(CATP) Về vụ việc được Báo Công an TP.HCM phản ánh, TAND tỉnh Đắk Lắk vừa tuyên hủy quyết định sơ thẩm, do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; trả hồ sơ để giải quyết lại từ đầu.
Ngày 27-6-2019, TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định về việc yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự trong vụ án ly hôn, tranh chấp về con chung, tài sản chung của vợ chồng.
Trước đó, Báo Công an TPHCM ngày 19-6-2019 đăng bài Những dấu hiệu bất thường trong giám định tâm thần của một vụ ly hôn, phản ánh: Anh Cao Xuân Bình (SN 1982, ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) và vợ là Đặng Thị Bình (SN 1985) xảy ra mâu thuẫn và ra tòa ly hôn, được TAND huyện Krông Pắc thụ lý vào ngày 30-5-2017.
Đến ngày 3-8-2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thái (mẹ chị Bình, SN 1965) gửi đơn yêu cầu tòa tuyên bố chị Bình bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Chị Bình được tòa trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận ngày 3-10-2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên (tại Đắk Lắk) xác định: “Từ đầu năm 2016 đến ngày 19-6-2017: Bị trầm cảm nhẹ. Từ ngày 19-6-2017 đến nay: Bị bệnh trầm cảm vừa. Từ đầu năm 2016 đến nay: Hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi”.
Sau đó, kết luận giám định bổ sung ngày 24-7-2018 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung (tại Thừa Thiên - Huế) xác định: “Từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2017: Về y học: Phản ứng trầm cảm kéo dài trong rối loạn. Về năng lực hành vi dân sự: Khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Từ đầu năm 2018 đến hiện tại: Trầm cảm nặng kèm triệu chứng loạn thần, cần được điều trị ngoại trú liên tục. Mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự”.
Ngày 29-3-2019, TAND huyện Krông Pắc ra Quyết định sơ thẩm số 02/2019/QĐST-DS (gọi tắt là Quyết định 02), chấp nhận đơn yêu cầu của bà Thái, tuyên bố chị Bình mất năng lực hành vi dân sự (nhưng không xác định rõ từ thời điểm nào); giao dịch dân sự của chị Bình phải do bà Thái thực hiện. Đến ngày 15-4-2019, TAND huyện Krông Pắc ra Thông báo sửa đổi, bổ sung quyết định, với lý do “lỗi chính tả”.
Việc ra thông báo sửa chữa, bổ sung quyết định của tòa đã tuyên là trái với Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đặc biệt, thông báo này đã thay đổi bản chất vụ việc khi ghi thêm rằng chị Bình mất năng lực hành vi dân sự từ đầu năm 2018.
Một trong những phiếu thể hiện giao dịch chuyển tiền do chị Bình thực hiện trong thời gian được kết luận mất hết năng lực hành vi dân sự.
Anh Xuân Bình cho rằng, Quyết định 02 không ghi rõ thời điểm vợ anh mất năng lực hành vi dân sự, để hủy các văn bản sáp nhập tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng mình. Nghĩa là các giao dịch chị Bình thực hiện trong thời gian trước đầu năm 2018, lúc chưa mất năng lực hành vi dân sự, cũng đều là vô hiệu. Có phải các cơ quan chức năng đã “biến” một người lúc bình thường, thành người mất hết năng lực hành vi dân sự? Trong khi nhiều người dân tiếp xúc với chị Bình đều xác nhận chị bình thường.
Trong đơn kháng cáo, anh Xuân Bình đề nghị tòa làm rõ những bất thường của việc giám định pháp y tâm thần của 2 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Trung.
Ông Nguyễn Chí Hiếu (kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk) nêu ý kiến: Việc tòa sơ thẩm ra thông báo sửa chữa, bổ sung quyết định của TAND huyện Krông Pắc làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định sơ thẩm; cần đề nghị hủy quyết định sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự lại theo thủ tục sơ thẩm.
Qua xem xét tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh luận tại phiên họp, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định: Tòa sơ thẩm xác định chị Bình tham gia tố tụng là người bị yêu cầu là không chính xác, mà tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng. Tòa sơ thẩm trưng cầu giám định bổ sung lại theo đơn yêu cầu giám định bổ sung của bà Thái, nhưng hồ sơ giải quyết việc dân sự không có đơn của bà Thái.
Thông báo sửa chữa, bổ sung Quyết định 02 của TAND huyện Krông Pắc đã làm thay đổi cơ bản phần nhận định và nội dung quyết định sơ thẩm. Đây không phải là lỗi về chính tả hay nhầm lẫn về số liệu, tính toán sai. TAND tỉnh xét thấy TAND huyện Krông Pắc đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, kháng cáo của anh Bình là có cơ sở.
Do đó, TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định chấp nhận đơn kháng cáo của anh Bình, hủy Quyết định 02 của TAND huyện Krông Pắc, trả hồ sơ để giải quyết lại từ đầu.
(CATP) Từ một lá đơn, người vợ được các cơ quan giám định và kết luận mất hết năng lực hành vi dân sự. Người chồng nghi ngờ đây là một sự "tính toán" trong vụ việc ly hôn của hai vợ chồng, trong đó có tranh chấp về con cái và tài sản chung?