Quyết liệt chống hàng giả
Cuối tháng 12/2024, tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Cục Thi hành án dân sự TPHCM tổ chức tiêu hủy 26.780 nón giả thương hiệu Nón Sơn cùng các loại phụ kiện. Đây được xem là sản phẩm bị làm giả quy mô lớn ở TPHCM và là tang vật trong vụ án tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả thương hiệu Nón Sơn với giá trị lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, trước đó, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Đinh Ngọc Minh (SN 1957) 5 năm tù; Đinh Đức Trọng (SN 1992), Trần Quang Chính (SN 1989) cùng 6 năm tù về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả”. Ngoài ra, Đoàn Duy Công (SN 1987), Vũ Hải Lý (SN 1994) cùng 4 năm tù; Trương Công Diện (SN 1963) 3 năm 6 tháng tù về tội "buôn bán hàng giả”.
Theo cáo trạng, Chính, Trọng, Minh thực hiện việc sản xuất nón kết giả hiệu Nón Sơn tại Quận 12. Cả ba tìm mua nguyên vật liệu để sản xuất từ nhiều nguồn, sau đó thuê hoặc tự gia công thành nón kết vải thành phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn rồi bán cho Công, Lý và Diện để tiêu thụ tại các cửa hàng nón ở Quận 12 cũng như các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Thời điểm Phòng CSKT Công an TPHCM phối hợp Công an phường sở tại kiểm tra đã thu giữ tang với với tổng giá trị hàng giả hơn 40 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tý trao tặng MBH cho học sinh
Chứng kiến buổi tiêu hủy, ông Tý cho biết từ trước đến nay, Công ty đặc biệt quan tâm đến các vụ sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả thương hiệu. Bởi trong khi các cá nhân, cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu của Nón Sơn mục đích nhắm vào lợi nhuận phi pháp, thì công ty bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về mặt thương hiệu, đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm...".
Trước đó, TAND TP.Nha Trang (Khánh Hòa) mở phiên xét xử vụ án "buôn bán hàng giả”, tuyên phạt Phạm Thị Minh Tâm (SN 2002) 7 năm 6 tháng tù; Trịnh Văn Cảnh (SN 2000) 7 năm tù. Khoảng 19 giờ 30 ngày 20/12/2023, tổ công tác Công an TP.Nha Trang kiểm tra cơ sở kinh doanh tại xã Vĩnh Thạnh, phát hiện Tâm - Cảnh đang kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) nghi có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn.
Tại hiện trường, Công an thu giữ 898 MBH ghi nhãn hiệu Nón Sơn (trị giá lô hàng gần 587 triệu đồng) và một số mã vận đơn của TikTokShop. Ngoài ra, Phòng CSKT Công an tỉnh Lâm Đồng (PC03) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Sơn Trung (SN 1997) về hành vi mua bán hàng giả gần 2.300 chiếc MBH của thương hiệu Nón Sơn trên mạng xã hội, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.
Thời gian qua, tại Đồng Tháp, Tiền Giang, TPHCM..., cơ quan chức năng cũng đã liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất, tàng trữ và mua bán MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn dưới nhiều hình thức nhằm vào mục đích kiếm lợi phi pháp. Theo lời khai, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, ngoài bán tại cửa hàng, các đối tượng còn công khai rao bán hàng giả trên các trang mạng xã hội cũng như livestream để câu khách.
Nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn rao bán trên mạng xã hội
Vẫn còn nhiều trăn trở
Nhắc về vụ án mua bán hàng giả nhãn hiệu Nón Sơn trên mạng xã hội, ông Tý vẫn còn nhớ vụ "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" do Ninh Thiên Thạch (SN 1993) cầm đầu. Đây là vụ kinh doanh hàng giả nhãn hiệu trên các các sàn thương mại điện tử tương đối lớn và rầm rộ. Thạch đã mua nhiều thẻ sim bán trôi nổi trên thị trường với mục đích tạo nhiều tài khoản trên Shopee để tiện cho việc mua bán MBH giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn.
