Khi luật sư… "sắm 3 vai" (?)
Cả nguyên đơn, bị đơn cùng xác nhận: Cụ Dương Văn Hưng (SN 1926, mất năm 2016) và cụ Nguyễn Thị Sẩm (SN 1927, mất năm 2021) ngụ xã Lương Quới, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, có 3 con là Dương Thị Quang (SN 1957, ngụ xã Lương Quới), Dương Thị Huệ (SN 1959) và Dương Thanh Hùng (SN 1970).
Hồ sơ thể hiện: Ngày 26/5/2000, vợ chồng cụ Hưng lập "Tờ tương phân" chia đất cho các con. Theo đó, bà Quang được chia 2.900m2; bà Huệ 2.850m2. Riêng ông Hùng được chia căn nhà và toàn bộ phần đất vườn theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số A.426245 cấp cho cụ Hưng năm 1991 (nay là các thửa đất số 107, 120, 121, 197, tờ bản đồ số 11) để sau này ông Hùng cúng giỗ ông bà và phụng dưỡng cha mẹ.
Ngày 29/7/2008, hai cụ lập 3 TDC số 05, 06 và 07, được UBND xã Lương Quới chứng thực ngày 02/8/2008. Theo TDC số 05, bà Huệ được hưởng thửa đất 120 với 962,9m2 và thửa 107 với 68,4m2. Theo TDC số 06, ông Hùng được hưởng thửa đất 197 với 2.247,7m2. Theo TDC số 07, bà Huệ và ông Hùng được hưởng mỗi người 1/2 di sản, gồm thửa đất 121 với 6.451,1m2 và căn nhà trên thửa đất này.
Bà Huệ và 2 Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm
Ngày 22/5/2017, ông Hùng khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc bà Huệ tiếp tục thực hiện theo Tờ tương phân, giao cho ông các thửa đất số 107, 120, 121, 197 và tài sản trên đất. Ngày 21/9/2018, ông Hùng khởi kiện bổ sung, yêu cầu tòa tuyên các TDC số 05, 06, 07 vô hiệu.
Thụ lý ngày 30/5/2017, nhưng gần 3 năm sau, TAND H.Giồng Trôm đưa vụ án ra xét xử và tuyên Bản án số 39/2020/DS-ST đến ngày 27/7/2020, bác yêu cầu khởi kiện của ông Hùng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23/01/2021, TAND tỉnh Bến Tre tuyên hủy bản án sơ thẩm do xác định sai quan hệ tranh chấp.
Bà Huệ xác định: Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn bất ngờ trưng ra TDC do cụ Sẩm lập ngày 14/5/2016 (TDC 14/5/2016) tại tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, ông Hùng được hưởng 1/2 nhà đất của cụ Sẩm và kỷ phần thừa kế của cụ Sẩm từ chồng (cụ Hưng) đối với hai thửa đất số 121 và 197. TDC này có Luật sư (LS) Lê Văn Tuấn "làm chứng" và được Công chứng viên Phạm Thị Mỹ Phụng - Văn phòng Công chứng (VPCC) Hoàng Long (số 21B Nguyễn Chánh, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) ký công chứng.
TDC nêu lý do cụ bà 89 tuổi từ Bến Tre ra tận Nha Trang lập: "Tôi Nguyễn Thị Sẩm, SN 1927, CMND số 320185839 cấp ngày 31/3/2009 tại Công an tỉnh Bến Tre... Bản thân tôi vì thương nhớ con của mình nên đến TP.Nha Trang để được thấy mặt và thăm con trai Dương Thanh Hùng. Đồng thời, tôi đến Văn phòng LS Lê Văn Tuấn và công sự, trụ sở 102 Nguyễn Trãi, P.Phước Tân, TP.Nha Trang, để trực tiếp mời ông LS Lê Văn Tuấn là Trưởng Văn phòng làm chứng, giúp tôi nội dung di chúc và mời Công chứng chứng nhận".
Bà Huệ trình bày: LS Lê Văn Tuấn vừa giúp cụ Sẩm về nội dung di chúc, vừa là người làm chứng, vừa mời VPCC chứng nhận. Với vai trò "người làm chứng", LS Tuấn không chỉ ký tên mà còn đóng dấu Văn phòng LS vào TDC, thừa nhận 1 mình sắm "3 vai" (?!).
Lạ kỳ án… "bê nguyên xi"
Vụ án được TAND H.Giồng Trôm thụ lý lại ngày 19/3/2021. Bà Huệ có đơn phản tố đề nghị Tòa án xác định TDC 14/5/2016 do cụ Sẩm lập không đúng quy định pháp luật và tuyên vô hiệu.
Tại phiên hòa giải ngày 31/8/2022 do Thẩm phán Nguyên Khắc Giang chủ trì, đại diện nguyên đơn khẳng định: "Đối với yêu cầu phản tố của bà Huệ, ông Hùng đồng ý TDC 14/5/2016 của cụ Sẩm vô hiệu và hủy TDC này".
Tuy nhiên, tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2, TAND H.Giồng Trôm với HĐXX do Thẩm phán Giang ngồi ghế chủ tọa, tuyên Bản án số 165/2023/DS-ST ngày 31/10/2023, chấp nhận nhiều yêu cầu khởi kiện và một phần yêu cầu của nguyên đơn; trong đó, ông Hùng được nhận phần thừa kế theo TDC 14/5/2016. HĐXX tuyên bác yêu cầu phản tố của bà Huệ tuyên TDC 14/5/2016 vô hiệu.
Theo HĐXX, ông Hùng đồng ý TDC 14/5/2016 vô hiệu và hủy TDC này. Tuy nhiên, tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Hùng thay đổi ý kiến, TDC 14/5/2016 là hợp pháp, đúng quy định của pháp luật nên không đồng ý vô hiệu và hủy di chúc này (?!).
TAND tỉnh Bến Tre với HĐXX gồm ba Thẩm phán: Nguyễn Thị Rẻn (chủ tọa), Nguyễn Hữu Lương và Tôn Văn Thông, tuyên Bản án 242/2024/DS-PT ngày 01/4/2024 (Bản án số 242) giữ nguyên bản án sơ thẩm, nhưng sửa phần án phí của nguyên đơn (tăng thêm hơn 3,5 triệu đồng).
Tờ di chúc ngày 14/5/2016
Bị đơn bức xúc: "TDC 14/5/2016 là chứng cứ quan trọng nhất của vụ án, nhưng phía nguyên đơn nói sao thì Thẩm phán Giang và HĐXX sơ thẩm chấp nhận! Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi cùng hai LS Nguyễn Anh Tài (Đoàn LS tỉnh Tiền Giang) và LS Nguyễn Văn Thành (Đoàn LS tỉnh Bến Tre) trình bày rõ ràng, kèm theo các chứng cứ xác đáng, thuyết phục, chứng minh bản án sơ thẩm lần 2 có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về tố tụng lẫn nội dung, nên đề nghị HĐXX hủy án để điều tra, xét xử lại, tránh oan sai. Không xem xét, nhưng HĐXX lại đưa ra nhận định: "Bà Huệ và các LS không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo". Từ đó, HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm".
Bị đơn phản ứng: Thật khó tin, bản án phúc thẩm "bê nguyên xi" toàn bộ phần "Quyết định" của bản án sơ thẩm gồm 10 điểm. Thậm chí, án sơ thẩm viết "tùy hứng", án phúc thẩm cũng "copy" theo! Cụ thể như "Ủy ban Thường vụ Quốc hội", cả hai bản án giống hệt nhau, lúc thì "Ủy ban Thường vụ Quốc Hội", lúc thì "Ủy ban thường vụ Quốc hội" (?!). Tương tự, tiền Việt Nam, án sơ thẩm lúc viết "đ”, lúc thì "đồng"; bản án phúc thẩm cũng không ngần "sao y" (!)...
Có căn cứ để giám đốc thẩm
Trong đơn khiếu nại theo trình tự Giám đốc thẩm, bà Huệ và nhóm Luật sư trợ giúp pháp lý chỉ ra 9 điểm bất thường, có dấu hiệu trái pháp luật của Bản án số 242 ngày 01/4/2024 thẩm phán Rẻn ký ban hành.
Thứ nhất, mấu chốt của vụ án chính là TDC 14/5/2016. Hồ sơ thể hiện: Ngày 11/3/2016, cụ Sẩm viết tờ giấy tay, nêu rõ: "Hôm Mùng 9 Tết (ngày 16/02/2016), Hùng về nhà tại xã Lương Quới rước tôi ra nhà nó ở Nha Trang để chăm sóc". Đến ngày 29/3/2016, cụ Sẩm trở về nhà ở xã Lương Quới. Sau khi cụ Hưng qua đời ngày 08/4/2026, cụ Sẩm chủ trì họp gia đình ngày 13/4/2016 với bà Huệ, ông Hùng, lập thỏa thuận dựa trên TDC số 06.
