Sau bài viết "Người dân kêu cứu suốt 20 năm ở dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái, quận 2":

Cơ quan chức năng nói gì?

Thứ Hai, 02/11/2020 11:53  | Lê Bình

|

(CATP) Đâu là giải pháp nào để hoàn tất dự án này, bảo vệ quyền lợi của hàng trăm hộ dân?

Dự án khu dân cư (KDC) Bình Trưng Đông - Cát Lái - khu 149,36ha (154ha cũ), Q2, TPHCM kéo dài 20 năm, hiện để lại nhiều hệ lụy khó xử lý. Sau khi Báo Công an TPHCM đăng bài "Hơn 40 hộ dân kêu cứu" ngày 13-9-2020, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến, nhất là sự bức xúc của người dân. Báo Công an TP đã có công văn gửi Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đề nghị cung cấp thông tin và phóng viên (PV) cũng đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở TNMT. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để hoàn tất dự án này, bảo vệ quyền lợi của hàng trăm hộ dân?

"CẦN KHOẢNG 2.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ ÁN"!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chánh Thanh tra Sở TNMT trong cuộc trao đổi với PV Báo Công an TP ngày 20-10-2020. Theo ông Dũng, những nội dung đăng trên báo về nỗi khổ của hàng trăm hộ dân mua nền dưới hình thức "góp vốn" đã gần 20 năm nay với số tiền đã trả từ 70% đến 80% nhưng đến nay vẫn không được nhận nền đất là thực tế.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: "Lãnh đạo Sở đã họp rất nhiều lần với lãnh đạo thành phố và các đơn vị liên quan, nhưng nói thật là chưa tìm ra hướng giải quyết. Đây là dự án thí điểm của thành phố, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, nhiều văn bản quy định và đến bây giờ rất khó xử lý. Có lúc chúng tôi đã cân nhắc chuyển hồ sơ xử lý theo pháp luật vì nhận thấy có dấu hiệu vi phạm.

Để làm được dự án này, theo ước tính cần phải có nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng chính, nhưng số tiền này bây giờ lấy từ đâu? Đó là vấn đề đáng nói. Đồng chí Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng rất quan tâm, đã nhiều lần chỉ đạo Sở TNMT phối hợp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan trong đó có Sở Xây dựng và UBND Q2 tìm hướng giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Đây là dự án lớn có 15 công ty thành phần, có nhiều đơn vị đến nay còn hàng loạt "cái chưa" như: chưa đầu tư hạ tầng, chưa thực hiện bồi thường, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa được giao đất cũng như chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà... Nhưng họ đã nhận góp vốn của dân, thậm chí có nơi đã bán nền...".

KDC Bình Trưng Đông - Cát Lái sau 20 năm vẫn là một bãi đất trống

Ông Dũng cho biết thêm: Đây là việc khắc phục một dự án đã kéo dài rất lâu, chứ không đơn giản là thực hiện một dự án mới. Vấn đề là nguồn vốn 2.000 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng chính lấy ở đâu? Hiện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng đã tính tới nhiều phương án như: thu hồi từng khu rồi bán đấu giá, tuy nhiên với phương án này thì thiệt hại rất lớn cho xã hội, và trước hết là người dân. Hoặc đã có đơn vị bên ngoài xin vào làm cơ sở hạ tầng nhưng vướng quy định không được chỉ định thầu, vướng đấu giá và ngặt nữa là họ lại đòi đổi quỹ đất, nên không khả thi.

HƯỚNG XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Để giải đáp vướng mắc cho hàng trăm hộ dân suốt 20 năm mòn mỏi chờ đợi, PV Báo Công an TP đã trực tiếp làm việc với Công ty TNHH MTV XD kinh doanh nhà Phú Nhuận (Cty Phú Nhuận) là đơn vị được UBNDTP giao làm chủ đầu tư (CĐT) hạ tầng chính của dự án trên theo QĐ số 7446/QĐ-UB từ năm 2001. Tuy nhiên, trong văn bản số 452CV do ông Hoàng Đình Phi - Phó tổng giám đốc Công ty Phú Nhuận ký ngày 3-9-2020 gửi Báo Công an TP đã thừa nhận:

Do khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, công tác điều chỉnh quy hoạch nên ngày 9-12-2004, UBNDTP đã thu hồi QĐ 7446 trên. Từ đó, Công ty Phú Nhuận không còn là CĐT hạ tầng kỹ thuật chính của dự án này nữa.... Ông Phi nói thêm: "Nút thắt giờ không phải là thi công hạ tầng chính, mà là việc đền bù giải tỏa. Nếu áp giá đền bù thời điểm 2001 thì dân không chịu, còn theo mức hiện nay thì doanh nghiệp không thể làm được. Do vậy, TP cần có giải pháp điều chỉnh phương án đền bù hợp lý thì may ra".

Để tìm hiểu thông tin thực hiện loạt bài này, chúng tôi cũng đã tiếp xúc với lãnh đạo các công ty thành phần của dự án khu nhà ở Bình Trưng Đông, Cát Lái, Q2 và hầu hết các nhà đầu tư này đều đưa ra chung giải pháp. Phương án duy nhất là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó tuyến đường chính thuộc quỹ đất của Nhà nước phải thực hiện trước. Tiếp đến, UBNDTP giao các bộ phận chuyên môn có một bảng dự toán cụ thể chi phí về các hạng mục, công trình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng chính với biểu giá thời điểm hiện tại.

Bản hạch toán này sẽ thông báo đến 15 công ty thành phần để các doanh nghiệp này sẽ căn cứ vào đó, đóng góp theo tỷ lệ diện tích đất dự án của mình được phân bổ mà thuê nhà đầu tư chính, hoàn tất cơ sở hạ tầng. Đây là phương án tối ưu nhất nhằm tiếp tục thực hiện dự án nói trên và tránh tình trạng kéo dài không biết đến bao giờ, tránh bị thu hồi, bán đấu giá.

Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần phải có chủ trương chung của UBNDTP giúp các đơn vị thành phần có cơ sở thực hiện. Vấn đề này cũng đã được Sở TNMT đưa ra lấy ý kiến các bên trong cuộc họp từ tháng 2-2020, nhưng đến nay chưa thấy thực hiện. Đây có thể cũng là một nốt thắt tạo ra tiền lệ để giải quyết các dự án khác trong hoàn cảnh tương tự - một giám đốc công ty thành phần khẳng định.

Điều đáng nói, cuối cùng là người dân đã nộp tiền mua đất ở các dự án trên phải tiếp tục chịu thiệt thòi vô thời hạn. Không lẽ chính quyền đành bó tay?

Bình luận (0)

Lên đầu trang