Cụ thể, Thạch liên hệ đặt hàng từ nhiều "gian hàng" trên Shopee tổng cộng hơn 5.000 MBH giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn đa dạng màu sắc với giá từ 11.000 đồng đến 13.000 đồng/cái. Hàng sau đó được giao về phường Hiệp Thành (Q12) để bán lại trên các trang mạng. Do lượng khách đặt mua nhiều, Thạch còn thuê thêm một số nhân viên phụ trách đóng gói MBH. Tang vật thu giữ gồm hơn 4.000 MBH giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Thạch 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội danh trên.
Trước vấn nạn hàng nhái, hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, theo ông Tý, thiệt hại của doanh nghiệp không thể tính bằng tiền. Vì thế, quan điểm của công ty là sẽ quyết liệt đến cùng trong cuộc chiến đấu tranh, phòng chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tuy nhiên, ông Tý cũng nhìn nhận, hiện nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh giả nhãn hiệu Nón Sơn nắm bắt thị trường, chuyển sang bán hàng online, nhiều nơi còn tổ chức bán hàng trên livestream.
Theo đó, một số tài khoản livestream bán MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn chỉ trong vài chục phút đã chốt được 500 đơn hàng vì giá thành quá rẻ. Đáng nói, để câu khách, người bán hàng dùng Nón Sơn thật để làm mẫu, giới thiệu sản phẩm chi tiết nhưng đến khi giao lại là hàng giả nên công ty cũng đối mặt với vô vàn thách thức. Vì những sản phẩm giả này mang thương hiệu của công ty nhưng sử dụng nguyên liệu cực kỳ kém chất lượng; không những không bảo đảm an toàn mà còn gây ra tai nạn ngược cho người sử dụng.
6 đối tượng bị kết án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả nhãn hiệu Nón Sơn
Bàn về vấn đề này, điều khiến một doanh nghiệp như Công ty Nón Sơn trăn trở nhất là việc kiểm soát về tính pháp lý đối với các đối tượng kinh doanh cũng như về sản phẩm giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, cũng như các trang MXH (Facebook, Zalo, Tiktok...) quá lỏng lẻo và sơ hở, vô tình tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lừa người tiêu dùng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thương hiệu chính hãng. Do đó, theo ông Tý, bên cạnh xử lý nghiêm khắc các đối tượng trực tiếp mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ cũng như chế tài đủ nghiêm.
Tuyên truyền an toàn giao thông đến học sinh
Thương hiệu Nón Sơn vốn rất quen thuộc với người dân trên khắp cả nước thông qua hàng trăm cửa hàng từ Bắc chí Nam với đa dạng mặt hàng như: MBH, nón vành, nón kết vải... Chính vì thế, Nón Sơn trở thành "mục tiêu" của các cá nhân, cơ sở hám lợi nhằm sản xuất hàng nhái, hàng giả để tung ra thị trường. Những năm qua, bên cạnh việc quảng bá thương hiệu, Nón Sơn còn dành rất nhiều nguồn lực để cùng đồng hành, hỗ trợ lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành. Đặc biệt, chú trọng công tác chống hàng nhái, hàng giả cũng như các mặt công tác xã hội - từ thiện.
Mới đây, Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn còn đồng hành cùng với Đội CSGT-TT Công an huyện Hóc Môn phối hợp với Ban An toàn giao thông xã Xuân Thới Đông tổ chức tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường cho giáo viên và 2.500 học sinh trường THCS Tân Xuân. Bên cạnh việc hỗ trợ tặng những chiếc MBH Nón Sơn đạt chuẩn cho nhà trường, ông Nguyễn Ngọc Tý còn hướng dẫn các em học sinh cách sử dụng MBH đúng cách, bảo đảm chất lượng. Kỹ năng này bảo vệ an toàn cho các em khi ngồi trên xe môtô, gắn máy, xe máy điện trong lúc tham gia giao thông.
Ông Tý chia sẻ, trong cụm hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông tại các trường học, trước mắt Công ty Nón Sơn đã ủng hộ 300 chiếc MBH cho các giáo viên và em học sinh tại một số trường học trên địa bàn Hóc Môn. Thời gian tới, đây cũng sẽ là hoạt động thường xuyên của Nón Sơn. Công ty tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng với một số đơn vị hữu trách trên địa bàn Thành phố để tuyên truyền an toàn giao thông đến với các trường học nhiều hơn nữa, nhằm giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh, phụ huynh... khi tham gia giao thông; góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.