Phản ánh tới CAO, anh Trần Văn Thành, cư dân tòa CT1 chung cư Thái Hà ở đường Phạm Văn Đồng, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, khi anh đi làm thì thấy xe ô tô của mình đậu tại đường chung của chung cư bị khóa bánh.
Trên kính ô tô dán giấy, anh Thành đỗ xe sai quy định và yêu cầu gặp Ban quản lý chung cư để giải quyết.
Cho rằng việc làm của BQL không đúng chức năng và quyền hạn, anh Thành đã nhờ người đến phá khóa. Sau đó, người của BQL và bảo vệ chung cư tiếp tục khóa xe ô tô của anh lần 2.
Nhiều ô tô của cư dân bị khóa bánh khi đậu trên đường chung
“Tôi đã làm việc với BQL nêu rõ, xe của tôi là tài sản của gia đình, ai cho phép tự ý khóa tài sản của người khác lại? Để bảo vệ tài sản của mình, tôi đã nhờ người cắt khóa lần 1, sau đó vẫn bị khóa lại”, anh Thành cho hay.
Sáng 5-11. Khi con gái của anh Thành bị viêm màng não đang đau đầu, cần đi viện khẩn cấp, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, gia đình đã trình bày, yêu cầu mở khóa để anh đưa con đi viện nhưng không được, khiến người chứng kiến ngán ngẩm.
Sau một hồi tranh cãi không có kết quả, anh Thành đành phải giật khóa ra khỏi xe và chở con đi viện.
“Lúc tranh cãi, họ còn nói nếu cắt cái khóa thứ 2 sẽ cắt nước của gia đình. Tôi cắt khóa để tôi bảo vệ tính mạng cho con tôi nên lúc nguy cấp đành phải làm vậy”, anh Thành nói.
Anh Đ.X.T một cư dân tòa nhà CT2 cũng bị khóa bánh xe ô tô cho hay, chiều ngày 5-11, anh đi công việc về và đã đỗ xe ở mép đường đối diện với tòa nhà CT2.
Sau đó, anh hỏi BQL và đặt câu hỏi đây là đường sở hữu chung vì sao BQL lại khóa xe của anh nhưng không nhận được giải thích hợp lý và quyết định cắt khóa lấy xe đi làm.
Tuy nhiên, chiều 8-11, vợ chồng anh T. trở về nhà thì căn hộ bị cắt nước, khiến cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, đảo lộn khi gia đình anh có con nhỏ.
Lý do BQL đưa ra cho việc cắt nước của gia đình anh T. là anh này đã phá khóa xe ô tô, phải đền bù số tiền 700 ngàn đồng cho BQL.
Chị N.T.H kể lại, chị mới về sinh sống tại chung cư và tuân thủ đầy đủ các quy định của BQL về phí giữ xe, tiền điện nước…nhưng không hiểu vì sao cũng gặp phải việc gây khó chịu, phiền hà từ BQL.
Chị H, cho hay, vào tháng 10-2021, con chị bị bệnh, gia đình phải đưa đi nằm viện một tuần sau về nhà thì thấy bánh xe ô tô bị khóa, phía trên xe dán giấy ghi lại nội dung chị vi phạm, đề nghị liên hệ BQL.
“Tôi nộp tiền đầy đủ, không nợ bất kỳ khoản phí nào mà BQL tự tiện khóa xe tôi. Trong khi đó, tôi đã đóng tiền đầy đủ”, chị H. chia sẻ.
Tiếp đó, tháng 9-2021, xe của chồng chị cũng bị khóa trong khi sáng sớm phải đi họp ở nơi làm việc gấp.
Sáng 9-11, chị vào hầm gửi xe ô tô nhưng barie không mở nên chị đã đỗ xe luôn ở trước gần cửa hầm và vào lấy xe máy đi làm. Sau đó BQL đã khóa xe chị và đưa ra đường.
Đến chiều 9-11, BQL mới xác nhận chị không nợ nần tiền và có nhắn tin cho chị với nội dung: “Nếu chị cảm thấy phiền thì BQL xin lỗi”.
Sau đó, chị làm việc với BQL, BQL thừa nhận sai sót và xin lỗi chị công khai đồng thời sẽ làm văn bản xin lỗi để dán ở thang máy công khai việc này.
Tầng thượng bị quây lại thành sân vườn
Anh Phan Thanh Quang, cư dân tòa nhà HHA cho biết, tại tòa anh ở xuất hiện một vườn “thượng uyển” trên sân thượng khiến người dân bất an và gặp nhiều sự cố.
Tầng thượng của chung cư đã bị quây biến thành sân vườn
Việc này đã ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy, khi xảy ra hỏa hoạn, các căn hộ từ giữa tòa nhà không thể chạy xuống dưới được mà bắt buộc phải chạy lên trên sân thượng.
Sân thượng bị làm sân vườn khóa lại gây khó khăn cho cư dân khi sự cố xảy ra. Đồng thời, họ dùng phân súc vật để tưới bón khiến mùi hôi tỏa ra.
Cũng theo anh Quang, trong hợp đồng mua bán cũng thể hiện rõ hành lang, cầu thang, sân thượng… là tài sản chung của cư dân.
Việc xuất hiện vườn trên tầng thượng của tòa nhà đã gây tắc ở đường ống thoát nước, mỗi lần trời mưa to là nước từ đường ống thoát nước điều hòa trào ngược vào nhà cư dân.
Người dân phản ánh việc xuất hiện vườn cây trên tầng thượng đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, ngoài ra việc sử dụng phân súc vật bón cho cây gây mùi hôi
Ông Nguyễn Văn Sen, căn hộ HHA2104 cho biết, mấy trận mưa to gần đây gia đình ông đều bị nước tràn vào nhà. Nước từ đường ống thoát nước điều hòa trào ngược lên sàn nhà. Ông nghi bị tắc đường ống nên lên sân thượng kiểm tra thì phát hiện nhiều đất, cây trồng nhiều trên sân thượng.
Ông đã phản ánh với nhân viên kỹ thuật tòa nhà nhưng chỉ lập biên bản ghi nhận sự việc. Sự việc này đã làm cư dân có đường ống nước chạy qua thường xuyên gặp sự cố tràn nước, hoặc nước không thể thoát ra ngoài tràn vào trong.
Sân thượng theo người dân là tài sản chung, nhưng nay trở thành vườn
Tập kết đủ thứ trên sân thượng bị người dân phản ánh gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ phía dưới.
Cư dân cho rằng, đường đi sau khi hoàn thành đi vào sử dụng bàn giao cho cư dân là tài sản thuộc sở hữu chung, ai cũng có thể đi qua đường này, dù BQL chưa bàn giao cho chính quyền thì nó vẫn là tài sản chung.
Việc người dân đậu xe trên đường chung đó, sai quy định thì việc khóa xe không thuộc thẩm quyền của BQL mà là của chính quyền địa phương.
“BQL hành sự như vậy gây nên tâm lý rất khó chịu, mang tính áp đặt khiến người dân bức xúc”, một cư dân cho hay
Một góc vườn trên sân thượng
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc BQL chung cư Thái Hà cho hay, việc đỗ xe và việc cư dân tự cắt khóa đều là sai.
BQL làm là dựa theo quy định thể hiện trong nội quy, nếu vi phạm nhẹ thì nhắc nhở tuyên truyền khắc phục là xong, còn vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý.
Theo ông Tuấn Anh, phía BQL căn cứ vào nội dung đã quy định trong Sổ tay chung cư để áp dụng xử lý đối với những trường hợp nói trên.
“Việc cấp nước là qua chủ đầu tư, Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, chủ đầu tư bán lại nước cho cư dân. Còn BQL đại diện vận hành do đó nước có trong tiện ích”, ông Tuấn Anh nói.
Về việc tăng giá gửi xe ô tô, ông Tuấn Anh cho hay, chủ đầu tư có thông báo tăng giá gửi xe tháng đối với cả ô tô và xe máy. Trong đó, giá gửi xe ô tô từ 900 ngàn lên 1,2 triệu đồng/tháng.
“Việc tăng giá gửi xe của chúng tôi là không vượt giá trần của thành phố quy định. Còn việc tăng giá có thỏa thuận với cư dân hay không thì đây là nhà ở xã hội, diện tích đỗ ô tô trong hợp đồng không tính vào giá thành của nhà do vậy thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư có quyền quyết định giá dịch vụ, kể cả sau này có Ban quản trị thì chủ đầu tư vẫn có quyền quyết định việc đó. Cư dân cũng là một khách hàng có thể gửi hay không gửi theo nhu cầu về giá”, ông Tuấn Anh cho hay.
Theo giải thích của BQL, trong trường hợp giá giữ xe tăng nhưng người dân vẫn đóng 900 ngàn/tháng thì hệ thống xe không ghi nhận xe của cư dân đó do bị nợ phí thì khi đó mất mát, cháy nổ BQL không có căn cứ để đền bù. Nếu nợ quá lâu không thanh toán thì BQL sẽ cắt dịch vụ trông giữ xe.
Về việc cư dân để xe trên vỉa hè, đường chung cư và bị khóa bánh có đúng thẩm quyền của BQL? Ông Tuấn Anh cho rằng đây là đường chung, nhưng vẫn thuộc BQL quản lý và chưa bàn giao lại cho thành phố.
“Công an đã 2 lần vào làm việc vì có thông tin việc trông xe tự phát có thu phí. Việc để xe ở vỉa hè, dưới đường chung gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông vì đây là đường chung, người dân ở các phường khác có thể đi qua…việc đó gây cản trở giao thông”, ông Tuấn Anh thông tin.
Về việc cư dân làm vườn sinh thái trên tầng thượng tòa nhà, ông Tuấn Anh cho biết, Công an quận Bắc Từ Liêm và Thanh tra xây dựng quận đã kiểm tra và chưa có văn bản nào về sai phạm của hai vườn đó.
Chủ đầu tư đã có văn bản gửi cho lự clượng phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt lại thay đổi ấy. Từ đó, BQL tòa nhà sẽ căn cứ văn bản đó để cho thuê lại tầng thượng. Mọi người dân đều có thể thuê lại và chi phí thuê đưa vào quỹ vận hành cư dân.