Bất cập giá xăng dầu: Giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn... than lỗ

Thứ Ba, 22/02/2022 12:50  | Nam Anh

|

(CATP) Những ngày gần đây, Liên bộ Tài chính - Công thương đã ra văn bản điều chỉnh tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước. Cụ thể hôm qua 21-2, xăng E5 Ron 92 tăng 960 đồng/lít; xăng Ron 95 tăng 960 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít; còn dầu Mazut tăng 280 đồng/kg. Theo đó, giá xăng Ron 95 có giá bán tăng mút khung lên hơn 26 nghìn đồng/lít.

Chỉ bán nhỏ giọt

Dạo quanh một vòng các cây xăng ở ven ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, chúng tôi ghi nhận, nhiều cây xăng với "phiên bản giới hạn" chỉ bán ra nhỏ giọt và chỉ được bán ra cho khách từ 30.000 - 50.000 đồng/xe máy. Hiện tượng các cây xăng ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt diễn ra rất phổ biến. Để đổ đầy bình xăng, nhiều xe máy phải đi qua hai - ba cây xăng mới đổ được đầy bình khiến người mua phải chịu không ít ấm ức.

Vào trưa 20-2, tại cây xăng Tuyết Vân (ĐT 743, TP.Dĩ An, Bình Dương) có đông người dân xếp hàng chờ tới lượt. Tại đây, nhân viên cây xăng thông báo hết xăng Ron 95, chỉ còn xăng 92 và bán tối đa 50.000 đồng/xe máy. Theo giải thích thì xăng về chưa kịp nên cây xăng chỉ bán được như vậy.

Trước đó, ngày 19-2, chúng tôi nhận được phản ánh, tại cửa hàng xăng dầu (số 679 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức) chỉ bán nhỏ giọt, khách đi xe máy chỉ được mua tối đa 50.000 đồng/lượt. Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đến đây đề nghị đổ đầy bình xe máy. Tuy nhiên, một nhân viên cho biết hiện xăng của cửa hàng còn ít nên chỉ bán tối đa cho mỗi người đi xe máy với mức 50.000 đồng/lượt.

Điều chỉnh giá xăng tăng cao nhưng không có xăng để bán. Ảnh minh hoạ

Tương tự, tại một cửa hàng xăng trên đường Hà Huy Giáp (quận 12), nhiều khách hàng chạy vào cây xăng cũng được thông báo chỉ còn dầu D0 nên đành đi tìm cây xăng khác. Vừa điều khiển xe ba bánh rời khỏi cửa hàng xăng, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Tôi vào đổ xăng nhưng nhân viên phất tay bảo hết xăng rồi. Trong khi đó, khách hàng thì đang hối thúc nên tôi phải tìm cây xăng khác".

Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương đã đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu tại một số tỉnh khu vực phía Nam. Ghi nhận ban đầu của đoàn kiểm tra cho thấy tại thời điểm kiểm tra, có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã "treo biển hết xăng". Trong đợt kiểm tra, đoàn cũng phát hiện một số đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán. Cụ thể, kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng A95 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5-RON92 trong bể chứa nhưng vẫn treo biển không bán. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.

Hiện tượng một số cây xăng tư nhân tạm ngừng hoạt động do thiếu xăng RON 95, theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Các thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh khó mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền. Một số cửa hàng xăng dầu có thể bị đứt nguồn xăng RON 95. Để giảm lỗ, nhiều cây xăng còn kéo rào, không bán cho khách lẻ.

Diễn ra phổ biến

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng "hết" xăng, bán nhỏ giọt của nhiều cây xăng ở khu vực ngoại thành TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... diễn ra rất phổ biến. Do các cây xăng bán ra chỉ nhỏ giọt khiến cho nhiều ôtô, xe máy vừa tấp vào đã phải quay đi mà không đổ được. Giải thích cho điều này, nhiều nhân viên bán xăng cho rằng, do khan hiếm nguồn cung từ các đơn vị đầu mối xăng dầu, lượng xăng dầu nhập về trước Tết còn ít nên chỉ bán... nhỏ giọt. Anh Võ Văn Thuận (nhà ở Dĩ An, Bình Dương) cho rằng, hiện giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Các mức giá xăng dầu này đều là mức cao nhất kể từ tháng 7-2014. Theo đó, giá xăng mà các doanh nghiệp nhập khẩu về chưa đến 15 nghìn, tại sao với giá bán ra đã cao hơn 25 nghìn/lít mà doanh nghiệp vẫn than lỗ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thìn - Giám đốc Công ty CP xăng dầu cho rằng, "mỗi lít xăng bán ra cho khách hàng doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ 600 - 700 đồng/lít. Nguyên nhân là do giá nhập khẩu xăng Ron 95 tại cảng vào thời điểm hiện tại có giá 14.936 đồng nhưng mặt hàng này lại phải gánh rất nhiều loại thuế, phí khiến giá bị đội lên cao. Trung bình, mỗi ngày một cửa hàng bán được 600 - 800 khối thì một tháng doanh nghiệp phải gánh khoản lỗ từ 500 - 700 triệu đồng. Trong khi đó, Bộ Công thương đã ra văn bản, doanh nghiệp không được dừng bán nên doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận khoản lỗ.

Nhiều người chỉ được giới hạn từ 30 - 50 nghìn/lần đổ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện giá xăng phải đóng 10% thuế nhập khẩu; tiếp đó xăng - dầu còn phải chịu thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp; ngoài ra cộng thêm 10% thuế VAT; thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Theo đó, tổng chi cho 4 loại thuế thì một lít xăng đang phải gánh thêm 10 nghìn đồng (chiếm khoảng 40 - 45% giá thành của một lít xăng Ron 95). Như vậy, mỗi lít xăng phải gánh thêm các khoản chi phí lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn thị trường, phí kinh doanh định mức... khiến giá thành bị đội lên cao.

Theo ông Thìn, tính ra các loại thuế, phí được cộng dồn cho một lít xăng đã lên tới 12.368 đồng/lít, chiếm 44 - 50% giá thành bán ra của một lít xăng Ron 95. Theo đó, nếu cộng dồn tất cả các loại thuế, phí thì giá xăng mức cơ sở cho mỗi lít xăng lên đến 26.104 đồng/lít. Điều này đồng nghĩa với việc bán ra mỗi lít xăng doanh nghiệp đầu mối đang phải gánh lỗ gần 800 đồng.

Trả lời về tình trạng một số cửa hàng thiếu xăng dù giá xăng đã được điều chỉnh, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, không có tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại TPHCM, mà chỉ xảy ra việc thiếu hụt cục bộ. Từ 12-2 đến nay, ở một số cửa hàng và đơn vị không đóng cửa nhưng có thiếu một số mặt hàng, lúc thiếu xăng, lúc thiếu dầu. Về nguồn hàng dự trữ, qua báo cáo của 8/15 doanh nghiệp đầu mối, lượng dự trữ xăng dầu cũ và nhập khẩu hiện là 465.000m3, trong đó 245.000m3 xăng và 220.000m3 dầu. 8 doanh nghiệp đầu mối này chiếm thị phần hơn 70% nguồn hàng của TPHCM.

Về nguyên nhân chính khiến một số cửa hàng, đơn vị thiếu xăng, ông Phương cho biết đây là các đơn vị lấy hàng tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thời gian qua, nhà máy này có giảm sản lượng. Dự báo, từ nay đến cuối tháng, sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng, cùng với lượng hàng nhập khẩu liên tục thì tình hình thiếu xăng tại một số đơn vị sẽ được khắc phục rất sớm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang