(CATP) Đó là tình cảnh của ông Lê Quan Ngay (SN 1950), nguyên giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TPHCM). Ở tuổi thất thập, lẽ ra phải nghỉ ngơi thì ông vẫn phải đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để đòi lại 327m2 đất ở có dấu hiệu bị thu hồi trái phép tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
CẤT GIỮ TRÁI PHÉP SỔ ĐỎ CỦA DÂN
Xác nhận của Phòng Nông nghiệp Địa chính H. Bến Lức (tháng 10-2002) cho thấy, nguồn gốc đất có tổng diện tích khoảng 55,7 ha đất nông nghiệp và 5,6 ha đất thổ cư do ông Lê Quan Từ (ông nội của ông Ngay) đứng bộ tại làng Bình Nhựt cũ, nay là X. Nhựt Chánh. Trước năm 1975, ông Từ đã cho một số hộ gia đình cá nhân sử dụng một phần đất thổ cư để ở bằng nhiều hình thức như: cho thuê, cho mượn...
Năm 1955, ông Lê Quan Hồng (là con ông Lê Quan Từ) có cho ông Trần Thu (một người hàng xóm) mượn 180m2 để cất nhà ở và được chính quyền (trước năm 1975) cấp giấy phép xây dựng số 42 (ngày 16-8-1955). Khi sử dụng, ông Thu đã nới rộng thêm thành 327m2.
Đến năm 1995, ông Thu xuất cảnh, Phòng Nông nghiệp Địa chính (NNĐC) H. Bến Lức yêu cầu làm giấy xác nhận nguồn gốc đất. Ông Thu xác nhận có mượn đất và cam kết không tranh chấp quyền sử dụng đất, thể hiện qua "giấy xác nhận chủ quyền đất thổ cư” (ngày 15-10-1995), có xác nhận của trưởng ấp 1 Nguyễn Văn Cầu và Chủ tịch UBND X. Nhựt Chánh Võ Văn Nghĩa. Giấy này ông Thu xác lập với ông Lê Quan Hồng và đại diện các con của ông Hồng là ông Lê Quan Ngay.
Ông giáo già với xấp hồ sơ khiếu kiện
Đến năm 1999, ông Hồng làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo thông báo của X. Nhựt Chánh. Ngày 10-1-2002, ông Hồng được UBND H. Bến Lức cấp GCNQSDĐ số U 864869, diện tích 14.218m2, bao gồm nhiều thửa đất. Trong đó có thửa đất số 21, tờ bản đồ 1-1, diện tích 300m2 đất ở và 27,5m2 đất trồng cây lâu năm.
Thay vì cấp phát sổ đỏ cho ông Hồng thì UBND X. Nhựt Chánh tìm cách cất giữ sổ đỏ số U 864869 cho đến nay. Bị gia đình chủ đất ông Hồng khiếu nại, ông Nguyễn Thanh Liêm - cán bộ địa chính X. Nhựt Chánh đã có văn bản trả lời là "việc cất giữ, không cấp phát sổ đỏ theo lệnh miệng của ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NNĐC (cũ) H. Bến Lức, với lý do: Trừ diện tích đất đã xây dựng khu dân cư chợ Nhựt Chánh và đã trừ luôn diện tích 327m2 đất ở (mà ông Thu đã trả lại cho ông Hồng vào năm 1995)".
Ngày 9-10-2002, ông Lê Văn Thuận ra văn bản tham mưu số 286 bác đơn của ông Hồng về việc đòi lại đất. Trong đó, phía ông Hồng hoàn toàn... không có đơn khiếu nại với ông Thu và UBND xã cũng không hòa giải, hồ sơ khiếu kiện không có lưu, tức là văn bản này có dấu hiệu "tự biên tự diễn" (?!).
Tại thời điểm này, ông Thuận đã vi phạm tại khoản 1, điều 1, Thông tư liên tịch 01/2002 giữa Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tổng cục địa chính (cũ), ban hành ngày 3-1-2002 "hướng dẫn về giải quyết tranh chấp đất đai đã có GCNQSDĐ". Bên cạnh đó là hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai của tỉnh Long An theo quyết định 1906/1998 do UBND tỉnh này ban hành. Theo đó, trường hợp của chủ đất, ông Hồng đã có GCNQSDĐ thì chỉ tòa án giải quyết, ông Thuận hay cơ quan chức năng của H. Bến Lức hoàn toàn không có chức trách (?!).
Những sai phạm này của ông Thuận đã được xác nhận một lần nữa tại văn bản số 3753 (ngày 16-9-2015) do Chủ tịch tỉnh Long An Dương Quốc Xuân ký.
HÀNH TRÌNH KHIẾU NẠI NHỌC NHẰN
Năm 2003, ông Hồng qua đời và để lại giấy ủy quyền, ông giáo Ngay lại tiếp tục tố cáo "hành vi hành chính của ông Lê Văn Thuận khi ra văn bản tham mưu số 286 là vi phạm pháp luật".
Ngày 6-3-2020, tại văn bản trả lời công dân số 214, ông Trần Văn Tươi - Chủ tịch UBND H.Bến Lức đã xác nhận, việc tham mưu của ông Thuận là không đúng quy định: "Ông Thuận thiếu kiểm tra, đối chiếu hồ sơ về trình tự thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã: các bên khiếu nại tranh chấp đất đã được cấp hay chưa được cấp GCNQSDĐ; sai sót khi tham mưu ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, không thể hiện tên người bị khiếu nại". Theo văn bản này, ông Nguyễn Thanh Liêm - cán bộ địa chính X. Nhựt Chánh bị buộc thôi việc, còn ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NNĐC chỉ bị... kiểm điểm.
Diện tích 327m2 mà ông giáo Ngay đi đòi tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An
Không đồng tình về văn bản trả lời của người đứng đầu cấp huyện, ông giáo Ngay tiếp tục tố cáo ông Trần Văn Tươi - Chủ tịch UBND H. Bến Lức lên Chủ tịch UBND tỉnh Long An với ba nội dung: Kéo dài thời gian trả lời, không trả lời đúng nội dung tố cáo và bao che người vi phạm (ông Thuận). Chủ tịch tỉnh Long An đã chuyển đơn của ông giáo Ngay sang Thanh tra tỉnh để làm rõ theo thẩm quyền.
Ngày 4-6-2020, thông báo số 349 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký, gửi người tố cáo là ông giáo Ngay với nội dung "chỉ thụ lý đơn tố cáo ông Trần Văn Tươi vi phạm thời gian tố cáo" (chỉ một trong ba nội dung được ghi trong biên bản làm việc với Thanh tra tỉnh của ông giáo Ngay).
Ngày 20-8-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký thông báo số 490, kết luận nội dung tố cáo giữa ông giáo Ngay với Chủ tịch Tươi là đúng một phần, vì ông Tươi "có hành vi kéo dài thời gian giải quyết tố cáo theo đơn tố cáo đề ngày 16-5-2018 của ông Ngay là 18 tháng" và hình thức chế tài là...họp rút kinh nghiệm?
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Long An giải quyết việc đòi đất của gia đình ông giáo Ngay và làm rõ việc một số cán bộ tại H.Bến Lức có dấu hiệu bao che cho sai phạm.
Luật sư Đỗ Hồi Khanh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc ban hành văn bản tham mưu số 286/2002 trái pháp luật của ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NNĐC (cũ), thuộc UBND H. Bến Lức được coi là vi phạm nghĩa vụ công chức trong thi hành công vụ theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Theo quy định tại Điều 34, Nghị định 40/2010 "về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật" thì, đối tượng để xem xét trách nhiệm kỷ luật bao gồm tập thể cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; cá nhân người đứng đầu cơ quan... Theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 35/2005 là cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ có hành vi vi phạm.