Lạ đời chuyện tòa cấp dưới không thực hiện kháng nghị của tòa tối cao

Thứ Hai, 22/07/2019 23:51

|

(CATP) Một công ty vỡ nợ, đem nhà máy chế biến cà phê bán chồng lên cho hai doanh nghiệp với giá hàng chục tỷ đồng, dẫn đến tranh chấp kéo dài suốt gần 3 năm trời. TAND hai cấp huyện, tỉnh xử sơ thẩm, phúc thẩm sau đó bênh vực bên gian, tuyên hai bản án lạ đời.

Sau đó TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án trên. Nhưng, thêm hơn ba năm nữa trôi qua, Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng chưa thực hiện chỉ đạo của cấp trên, gây bức xúc cho nguyên đơn.

MỘT NHÀ MÁY BÁN CHO HAI CÔNG TY!

Báo Công an TP.Hồ Chí Minh nhận được đơn tố cáo của Công ty TNHH Quốc Dung (Cty Quốc Dung), do ông Lê Văn Quốc làm Giám đốc (GĐ), có trụ sở tại 56 Nguyễn Huệ, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tố cáo bà Nguyễn Thị Nhung - GĐ Cty TNHH MTV Tường Quân (Cty Tường Quân) đã lừa đảo mình trong khi bán khu nhà máy chế biến cà phê.

Vụ án diễn biến như sau: Từ ngày 16 đến 18-4-2013, Cty Quốc Dung ký hợp đồng mua và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đúng pháp luật khu đất 9.494m2 cùng toàn bộ tài sản trên đất là hệ thống khu nhà máy chế biến cà phê của Cty Tường Quân (ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với giá 26 tỷ đồng. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cùng nhà máy này mà trước đó, Cty Tường Quân đã đem thế chấp để vay tiền ở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, họ nợ thêm ngân hàng này 9,8 tỷ đồng. Cty Quốc Dung đã chuyển 25 tỷ đồng vào ngân hàng này để trả nợ thay cho Cty Tường Quân nhằm giải chấp và lấy giấy CNQSDĐ đối với khu đất cùng nhà máy này ra. Việc thanh toán số tiền trên có đầy đủ các lệnh nộp tiền, chi tiền, bản sao kê có xác nhận của Ngân hàng Công thương. 1 tỷ đồng còn lại, Cty Quốc Dung trả tiền mặt và bà Nguyễn Thị Nhung đã ký đóng dấu vào giấy nhận tiền.

Trước đó, năm 2011, bà Nhung - GĐ Cty Tường Quân có mượn của vợ chồng ông Quốc số tiền 15,1 tỷ đồng và bà Nhung tự tay viết, ký đóng dấu xác nhận việc mượn số tiền trên nên khi bán nhà máy xong, có tiền, bà Nhung đã mang trả số nợ đó cho vợ chồng ông Quốc.

Ông Trần Văn Phương – Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, nguyên thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm vụ án thừa nhận giao dịch mua khu nhà máy chế biến cà phê của Quốc Dung là thật.

Về bản chất pháp lý, đây là hai giao dịch dân sự khác nhau. Vậy nhưng sau đó mấy ngày, trong khi Cty ông Quốc đang làm thủ tục chuyển quyền sử dụng khu đất và nhà máy kể trên, bất ngờ bà Nhung gửi đến các cơ quan chức năng một “hợp đồng đặt cọc” và 4 “giấy giao nhận tiền”, cho rằng trước đó giữa Cty Tường Quân và bà Nguyễn Thị Thảo - chủ DNTN Đình Tàu ở huyện Hướng Hóa cũng có đặt cọc để mua bán khu đất và nhà máy chế biến cà phê trên.

Đáng nói, “hợp đồng đặt cọc” này không ghi thông tin gì về giấy CNQSDĐ và khu nhà máy cà phê. Bà Nhung cho biết, do lúc đó “sổ đỏ” khu đất trên đang thế chấp trong ngân hàng nên quên không ghi! Một tài sản lại đem bán cho 2 doanh nghiệp khác nhau, dẫn đến sự tranh chấp vô lý, có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cty Quốc Dung sau đó khởi kiện và được hướng dẫn ra tòa dân sự. Vào các năm 2013, 2015, TAND huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị mở các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên: giao khu nhà máy trên cho bà Nguyễn Thị Thảo - chủ DNTN Đình Tàu được sở hữu.

Chứng từ hóa đơn thể hiện Công ty Quốc Dung chuyển 25 tỷ đồng mua nhà máy

CÓ DẤU HIỆU TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN?

Mặc dù mua bán ngay tình, hợp pháp, nhưng Cty Quốc Dung bất ngờ bị tước đoạt mất quyền lợi chính đáng, bỗng nhiên bị mất nhà máy, dù đã thanh toán hết tiền cho bên mua. Hơn 6 năm trôi qua, phía Cty Quốc Dung vẫn chưa được sử dụng nhà máy họ đã bỏ tiền mua.

“Hiện máy móc ngày càng xuống cấp, sau này chúng tôi còn sử dụng được gì nữa? Tôi thấy đau xót và phẫn uẫn. Bà Nhung đã cấu kết có tổ chức, cùng với sự giúp sức của một Văn phòng công chứng ở TP.Đông Hà soạn ra các giấy tờ mua bán giả tạo, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng tôi”, ông Quốc bức xúc.

Để nắm rõ sự việc, phóng viên đã đến nhà bà Nguyễn Thị Nhung - GĐ Cty Tường Quân để hỏi về “hợp đồng đặt cọc” và “giấy giao nhận tiền” mua - bán khu nhà máy với bà Thảo. Bà Nhung thú nhận: “Lúc đó tôi bị nợ nần không có khả năng trả nợ, nên ai nói gì cũng nghe. Hợp đồng đặt cọc và giấy giao nhận tiền với bên bà Thảo - chủ DN Đình Tàu, không phải là thật. Lúc đó tôi ngồi viết cùng bà Thảo chỉ trong một buổi sáng theo hướng dẫn của Văn phòng công chứng ở TP.Đông Hà, khoảng 9 - 10 giờ. Cùng đường rồi, ai có thế lực, có tiền nói thì mình nghe thôi. Tôi thừa nhận mình sai hoàn toàn. Giờ đi đâu ai cũng nói tôi lừa đảo”.

Bà Nhung trả lời phỏng vấn, thú nhận với phóng viên những giấy tờ bà đã lập khống, ngụy tạo với Cty Đình Tàu. "Tôi thừa nhận mình sai. Giờ đi đâu ai cũng nói tôi lừa đảo”.

Phóng viên tiếp tục tìm gặp ông Nguyễn Văn Phương - Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, người trước đây đã ngồi ghế chủ tọa xét xử vụ án trên. Trước những tài liệu, chứng cứ, các lệnh chi tiền, giấy nộp tiền cùng bản sao kê của Ngân hàng Công thương được chúng tôi đưa ra chất vấn, ông Phương lúng túng cho rằng “bên Cty Quốc Dung đã chuyển trả tiền không chỉ để mua nhà máy cà phê, mà còn mua nhiều thứ khác nữa của Cty Tường Quân... nên khi xét xử, chúng tôi không xem xét...”?!

Như vậy, rõ ràng phía bà Nhung đã ngụy tạo, lập khống chuyện bán nhà máy chế biến cà phê cho người thứ 2 là bà Thảo với mưu tính tạo ra sự tranh chấp nhùng nhằng kéo dài, nhằm chiếm đoạt tài sản của Cty Quốc Dung. Ông Trần Văn Phương - Chánh án TAND huyện Hướng Hóa cũng thừa nhận chuyện mua - bán khu nhà máy trên giữa hai Cty Tường Quân và Quốc Dung là có thật. Bản chất sự việc là thế, vậy nhưng không hiểu sao, từ Tòa án huyện Hướng Hóa khi xét xử sơ thẩm, đến Tòa án tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm, đều tuyên giao khu nhà máy trên cho bà Thảo.

Khi tòa án xử phúc thẩm vừa xong, chỉ ngay sáng hôm sau, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hướng Hóa cũng sốt sắng ra quyết định THA, rồi vội vàng cưỡng chế nhà máy giao cho bà Thảo. Vì sự vội vàng này, ông Phạm Vũ Ngọc Minh - chấp hành viên Chi cục THADS huyện Hướng Hóa ký ra thông báo số 2 về việc thi hành bản án trên, nhưng trong những bản gửi cho các bên và lưu trong hồ sơ vụ việc lại có nội dung khác nhau. Làm việc với nhóm phóng viên, ông Nguyễn Tài Ba - Cục trưởng Cục THA tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận, chấp hành viên Minh lúc đó có sai sót và đã kiểm điểm nội bộ (!?).

Ông Quốc bức xúc, xót xa nhìn nhà máy mình mua suốt hơn 6 năm trôi qua mà không được sở hữu, đang dần xuống cấp

TÒA CẤP DƯỚI XEM THƯỜNG CHỈ ĐẠO CỦA TAND TỐI CAO

Hơn 6 năm qua, đã có nhiều tờ báo phản ánh về chuyện xét xử lạ đời này của 2 cấp tòa án huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng đã kiểm tra, giám sát vụ việc này và kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án. Ngày 25-5-2015, Ban tổ chức Trung ương cũng đã có văn bản số 958, chuyển đơn của Cty Quốc Dung đến TAND Tối cao để được giải quyết.

Ngày 16-11-2016, TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm số 37, đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án mà hai cấp tòa án huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị đã tuyên trước đó, để giao trả hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hướng Hóa xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Trang 5, bản kháng nghị giám đốc thẩm số 37 của TAND Tối cao đề nghị TAND cấp cao Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm; giao TAND huyện Hướng Hóa xử lại đúng quy định của pháp luật

Tại bản kháng nghị này, TAND Tối cao cũng đã xác nhận những giấy tờ giữa Cty Tường Quân với bà Thảo lập là không đúng quy định và vô hiệu hoàn toàn. Vào tháng 7 và 8-2018, TAND Tối cao đã ra hai văn bản số 78, 98 chuyển đơn của Cty Quốc Dung, đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm.

Thế nhưng, không hiểu vì sao cho đến nay đã quá thời hạn luật định hơn 2 năm, vi phạm nghiêm trọng điều 339 và điều 505 của Bộ luật Tố tụng dân sự, mà TAND cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa tổ chức xét xử giám đốc thẩm vụ án này, khiến doanh nghiệp mỏi mòn chờ đợi.

Rất mong các cơ quan Trung ương vào cuộc, xem xét, nhằm đảm bảo một môi trường xã hội thực sự công bằng, giữ kỷ cương phép nước!

Bình luận (0)

Lên đầu trang