Ngày 16/4/2016, ông Hùng đưa cụ Sẩm khỏi nhà. Ngày 17/4/2016, bà Huệ đến Công an xã Lương Quới trình báo, kèm theo CMND bản chính của cụ Sẩm. Trong đơn đề ngày 30/5/2016, cụ Sẩm xác định giấy tờ của cụ do bà Huệ giữ. Trước đó, ông Hùng có đơn ngày 05/4/2016, xác định bà Huệ đang giữ tất cả giấy tờ.
Như vậy, TDC 14/5/2016 nêu lý do cụ Sẩm "thương nhớ con" nên ra TP.Nha Trang "để được thấy mặt và thăm con" rồi mời LS Lê Văn Tuấn giúp lập di chúc là không đúng với sự thật khách quan.
Thứ hai, TDC 14/5/2016 được Công chứng viên ký công chứng "3 không": Không có y chứng xác định năng lực hành vi dân sự của cụ Sẩm tại thời điểm lập di chúc đã 89 tuổi, vi phạm khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng. Cụ Sẩm không có giấy CMND, GCNQSDĐ bản chính để đối chiếu, vi phạm khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng. Cụ Sẩm đã có 3 TDC ngày 29/7/2008, nhưng không thể hiện trong TDC 14/5/2016, vi phạm điểm đ, khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng.
Thứ ba, LS Lê Văn Tuấn làm chứng với tư cách LS là không đúng với quy định của nghề LS.
Thứ tư, UBND xã Lương Quới (đang lưu giữ 3 TDC 05, 06, 07) khẳng định không nhận được bất kỳ thông báo của cụ Sẩm về việc thay đổi, hủy các TDC này, theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng.
Thứ năm, TDC được lập ngày 14/5/2016, nhưng xuyên suốt quá trình tố tụng kéo dài gần 5 năm, ông Hùng vẫn "giữ kín". Mãi đến ngày 23/01/2021, nguyên đơn mới trưng ra tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, có dấu hiệu ngụy tạo.
Xâu chuỗi 5 điểm vừa nêu trên, chiếu theo Điều 52 Luật Công chứng, bà Huệ yêu cầu Tòa án tuyên TDC ngày 14/5/2016 vô hiệu, là có căn cứ pháp luật.
Thứ sáu, cả 2 cấp tòa không triệu tập VPCC Hoàng Long tham gia tố tụng theo yêu cầu phản tố của bị đơn, để làm rõ nhiều vấn đề liên quan, vi phạm khoản 4 điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015.
Thứ bảy, cả ba TDC ngày 29/7/2008, vợ chồng cụ Hưng không cho bà Dương Thị Quang nhận tài sản thừa kế. Ngoài ra, bút tích của cụ Sẩm để lại việc bà Quang ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm cụ Sẩm, thuộc trường hợp không được thừa kế quyền, nghĩa vụ tài sản của cụ Sẩm. Tòa sơ thẩm xác định bà Quang thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Sẩm là trái với quy định tại khoản 1 Điều 74 BLTTDS 2015.
Thứ tám, nguyên đơn xác định TDC ngày 14/5/2016 vô hiệu và đồng ý hủy. Cả hai cấp tòa công nhận TDC này là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015.
Thứ chín, cụ Sẩm qua đời ngày 23/9/2021, yêu cầu độc lập của cụ chưa được Tòa án xem xét giải quyết. TDC ngày 14/5/2016 chưa có quyết định hay bản án nào công nhận, vì đang tranh chấp. Do đó, cả ba di chúc số 05, 06, 07 của cụ Hưng và cụ Sẩm phát sinh hiệu lực tại thời điểm bà Sẩm mất...
(CATP) Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể tin đây là sự thật! Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Bến Tre gồm 3 Thẩm phán: Nguyễn Thị Rẻn (chủ tọa), Nguyễn Hữu Lương và Tôn Văn Thông, tuyên bản án phúc thẩm lúc 13 giờ 30 chiều 01/4/2024. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, thư ký phiên tòa mới lập biên bản giao Quyết định (QĐ) "đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm" và thông báo "thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm" (?!). Ngoài ra, vụ kỳ án này còn có nhiều điểm "lạ” đến khó tin khác.