(CATP) Sau vụ cháy tại một “chung cư mini” tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội), mới đây nhiều cư dân tại cao ốc Phú Thọ - Thuận Việt (số 319 Lý Thường Kiệt, P15, Q11, TPHCM) đã làm đơn cầu cứu gởi đến tòa soạn Chuyên đề CATP vì chung cư họ ở không có lối thoát nạn thứ 2.
Chung cư Phú Thọ - Thuận Việt cao 17 tầng (gồm 15 tầng căn hộ) với 195 căn hộ và có gần 1000 cư dân, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009 đến nay. Theo thiết kế ban đầu của tòa nhà thì cao ốc Phú Thọ - Thuận Việt có 2 lối thoát nạn (theo bản vẽ hoàn công năm 2009). Nhưng sau đó, chủ đầu tư (CĐT) là Công ty Thuận Việt đã dùng lối thoát nạn thứ 2 của tòa nhà, biến đổi thành căn hộ kinh doanh số 0.07 để bán. Hiện chủ căn hộ này đã cho thuê mặt bằng để bán cơm, làm người dân nghi ngại khi xảy ra sự cố thì biết chạy đường nào?.
Suốt thời gian vừa qua, ban quản trị (BQT) và cư dân đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, yêu cầu CĐT phải trả lại cho tòa nhà lối thoát nạn thứ 2 theo như thiết kế ban đầu. Tuy nhiên đến nay, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến cư dân ở đây luôn trong trạng thái hoang mang, bất an về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ, nhất là gần đây tình trạng cháy, nổ ở các chung cư, nhà trọ tập trung đông người gây nhiều tổn thất đáng tiếc. Nay cư dân tiếp tục yêu cầu CĐT phải trả lại nguyên trạng lối thoát nạn thứ 2 (theo thiết kế ban đầu của tòa nhà cao ốc Phú Thọ -Thuận Việt) để bảo đảm sự an toàn và thoát hiểm các sự cố khác.
Lối thoát nạn thứ 2 bị biến đổi thành căn hộ kinh doanh, đang được cho thuê để bán cơm.
Được biết, xác định rõ tầm quan trọng của PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo. Đơn cử, nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020-2022; nghị quyết số 102/2022 của Chính phủ; Chỉ thị số 01/2023 về tăng cường công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới, có chỉ rõ nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra PCCC; có giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC; UBND tỉnh, TP chỉ đạo xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực thi hành.
Mới nhất, sau vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội vào rạng sáng 13/9, thực hiện công điện hỏa tốc số 796/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn chỉ đạo tổng rà soát công tác an toàn PCCC các cơ sở nhà trọ, “chung cư mini”... trên địa bàn. Mới đây, bà con cư dân đã có đơn đề nghị UBND Q11, UBND P15 và các cơ quan chức năng nhanh chóng cử cán bộ có trách nhiệm xuống kiểm tra, đốc thúc CĐT là Công ty Thuận Việt ngay lập tức hoàn trả lại lối thoát hiểm thứ 2 của cao ốc Phú Thọ - Thuận Việt cho người dân.
“Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Trong trường hợp sự việc vượt khỏi quyền hạn, trách nhiệm xử lý của phường, quận... hãy hướng dẫn cụ thể, chi tiết để chúng tôi gửi thư phản ánh vượt cấp lên trên, tránh trả lời vòng vo, chung chung, khiến sự việc cứ kéo dài không đáng có” – một cư dân bức xúc.