuyên Bản án số 117/2024/DS-GĐT (Bản án 117): Chấp nhận kháng nghị, hủy Bản án 270 của TAND tỉnh Bình Dương, giữ nguyên Bản án 102 của tòa sơ thẩm.

Quyết định kháng nghị số 165/QĐKNGĐT-VKS-DS

Có căn cứ để giám đốc thẩm

Trong đơn khiếu nại theo trình tự GĐT gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, cùng với đơn kêu cứu, bà Oanh và nhóm luật sư trợ giúp pháp lý chứng minh HĐXX GĐT chưa xem xét toàn diện hồ sơ, bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng, nhất là kết luận giám định (KLGĐ), đánh giá không đúng bản chất của vụ án, sử dụng tài liệu có dấu hiệu giả mạo, dẫn đến Bản án GĐT lần 2 lộ rõ oan sai nghiêm trọng.

Thứ nhất, bản chất của vụ án là "vay tiền, tính lãi". Chính bị đơn thừa nhận việc này, thể hiện rõ tại bản tự khai ngày 03/01/2017 cũng như biên bản hòa giải ngày 13/3/2017. Bà Bằng đã trình bày rõ việc cho vợ chồng bà Oanh vay 1 tỷ đồng năm 2014 để trả nợ ngân hàng, lãi 1,5%/tháng, nhưng buộc làm HĐ mua bán hai thửa đất số 522 và 523 để làm tin. Lời khai này hoàn toàn phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án.

Tại QĐ kháng nghị GĐT lần 1 số 165/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 03/6/2021 (QĐ số 165), Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM nhận định: "Quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự đều thừa nhận xuất phát từ việc vay tiền, tính lãi, sau đó ký HĐ đặt cọc, HĐCN đất".

Thứ hai, HĐCN đất ngày 08/8/2014 là "giả cách, che dấu cho HĐ vay tài sản". Đây cũng là nhận định của Viện trưởng VKSND Cấp cao thể hiện rõ trong QĐ số 165: Tại thời điểm chuyển nhượng, hai bên không giao nhận đất và không giao nhận tiền. Giá chuyển nhượng 682 triệu đồng ghi trong 2 HĐ thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Phía bà Bằng không cung cấp được chứng cứ, chứng minh cho việc vợ chồng bà Oanh đã nhận đủ số tiền chuyển nhượng.

Tại KLGĐ số 376/PC09 ngày 18/10/2019, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương kết luận: Dòng chữ "Bên bán đã nhận đủ tiền" trong "giấy nhận tiền bán đất, nhà và tài sản" ngày 12/4/2016 số tiền 3,68 tỷ đồng là do "bà Bằng tự điền thêm vào". Theo nguyên đơn, số tiền 3,68 tỷ là tiền gốc cộng lãi phát sinh là có cơ sở.

Trong hồ sơ có "giấy mua bán QSDĐ, xưởng, nhà cửa, tài sản trên đất ngày 12/4/2016". Giấy mua bán này không phù hợp, có mâu thuẫn vì bị đơn đã được cấp GCN từ năm 2015 thì không thể ký giấy mua bán ngày 12/4/2016 để mua lại tài sản của chính mình.

Viện trưởng VKSND Cấp cao kết luận: "Bản chất của giao dịch chuyển nhượng đất là giao dịch vay tiền, thế chấp QSDĐ. Hai HĐCN đất ngày 08/8/2014 là giả cách, che dấu cho HĐ vay tài sản nên vô hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 124 BLDS".

Thứ ba, hai GCN cấp cho bị đơn trái pháp luật. QĐ số 165 xác định: Căn cứ hai HĐCN, hai bên chỉ thỏa thuận việc mua bán đất, nguyên đơn không bán nhà tài sản trên đất, gồm: căn nhà ở 137,5m2, căn nhà 24 cột gỗ 52,5m2, nhà xưởng 85,7m2, ki ốt, văn phòng làm việc, nhiều cây ăn trái... Biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản định giá tài sản, UBND P.Tân Phước Khánh và bà Bằng cùng xác nhận: "Các công trình do vợ chồng bà Oanh xây dựng từ năm 2004 - 2012, trước ngày ký HĐCN với bà Bằng".

Bản tự khai ngày 13/3/2017 của bị đơn Lê Thị Kim Bằng

UBND TX.Tân Uyên căn cứ 2 HĐCN đất để cấp 2 GCN cho bà Bằng, bao gồm cả quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất là trái với thỏa thuận giữa các bên, vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 117 BLDS và điểm đ, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, nguyên đơn yêu cầu hủy 2 GCN là có căn cứ.

Thứ tư, về giải quyết hậu quả: Sau khi Bản án 270 có hiệu lực, nguyên đơn đã thi hành án xong, nộp hơn 113 triệu đồng án phí. UBND TP.Tân Uyên căn cứ Bản án 270 đã ban hành theo QĐ số 7819/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 thu hồi 2 GCN cấp cho bà Bằng. HĐXX GĐT tuyên hủy Bản án số 270, nhưng không giải quyết hậu quả việc thi hành án là vi phạm nghiêm trọng Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ năm, tại Bản án GĐT lần 1 ngày 26/01/2022, TAND Cấp cao tại TPHCM chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM, tuyên hủy cả 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm lần 1. HĐXX GĐT nhận định: "Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xem xét toàn diện các tình tiết, chứng cứ trong vụ án, nhưng lại công nhận 2 HĐCN đất ngày 08/8/2014 giữa bà Oanh với bà Bằng và 2 GCN số CH 05156 và CH 05155 ngày 22/4/2015 là không đủ căn cứ".

Bà Oanh bức xúc: Nghiên cứu hồ sơ, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM đã ký QĐ kháng nghị lần 1, chỉ rõ bản chất của vụ án là vay tiền. Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM đồng quan điểm nên chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 1. Bản án phúc thẩm lần 2 thể hiện sự công tâm, khách quan, đưa ra những nhận định xác đáng, cùng quan điểm với kháng nghị và bản án GĐT lần 1 nhưng lại bị hủy. Trong khi bản án sơ thẩm lần 2 cơ bản giống như lần 1 đã từng bị hủy thì lại được cả VKSND Cấp cao và Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM công nhận, dẫn đến oan sai chồng chất. "Tôi sẽ tiếp tục hành trình kêu oan cho đến đến khi tìm ra công lý..." - bà Oanh bức xúc cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang