Phức tạp kéo dài từ một bản án đã tuyên

Thứ Ba, 10/05/2022 10:42

|

(CATP) Đáo tụng đình là chuyện chẳng đặng đừng, càng đau lòng hơn khi tham gia tố tụng lại là người trong thân tộc. Điều đáng nói, vụ án tưởng chừng quá đơn giản mà phải trải qua 4 phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, kéo dài suốt 10 năm. Mãi đến khi Bản án giám đốc thẩm số 159/2021/DS-GĐT có hiệu lực thì vụ án mới tạm kết thúc. Việc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện chậm thi hành cưỡng chế mà không giải thích thỏa đáng khiến nguyên đơn đồng thời là người bị hại phải chờ đợi mỏi mòn, khắc khoải.

Mới đây, trao đổi với phóng viên, cụ ông Huỳnh Tấn Thới (ngụ TT.Trà Ôn, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) nghẹn ngào cho biết: "Thằng Trọng là cháu ruột của tôi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được tôi đem về nuôi nấng cho tới trưởng thành rồi "dựng vợ, gả chồng", còn cho nó mượn 30m2 đất xây căn nhà cấp bốn để ở. Đến khi tôi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người khác, còn cho nó 50 triệu đồng để di dời. Vậy mà nhận tiền xong, nó cứ lần lữa không chịu đi, rồi xảy ra tranh chấp. Đúng là lòng tham không đáy, chẳng còn nghĩ gì đến tình cốt nhục".

Theo hồ sơ, ngày 9-6-2012, cụ Thới chuyển nhượng cho bà Nguyễn Phạm Kim Hương một phần đất trồng cây lâu năm, với diện tích là 2.055,1m2, gắn liền căn nhà cấp 4 tại thửa số 257, tờ bản đồ số 18 (khu 5, TT.Trà Ôn). Một tuần sau, UBND H.Trà Ôn cấp cho bà Hương Giấy chứng nhận QSDĐ số BI857443. Có giấy tờ hợp pháp trong tay, bà Hương yêu cầu vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Trọng - bà Lý Thị Chi di dời nhà cùng tài sản, trả lại đất cho mình.

Thế nhưng vợ chồng ông Trọng không đồng ý mà cho rằng diện tích 522,9m2 nhà và cây trồng trên đất là do cụ Nguyễn Thị An (bà ngoại của ông Trọng) cho ông này từ năm 1990 (trên thực tế, cụ An qua đời từ năm 1986). Điều đáng nói, ông Trọng không cung cấp được giấy tờ nào hợp pháp đối với phần diện tích trên. Vì thế, bà Hương đã gửi đơn kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) H.Trà Ôn.

Trước những chứng cứ, tính hợp pháp rõ ràng của giấy tờ, theo đó hợp đồng mua bán, tặng cho miếng đất thuộc thửa số 257 giữa bà Hương và cụ Thới hoàn toàn hợp pháp, nên TAND H.Trà Ôn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hương, bác yêu cầu phản tố của vợ chồng ông Trọng - bà Chi. Tại Bản án sơ thẩm số 12/2019/DS-ST, TAND H.Trà Ôn tuyên buộc ông Trọng - bà Chi phải giao căn nhà cấp 4 và các công trình phụ kèm theo trên diện tích 522,9m2 (thuộc thửa 257-1), di dời các căn nhà tiền chế hiện làm quán nước, chỗ sửa xe trên phần đất thuộc thửa 257-2 để trả đất cho bà Hương.

Vợ chồng cụ Thới mòn mỏi chờ thi hành án

Một bản án thấu tình, đạt lý những tưởng sẽ chấm dứt chuỗi tranh tụng kéo dài suốt 8 năm, không ngờ vẫn chưa có hồi kết do những người cầm cân nảy mực ở cấp phúc thẩm không hiểu do "ẩn tình" phát sinh của vụ án, những khuất tất hoặc trình độ nhận thức hạn chế hay là vì biên độ an toàn quá cao (chưa có bộ luật nào chế tài người cầm cán công công lý xử oan sai), mà những người bảo vệ công lý của tòa phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Long lại đưa ra có những quyết định hết sức tùy hứng, cảm tính để cho vụ án đơn giản hóa ra phức tạp khiến người trong cuộc bức xúc. Ngày 6-5-2019, bà Chi gởi đơn kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 179/2019/DS-PT ngày 21-10-2019, TAND tỉnh Vĩnh Long lại chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, chấp nhận cho ông Trọng - bà Chi tiếp tục sử dụng phần đất tách thửa 257-1, có diện tích 522,9m2 và tài sản, cây trồng trên đất.

Phía Viện kiểm sát kháng nghị bản án phúc thẩm trên. Trong Bản án giám đốc thẩm số 159/2021/DS-GĐT ngày 13-5-2021, TAND Cấp cao tại TPHCM nhận định: Có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Hương với vợ chồng cụ Thới là hợp pháp, giấy chứng nhận QSDĐ do UBND H.Trà Ôn cấp cho bà Hương là đúng quy định. Vì vậy, TAND Cấp cao tại TPHCM quyết định chấp nhận Kháng nghị số 61/QĐKNGĐT-VKS-VP ngày 29-1-2021 của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, tuyên hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 179/2019/DS-PT của TAND tỉnh Vĩnh Long, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 12/2019/DS-ST ngày 24-4-2019 của TAND H.Trà Ôn.

TAND Cấp cao đã tuyên rõ ràng như vậy, nhưng đến nay các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa thực thi dù bản án giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật khiến người trong cuộc và dư luận bức xúc đặt câu hỏi: phải chăng tính thượng tôn luật pháp đang bị thách thức, đồng thời cơ quan thực thi pháp luật đang cố tình kéo dài vụ việc để tìm cách lấp liếm những sai phạm của mình, mặc người trong cuộc khổ sở vì phải chờ đợi mỏi mòn, chẳng còn biết phải kêu cứu nơi nào khi niềm tin vào công lý của họ ít nhiều đã bị đánh mất? Bà Hương và cụ Thới bức xúc vì phải chờ đợi thi hành án, sau thời gian rất dài đeo đuổi vụ kiện chính đáng của mình. Dù phóng viên đã liên lạc phỏng vấn, nhưng 49 ngày trôi qua mà Cục THADS tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa trả lời cho câu hỏi vì sao vụ việc đến nay vẫn chưa thi hành án?

Chia tay chúng tôi, cụ Thới hướng đôi mắt ưu buồn chất chứa nỗi đau khi vụ án đơn giản bỗng hóa phức tạp kéo dài một cách nghiệt ngã đẩy vợ chồng cụ sống trong những tháng ngày day dứt không nguôi, thốt lên: "Đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, tôi chẳng biết mình còn sống được đến ngày chứng kiến bản án được thi hành rõ ràng, minh bạch? Thậm chí cả phần đất không bị tranh chấp cũng bị vợ chồng thằng Trọng chiếm luôn, thì thử hỏi các cấp thực thi luật pháp suy nghĩ thế nào? Thiết nghĩ, có sai thì có sửa, không nên cực đoan cũng đừng đợi tới các cấp cao hơn thì mới thi hành. Giá như không có sự bạc bẽo vô ơn của người thân tộc và sự thờ ơ vô trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật thì hẳn vợ chồng tôi đã được an ủi phần nào... Mong lắm thay!".

Bình luận (0)

Lên đầu trang