(CAO) Dù đã nhận tiền bồi thường theo thỏa thuận nhưng một số hộ dân sinh sống trên đất thuộc dự án KDC Trường Thịnh (P. An Khánh, TP. Thủ Đức) chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án, thậm chí còn xuất hiện một số người lấn chiếm và xây dựng hàng loạt công trình không phép trên đất đã quy hoạch dự án.
Gian nan việc bồi thường!
Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh) vừa gửi đơn kêu cứu lên Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM và TP.Thủ Đức đề nghị sớm vào cuộc tháo gỡ vướng mắc cho dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên (KDC Trường Thịnh) ở P.An Khánh, TP.Thủ Đức kéo dài suốt 22 năm qua nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Dự án KDC Trường Thịnh đến nay đã 22 năm nhưng vẫn còn dang dở
Theo đó, KDC Trường Thịnh có diện tích 30.710m2 được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho Công ty Trường Thịnh làm chủ đầu tư theo QĐ số 1101/QĐ-TTg ký ngày 9-12-1998. Tuy nhiên, do phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể chung khu tứ giác Trần Não – Lương Định Của – Liên tỉnh lộ 25 – Xa lộ Hà Nội nên mãi đến ngày 16-1-2008, UBND Q.2 mới ban hành QĐ số 428/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, theo đó dự án gồm 94 căn nhà liên kế và 3 block với 342 căn hộ chung cư.
Ngày 4-2-2009, Sở Xây dựng TP ban hành QĐ số 18/QĐ-SXD-PTN về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chung cư cao tầng, hạ tầng kỹ thuật toàn khu dự án KDC Trường Thịnh. Đến ngày 15-7-2009, khu nhà vườn liên kế cũng được Sở Xây dựng phê duyệt theo QĐ số 101/QĐ-SXD-PTN.
Để thực hiện dự án, Công ty Trường Thịnh đã hiệp thương, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất của 3 chi gia tộc sử dụng đất theo bằng khoán của chế độ cũ gồm chi bà P.T.BT, chi ông N.V.H và chi bà T.T.T với diện tích 32.184m2. Tổng số tiền đền bù gần 44,7 tỷ đồng và hoán đổi tái định cư tại chỗ 22 nền đất.
Trên đất của 3 chi gia tộc này lúc đó đang có tới 50 hộ dân khác sinh sống từ trước năm 1975 với diện tích lên đến 9.602,4m2/32.184m2. Chính vì vậy sau khi thỏa thuận bồi thường cho 3 chi gia tộc, chủ đầu tư tiếp tục phải hiệp thương và thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng lần 2 với các hộ dân đang sinh sống trên phần đất của 3 chi tộc với số tiền hơn 61,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Trường Thịnh còn bàn giao thêm 9 nền đất cho các hộ dân có đủ điều kiện tái định cư tại chỗ và 5 hộ dân khác được chủ đầu tư hoán đổi nền đất và nhà tại một dự án ở quận 9 (cũ).
Chưa hết, trong khu đất Công ty Trường Thịnh đã đền bù cho 3 chi gia tộc còn có 2.635m2 đất rạch được xác định do Nhà nước quản lý. Năm 2004, UBND TPHCM có văn bản yêu cầu chủ đầu tư không nộp tiền mà hoán đổi bằng nền đất. Sau đó, các cơ quan liên quan đã thống nhất hoán đổi bằng 2 nền đất tổng diện tích 271m2.
“Bất lực” với nạn lấn chiếm, xây nhà không phép!
Không chỉ gian nan với việc bồi thường giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư dự án KDC Trường Thịnh còn phải đau đầu với nạn lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất dự án đã hoàn thành xong nghĩa vụ bồi thường. Theo đó, sau khi nhận xong tiền bồi thường thì con cháu của một số người này đã xây dựng nhà cửa để tạo tranh chấp.
Như trường hợp của bà T.T.H, vào năm 2003 bà H đã cùng chị gái mình là T.T.T ký HĐ chuyển nhượng toàn bộ khu đất rộng 6.815,5m2 cho chủ đầu tư với giá gần 7,3 tỷ đồng và nhận 4 nền tái định cư tại dự án. Dù đã được bồi thường xong từ năm 2003 nhưng đến năm 2013, những người con của bà H vào xây dựng trái phép dãy nhà trọ cả chục căn.
Phát hiện sự việc, chủ đầu tư báo cho chính quyền và UBND Q.2 thời điểm đó đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4338/QĐ-XPHC cũng như quyết định cưỡng chế công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên, việc thiếu cương quyết, thực hiện không dứt điểm nên đến nay cả dãy nhà trọ vẫn tồn tại.
Một số căn nhà mọc lên trên khu đất dự án
Đến năm 2020, những người này lại tiếp tục chiếm hơn 415m2 đất và xây thêm nhà trọ 2 tầng kiên cố để kinh doanh. Khi nhận tin báo, chính quyền địa phương cũng đến lập biên bản và ra quyết định xử phạt, buộc cưỡng chế tháo dỡ. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ nằm… trên giấy khiến chủ đầu tư dự án “khóc ròng”.
Tương tự, trường hợp khác chiếm hơn 800m2 đất của dự án để xây dựng trái phép. Bị chính quyền địa phương cưỡng chế và xử phạt một lần nhưng người này lại tiếp tục tái phạm xây dựng trái phép trên diện tích hơn 135m2. UBND Q.2 đã ra quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay vẫn không thực hiện.
Mới đây nhất, trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid – 19, bà P.T.B.T cùng con trai vào rào 2.000m2 đất của dự án. Đáng nói, khu đất bà T đã được Công ty Trường Thịnh bồi thường xong và đã có bản án của tòa từ năm 2013 nhưng những người này vẫn rào đất lại.
Trước đó, vào năm 2017, Thanh tra TPHCM đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án. Theo Kết luận thanh tra số 42/KL-TTTP-P4 ngày 24-11-2017, Thanh tra TP khẳng định việc hiệp thương, đền bù trên cơ sở tự thỏa thuận giữa công ty Trường Thịnh với người sử dụng đất. Công ty Trường Thịnh đã thực hiện đúng cam kết đền bù cho người dân. Ngày 1-2-2018, Văn phòng UBND TP có văn bản số 04/VP-NCPC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP về việc thống nhất nội dung kết luận của Thanh tra.
Ông Trần Đức Rẻn - đại diện chủ đầu tư cho biết đến nay dự án đã đền bù được 96%. Tuy nhiên, do việc giải quyết thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng liên quan nên đến nay diện tích đất bị lấn chiếm đã lên tới hơn 7.000m2 với hàng loạt công trình xây dựng không phép chậm được tháo dỡ. “Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm vào cuộc xử lý một cách quyết liệt và triệt để sớm cưỡng chế các công trình xây dựng không phép, gỡ “nút thắt” giúp dự án nhanh chóng hoàn thành”, ông Rẻn nói.