Bình Dương: Hành trình đi đòi đất của 11 hộ gia đình thương binh (kỳ 1)

Thứ Ba, 17/05/2022 10:19  | Nam Anh

|

(CATP) Sau khi rời chiến trường, 11 người lính mang theo trong mình những vết thương. Thực hiện chính sách ưu đãi với thương binh, người có công với cách mạng, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ, Tư lệnh Quân đoàn 4 (hai lần được phong tặng AHLLVTND) đã ra quyết định cấp đất cho 11 thương binh để ổn định đời sống.

Tuy nhiên, do muốn mở rộng ga hàng hóa An Bình, Tổng Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn làm công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương "xin" đất để mở rộng ga An Bình dẫn đến cùng một miếng đất UBND tỉnh Bình Dương thì cấp cho ngành đường sắt, còn Quân đoàn 4 lại cấp cho thương binh khiến tranh chấp kéo dài.

21 năm đi đòi đất

Tại Tòa soạn Báo Công an TPHCM, 11 hộ gia đình thương binh đang sinh sống trên địa bàn TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho biết, sau khi đã bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường, người bị cụt tay, cụt chân, hỏng mắt... bị tàn phế suốt đời. Có người liên tục phải nhập viện để cứu lại mạng sống do di chứng thương tích. Sống trong thời kỳ đất nước vừa đổi mới, kinh tế gia đình của 11 hộ thương binh phải sống nhờ vào đồng đội, xóm làng...

Thấu hiểu được cuộc sống nghèo khổ của 11 hộ gia đình thương binh, dựa vào các chính sách ưu đãi đối với người có công, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ, Tư lệnh Quân đoàn 4, ngày 22-6-1996, đã ký quyết định số 1856/QĐ giao khu đất ao hồ có diện tích hơn 4.400m, chiều dài từ 18 đến 25m, dọc theo đường số 2 và tiếp giáp với ga An Bình cho 11 gia đình chính sách với lý do "hỗ trợ thương binh làm kinh tế gia đình". Tại Điều 2 của quyết định nêu rõ, 11 đối tượng được quyền sử dụng và quản lý khu vực đất nói trên. Tuyệt đối không được sang nhượng bán cho người khác.

Được đất trong tay, 11 hộ gia đình thương binh thuê người san lấp ao hồ để phát triển kinh tế vườn. Ban đầu, những thương binh trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như các loại cây thuốc nam, làm nhang cùng với các loại cây hoa màu được canh tác trên khu đất. Khi cây thuốc đủ tuổi, các nhà thuốc tới tận vườn để thu mua.

Ông Hàn Quốc Lượng, thương binh 2/4 cho biết, sau 5 năm canh tác và trồng hoa màu ổn định, ngày 14-8-2001, Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn đã chi ra 1,1 tỷ đồng để xây tường rào. Theo đó, Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn đã không làm đúng vị trí cũ của hàng rào (hành lang bảo vệ đường sắt 5,6m) mà Cty đã cho rào hết toàn bộ khu đất của 11 hộ gia đình thương binh (khu đất là đất quốc phòng do Quân đoàn 4 quản lý) đã giao cho các hộ thương binh.

Tại văn bản số 802/BTL-DT ngày 12-9-2011, do Đại tá Trần Trọng Ngừng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 thể hiện, năm 2001, Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn xin Quân đoàn xây tường rào bảo vệ hành lang đường sắt là 5,6m. Nhưng khi thực hiện đã xây lấn sang đất Quân đoàn 4 đã giao cho 11 hộ thương binh.

Theo các thương binh, đất của các gia đình họ nằm ngoài ranh với bản đồ quy hoạch chi tiết ga An Bình

Phát hiện sự việc Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn xây dựng hàng rào không đúng quy định, ngày 16-5-2006, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã ra hai công văn số 220 CV-BTM, và 802/BTL-DT do Đại tá Trần Trọng Ngừng, Phó Tham mưu trưởng ký đã yêu cầu Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn xây lại tường hàng rào không đúng vị trí, giao trả lại đất cho Quân đoàn, như phía Cty đường sắt trước đó đã cam kết với Quân đoàn. Ngược lại, phía Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn yêu cầu Quân đoàn 4 bồi thường kinh phí xây dựng đã bỏ ra xây dựng hàng rào, nhưng không được chấp thuận nên hàng rào vẫn tồn tại đến nay.

Tại biên bản gặp gỡ đối thoại với 11 gia đình thương binh, Đại tá Phạm Xuân Trạo, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 cũng cho rằng, phần đất đã giao cho 11 hộ gia đình thương binh có diện tích hẹp, chiều sâu từ 18-22m, chạy dọc theo đường số 2, KCN Sóng Thần chỉ còn phù hợp cho việc phát triển kinh tế phụ gia đình. Về cấp đất cho thương binh, chủ trương của Quân đoàn vẫn ủng hộ. Đề nghị các thương binh sử dụng đất phù hợp với kinh tế địa phương và theo đúng quy định của Luật đất đai.

Do việc đô thị hóa nhanh tại TP.Dĩ An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung nên 4.400m2 được cấp cho các thương binh không còn phù hợp cho việc trồng cây dược liệu và làm nhang trên khu đất nên các thương binh chuyển sang làm ki-ốt sửa xe và bán hàng cho người dân địa phương. Trong văn bản, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng khẳng định, khu đất đã giao cho 11 hộ gia đình thương binh, Quân đoàn 4 chưa bàn giao cho địa phương nên Tư lệnh đồng ý cho phép 11 hộ gia đình thương binh làm nhà ki-ốt không kiên cố để làm nơi rửa xe, bán hàng tạp hóa... để phù hợp với kinh tế địa phương.

Ngoài ra, địa điểm xây dựng không vi phạm Luật đường sắt, không vi phạm quy định địa phương. Ngày 18-1-2012, Thiếu tướng Ngừng ra công văn số 270/BTL-DT cho rằng, khu đất cấp cho 11 hộ gia đình thương binh nằm ngoài ranh quy hoạch ga An Bình, phía Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn muốn lấy đất nhưng không bồi thường là trái quy định.

Dù có đất nhưng gia đình thương binh này không thể cất nhà mà chỉ dùng làm bãi phế liệu

3 cấp chính quyền không có bản đồ ga An Bình?

Trong quá trình 21 năm đi kêu cứu khắp nơi, 11 hộ gia đình thương binh phát hiện "cả 3 cấp chính quyền của tỉnh Bình Dương" không có bản đồ quy hoạch chi tiết ga An Bình.

Cụ thể, tại biên bản làm việc ngày 1-2-2021, về việc "giải quyết, xử lý các nội dung sau thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất của Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn liên quan đến 11 hộ dân tại phường An Bình, ông Phạm Văn Ngọ, Chủ tịch UBND phường khẳng định, UBND phường không lưu trữ bản đồ quy hoạch ga An Bình được lập 2013 nhưng các thương binh đều có bản đồ. Trong khi đó, tại các bản đồ: hiện trạng ranh đất, do Quân đoàn 4 vẽ; bình đồ phạm vi ga An Bình; bản đồ địa chính ga An Bình; bản đồ quy hoạch ga An Bình và khu dân cư... đều thể hiện khu đất hơn 4.400m2 nằm ngoài ranh quy hoạch.

Trong khi các thương binh đi kêu cứu, ngày 26-11-2014, Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn mới bố trí nguồn kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ 11 hộ gia đình thương binh. Theo ông Nguyễn Hưng Tạo (thương binh 1/4), Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn cho rằng, ngành đường sắt muốn lấy đất mở rộng ga An Bình phải họp, lấy ý kiến của dân và lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dân. Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn không thể tự quyết mức giá hỗ trợ mà lấy ý kiến từ phía người dân và không dựa vào đơn giá đất bồi thường của địa phương?

Cũng theo ông Tạo, do tốc độ đô thị hóa nhanh tại xã An Bình (nay là phường An Bình), trong báo cáo sơ kết về an ninh trật tự ngày 16-3-2005 của Công an xã An Bình cho biết, Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn xây dựng tường bịt đất của 11 hộ gia đình thương binh và mở đường ngang không lắp đặt đèn tín hiệu, không có barie cảnh báo nên từ năm 2000 đến 2003 tại Km1709+040 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người.

Để hạn chế tai nạn đường sắt xảy ra, tại Km1709+040 Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn đã lấy 1.100m đất của 11 hộ gia đình thương binh cho xây dựng một hầm chui băng qua đường sắt, nhưng không lên phương án đền bù khiến các hộ dân bức xúc.

Ông Nguyễn Hưng Tạo cho rằng, trong bán kính chưa đầy 10km nhưng Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn lập đến 3 nhà ga (ga hành khách Dĩ An, ga An Bình, ga Sóng Thần) và một Xí nghiệp sửa chữa đầu máy toa xe là điều hết sức lãng phí đất công và hoạt động không hiệu quả...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang