Ngăn không xuể
Ông Huỳnh Tấn Phát- Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM cho hay, chỉ chưa đầy một tháng, cơ quan này phối hợp với các đoàn liên ngành liên tiếp phát hiện các vụ buôn bán nầm (vú) heo nhập từ Trung Quốc về Việt Nam với tổng lượng tang vật thu giữ lên đến hơn 4 tấn. Ngoài ra tang vật còn có những thùng thịt heo nái được thui vàng, pha lóc để “biến” thành các loại thịt hươu, nai, nhím, đà điểu…
Theo ông Phát thì không loại trừ có một đường dây đưa thịt bẩn về Việt Nam bởi theo lời khai của những chủ hàng khi bị bắt giữ và thông tin bằng tiếng Trung Quốc trên những thùng xốp đựng vú heo thì những lô hàng lậu này được đưa chủ yếu từ Hà Nam (Trung Quốc) về.
Trải qua mấy ngàn km nhưng về đến TP.HCM nầm heo không hề bị biến màu, hư hỏng dù không được vận chuyển bằng xe chuyện dụng. Lãnh đạo ngành thú y cho rằng, chỉ có tẩm ướp hóa chất độc hại những lô hàng này mới giữ được tình trạng như vậy. Đáng sợ là có cơ sở bán sản phẩm này tới 7 năm, mỗi ngày bán ra từ 100-200kg cho các nhà hàng, quán nhậu chế biến thành vú dê mới bị phát hiện.
Thịt heo bẩn - Ảnh minh họa
Ngoài ra, hàng loạt những sản phẩm như heo sử dụng chất cấm (chất tạo nạc, tăng trọng…), chất tiền mê, heo sữa thối, heo bệnh… vẫn luôn tìm cách tẩu tán ra thị trường. Người tiêu dùng không khỏi bất an khi mới đây, trong “chiến dịch” thanh tra đột xuất thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 5 lò mổ heo lớn trên địa bàn thành phố với 18 lô (tổng số 864 con heo) dương tính với chất cấm sabultamol.
Hầu hết nguồn heo được đưa từ Đồng Nai, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… về xẻ thịt rồi đem phân phối khắp thị trường TP.HCM. Trước đó, cũng chính đơn vị này cũng ngăn chặn kịp thời 111 con heo bị lở mồm long móng đang được vận chuyển đến các lò mổ.
Không chỉ với các mặt hàng thịt, theo ông Nguyễn Văn Bách- Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường TP.HCM, nguy cơ hàng lậu, hàng gian hàng giả trong những tháng cuối năm cũng rất lớn. Đặc biệt với những nhóm hàng có sức tiêu thụ mạnh như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát…
Trong năm qua, lực lượng QLTT thành phố phối hợp với các đoàn liên ngành (công an, thú y, y tế…) kiểm tra 9.637 vụ phát hiện được 4.951 vụ vi phạm. Liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn vị này cũng phải tiến hành tới 2.146 vụ kiểm tra.
Dựa vào người tiêu dùng
Theo đại diện ngành thú y, quản lý môi trường đều khẳng định, dù cùng hợp tác với lực lượng công an, cảnh sát môi trường… thành lập các đoàn liên ngành chỉ ngăn chặn phần nào chứ khó có thể triệt để được tình trạng hàng gian hàng giả, thực phẩm độc hại tẩu tán ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, hiện hàng tuần các quận huyện đều có báo cáo về số vụ hàng gian, hàng gỉa ở các chợ, cơ sở sản xuất đều có. Nguồn hàng lậu của những nhóm hàng này cũng có rất nhiều nguồn, đa số là nhập lậu đặc biệt có những cơ sở sản xuất trong nước sản xuất hàng giả,thực phẩm chức năng, bánh kẹo, rượu bia… giả các nhãn hiệu nước ngoài. “Chúng tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ thông tin từ chính doanh nghiệp và những người dân, người tiêu dùng để có được hiệu quả phòng chống tốt nhất…”, ông Bách nói.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu rượu ngoại bày tỏ, họ rất muốn hợp tác với cơ quan chức năng nhưng rất khó để có thể truy tìm tận gốc hoạt động làm giả làm nhái vì các đối tượng gian lận rất tinh vi, thậm chí làm giả cả tem chống giả.
Trong khi những dấu hiệu nhận biết hàng thật được nhà sản xuất tính tới để ngăn ngừa hàng giả như trên một số loại rượu nổi tiếng chẳng hạn như Chivas, Ballantine’s, Royal Salute, Absolut, Martell có loại tem chống giả đặc biệt trên cổ chai, ở chính giữa tem có tên thương hiệu rượu, khi dùng nước thấm lên tên thương hiệu sẽ bị chìm dần, nhưng lau khô lại trở lại hình dạng ban đầu.
Cách phân biệt rượu thật, rượu giả qua tem chống giả- Ảnh:P.V
Hoặc có thể nhận biết thông qua ô polime hình chữ nhật trong suốt được in chìm tên thương hiệu màu bạc giống như trên tờ tiền polime, hay rãnh nhỏ màu trắng ở giữa tem có in tên thương hiệu siêu nhỏ ngược 180o có thể thấy bằng kính lúp… lại không mấy người tiêu dùng chịu bỏ thời gian tìm hiểu. Dù rằng, họ đã bỏ tiền triệu ra để mua những sản phẩm này.
Một chai Chivas gắn tem chống giả - Ảnh:P.V
Ông Huỳnh Tấn Phát cho rằng, có những sản phẩm nếu người tiêu dùng chịu khó quan sát là có thể biết được là hàng thật hay giả, an toàn hay không ăn toàn. Chẳng hạn, sẽ chẳng có người nông dân nuôi con dê đến khi đẻ con rồi đem thịt chỉ để bán bộ nầm.
“Có thể khẳng định một điều hầu hết nầm dê trên thị trường hiện nay là làm từ nầm heo nái”, ông Phát nói. Và cơ quan này phải lập ra đường dây nóng (08.38536133) riêng để kêu gọi sự hợp tác của người dân trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin để ngăn chặn sản phẩm mất an toàn ra thị trường.