Tỉnh duyệt con đường công cộng, nhưng tòa không cho dân sử dụng (?!)

Thứ Bảy, 21/08/2021 11:23  | Huy Văn

|

(CATP) Người dân cùng các cơ quan chức năng từ phường đến TP.Thủ Dầu Một đều xác định con đường đã tồn tại hơn 1/4 thế kỷ. Đây là lối đi duy nhất dẫn vào các thửa đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Dương duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) ghi rõ "đường bêtông 3m". Bất ngờ, con đường này bị chắn bít bằng rào lưới B40 khiến các chủ đất không thể vào đất của mình, dẫn đến tranh chấp. Bản án sơ thẩm tuyên, nguyên đơn kêu cứu...

Bỗng dưng bị… "bít bùng" (!)

Trong đơn kêu cứu, ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1978, ngụ P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) và bà Lê Kim Huệ (SN 1983, ngụ P. Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) cùng trình bày: Hai người là chủ sử dụng hợp pháp 4 thửa đất liền nhau (ông Bình 3 thửa, bà Huệ 1 thửa) thuộc tờ bản đồ 57, khu phố 8, P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Cả 4 thửa đất này đã được Sở TNMT tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ, thể hiện có con đường bê tông rộng 3m. Con đường này có rất lâu, là lối đi duy nhất để hai gia đình ra vào khu đất.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, gia đình bà Huệ tiến hành xây nhà vào tháng 3-2019 thì bị ông Nguyễn Minh Tiếp (SN 1963, ngụ P.Phú Hòa) ngăn cản. Rồi ông này cho xây rào bằng lưới B40 dài khoảng 15m chắn ngang mặt tiền cả 4 thửa đất của bà Huệ và ông Bình. Không chỉ thế, ông Tiếp còn dựng cổng rào chặn ngang con đường 3m, bà Huệ và ông Bình muốn ra vào đất của mình phải vượt qua 2 lớp rào (!).

Quá bức xúc vì thửa đất bỗng dưng bị "bít bùng", bà Huệ cầu cứu đến UBND P.Phú Hòa. Tại buổi hòa giải lần hai (lần đầu ông Tiếp vắng mặt), ông Tiếp nêu ý kiến: Con đường là đất của ba ông để lại, các anh chị em thống nhất chừa ra để làm lối đi chung. Chính ông Tiếp đã đổ bêtông, làm đèn chiếu sáng cho anh em trong gia đình sử dụng nên không đồng ý cho bà Huệ, ông Bình đi chung.

Dựng hàng rào bít mặt tiền các thửa đất của bà Huệ, ông Bình

Do không hòa giải được nên bà Huệ khởi kiện, được Tòa án nhân dân (TAND) TP.Thủ Dầu Một thụ lý ngày 18-12-2019. Tại phiên sơ thẩm ngày 28-5-2021, nguyên đơn yêu cầu tòa buộc ông Tiếp tháo dỡ hàng rào lưới B40, trả lại hiện trạng lối đi chung (đo đạc thực tế 369,6m2) cho gia đình bà Huệ sử dụng.

Bị đơn trình bày: Nguồn gốc con đường là lối đi tự mở do các anh chị em của ông Tiếp chừa ra từ năm 1996 để sử dụng làm lối đi chung khi tiến hành phân chia đất do ba mẹ để lại. Đây là con đường riêng của gia đình anh em ông Tiếp, không phải đường đi công cộng.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, luật sư (LS) Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn LS tỉnh Bình Dương) nêu quan điểm: "Hiện tại, quyền sử dụng đất của bà Huệ chỉ còn một lối đi duy nhất là con đường 3m. Đây là lối đi công cộng được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở, phù hợp quy định của pháp luật".

Đại diện VKSND TP.Thủ Dầu Một nêu ý kiến: "Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở để chấp nhận".

Tòa sơ thẩm tuyên bản án "lạ”…

Sau thời gian nghị án kéo dài, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND TP.Thủ Dầu Một tuyên Bản án số 40/2021/DS-ST ngày 4-6-2021 (Bản án số 40), bác yêu cầu khởi kiện của bà Huệ. HĐXX cho rằng, hiện nay lối đi duy nhất để vào thửa đất của bà Huệ và 3 thửa đất của ông Bình là đường bêtông 3m. Tuy nhiên, đây là lối đi do ông Tiếp chừa ra để sử dụng cho các anh chị em trong gia đình của bị đơn. Theo quy định của pháp luật và thực tế nguồn gốc của con đường thì việc bà Huệ yêu cầu ông Tiếp trả lại lối đi chung là không có căn cứ, kể cả quyền về lối đi qua đối với con đường này cũng không có cơ sở.

Trong đơn kêu cứu, bà Huệ và ông Bình cho rằng tòa sơ thẩm tuyên bản án lộ rõ oan sai: Thứ nhất, con đường 3m là lối đi công cộng tồn tại đã hơn 1/4 thế kỷ. Quá trình giải quyết vụ án, chính thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga đã tiến hành xác minh tại P.Phú Hòa về "hiện trạng, nguồn gốc, việc quản lý, sử dụng con đường". Biên bản xác minh ngày 9-9-2020 do Chủ tịch UBND P.Phú Hòa Nguyễn Thị Kim Thúy, cung cấp, xác định rõ: "Lối đi tranh chấp là đường đi công cộng, đã được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy".

Cũng theo yêu cầu của tòa (đề nghị xác định con đường tranh chấp có được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy hay không), Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Dầu Một có văn bản số 55/CNTDM ngày 11-1-2021, tái xác định: "Lối đi đang tranh chấp do UBND P.Phú Hòa quản lý và được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy".

Vì xác định là lối đi công cộng thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy nên Sở TNMT tỉnh Bình Dương mới duyệt cấp 4 sổ đỏ cho bà Huệ và ông Bình thể hiện rõ là con đường bêtông 3m.

Theo dõi vụ tranh chấp LS Nguyễn Minh Tường (Công ty luật Phan Nguyễn, Đoàn LS TPHCM), nêu ý kiến: Theo xác nhận của UBND P.Phú Hòa và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Dầu Một thì phần đất là lối đi chung không thuộc quyền sử dụng của ông Tiếp và các anh chị em ruột của ông. Trên thực tế, phần đất này đang thuộc quyền quản lý của UBND P.Phú Hòa. Do đó, việc ông Tiếp tự ý lập hàng rào trên lối đi chung, gây cản trở giao thông đường bộ, ngăn chặn việc đi lại của hộ bà Huệ, ông Bình và người dân là hoàn toàn trái quy định của pháp luật, cần được làm rõ, xử lý nghiêm...

Thứ hai, trên sổ đỏ của bị đơn và anh em nhà ông Tiếp đều thể hiện phần diện tích đất đã được công nhận, giáp với con đường 3m làm lối đi chung. Từ khi ông Tiếp được cấp sổ đỏ năm 2003 thì phần đất làm lối đi chung đã không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng, nhưng bị đơn không khiếu nại cho đến nay. HĐXX sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của ông Tiếp để cho rằng phần đất làm đường 3m thuộc quyền sử dụng của bị đơn là không có căn cứ. Do ông Tiếp không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất làm lối đi nên ông không có quyền định đoạt con đường này.

Thứ ba, quyền về lối đi là một quyền đã được pháp luật quy định. Với các văn bản xác định của các cơ quan chức năng từ phường đến tỉnh, bà Huệ, ông Bình có quyền sử dụng con đường 3m, bởi đây là lối đi công cộng, đã tồn tại từ lâu, không thuộc quyền sử dụng của ông Tiếp. Chưa hết, tòa tuyên bác đơn, biến đường giao thông công cộng thành đường riêng của phía bị đơn nhưng "quên" giải quyết 4 thửa đất "bít bùng" của hai gia đình bà Huệ và ông Bình?

Thứ tư, có lẽ HĐXX không xem xét toàn diện nên ban hành bản án lộ rõ vi phạm rất khó tin. Cụ thể, tại phần quyết định của Bản án số 40, HĐXX tuyên: "Không nhận yêu cầu của nguyên đơn...". Chính xác phải là "Không chấp nhận...", thiếu từ "chấp" rất quan trọng, khiến cho phần quyết định của bản án không đầy đủ ý nghĩa. Kết quả phán xét của tòa có thể gây ảnh hưởng, liên lụy đến cả một gia đình, dòng họ, nên không thể chấp nhận bất kỳ sự sai sót nào cho dù là nhỏ nhất.

Qua hồ sơ với những chứng cứ xác thực, cho thấy kêu cứu của bà Huệ, ông Bình là có cơ sở. Vụ tranh chấp chắc chắn sẽ được TAND tỉnh Bình Dương xem xét tận tường trong phiên tòa phúc thẩm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang