Từ tháng 10-1977 đến tháng 10-1979, ông Tý rời quê ở huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội lên đường vào Tây Nguyên, là thanh niên xung phong (TNXP) thuộc đơn vị tiền trạm, khảo sát, xây dựng Vùng kinh tế mới 1976-1979 tại Lâm Đồng. Sau thời gian này, người cựu TNXP khai hoang, lập nghiệp trên vùng quê mới.
Theo giấy xác nhận của ông Trịnh Văn Kênh (nguyên Chủ nhiệm HTX Phúc Thọ 3, lập ngày 05-4-2011) thì, ông Kênh là người trực tiếp dẫn 125 hộ dân từ Hà Nội vào xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà đi kinh tế mới. Năm 1986, ông Kênh trực tiếp đi đo và cấp đất, trong đó có hộ ông Tý, bề rộng 80 mét, từ vùng sinh lầy đến mặt đường, chiều sâu chừng 150 mét, khoảng 12 nghìn m2.
Ngoài ra, ông Nguyễn Gia Tình (nguyên thường vụ Đảng ủy Vùng kinh tế mới Hà Nội, lập ngày 05-4-2011) cũng khẳng định, tháng 4-1985, gia đình ông Tý có mặt tại HTX Phúc Thọ 3 (nay là xã Phúc Thọ), là những người bám trụ khai hoang đầu tiên, được cấp đất. Khi đó, chủ trương chung là giao đất bằng miệng, không lập thành văn bản.
Ông Trịnh Văn Tý và hồ sơ vụ việc
Từ năm 1986 đến năm 1997, gia đình ông Tý khai hoang, canh tác trên nhiều thửa đất, với diện tích 12 nghìn m2. Cuối năm 1997, UBND xã Phúc Thọ ra văn bản tạm đình chỉ canh tác trên diện tích đất của ông Tý vì “dính” quy hoạch trường tiểu học với diện tích 3.800 m2. Ông Tý khiếu nại thì năm 2008, Thanh tra huyện Lâm Hà kết luận “việc quy hoạch trường tiểu học chỉ là quy hoạch miệng, không có giấy tờ, văn bản”. Bên cạnh đó, văn bản số 08/1995 của UBND xã Phúc Thọ quy hoạch 3 ha là vi phạm Luật Đất đai 1993 vì không có thẩm quyền. Hơn nữa, diện tích 3 ha không nằm trong diện tích mà gia đình ông Tý đang canh tác nên gia đình ông vẫn tiếp tục canh tác và kê khai sử dụng đất.
Sau đó, gia đình ông Tý canh tác liên tục đến nay trên ba thửa đất: 358, 359 và 551, tờ bản đồ số 33. Trong thời gian năm 2001- 2002, diện tích 70 mét chiều ngang mặt tiền đường của ông Tý bị “bốc hơi” 14 mét (tại thửa 551, diện tích 3.800 m2) khi được cấp sổ đỏ cho bà Giản Tố Nga, vào ngày 19-5-2003. Năm 2002, diện tích 3.800 m2 được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường mẫu giáo Phúc Thọ nhưng ngày 19-6-2017 đã thu hồi.
Đầu năm 2016, gia đình ông Tý xây xong móng của nhà ở trên thửa 551, diện tích 3.800 m2 thì UBND xã Phúc Thọ phạt hành chính bốn triệu đồng vào ngày 14-5-2018. Ngày 21-6-2016, UBND huyện Lâm Hà ra quyết định (QĐ) số 1463 do Chủ tịch huyện Nguyễn Đức Tài kí “cưỡng chế thi hành QĐ xử phạt vi phạm hành chính”. Ngày 27-4-2018, UBND huyện lại ra QĐ số 1538 do Chủ tịch huyện Nguyễn Đức Tài kí “hủy QĐ cưỡng chế số 1463”. Ngày 05-6-2018, UBND xã Phúc Thọ ra QĐ số 80 do Chủ tịch xã Nguyễn Tài Phương (nay là Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường) kí để “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”. Tiếp theo, ngày 15-3-2022, UBND huyện Lâm Hà ra QĐ số 687 do Chủ tịch huyện Hoàng Sỹ Bích kí “thành lập đoàn hỗ trợ cưỡng chế thi hành QĐ cưỡng chế”. Tháng 5-2022, gia đình ông Tý bị cưỡng chế trên diện tích khoảng 300 m2 nhà ở, toàn bộ diện tích đất là 3.800 m2 (chưa trừ lộ giới) tại thửa đất số 551, tờ bản đồ số 33.
Trước đó, vào tháng 5 - 2019, UBND huyện ra QĐ số 1344 “phê duyệt phương án phân lô trường mẫu giáo Phúc Thọ” và tháng 9 - 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có QĐ số 1951 “phê duyệt giá khởi điểm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất”. Như vậy, toàn bộ diện tích đất 3.800 m2 tại thửa đất số 551, tờ bản đồ số 33 (mà ông Tý cho rằng đã canh tác liên tục từ năm 1986) được phân thành 12 lô đất, có giá khởi điểm 1,359 triệu đồng/m2 và 1,942 triệu đồng/m2, tổng số tiền cấp huyện thu được chừng 5,6 tỷ đồng.
Ông Tý thắc mắc: “Tại sao việc xây nhà của gia đình tôi bắt đầu và hoàn thành từ năm 2016, nhưng đến năm 2022 mới thực hiện cưỡng chế (sáu năm sau)?! Ngày 05-6-2018, UBND xã Phúc Thọ ra QĐ số 80 để cưỡng chế khi đã hết thời hiệu có dấu hiệu sai đúng thẩm. Cùng ba thửa đất được khai hoang từ năm 1986 liên tục cho đến nay nhưng hai thửa thì được cấp sổ, còn diện tích đất 3.800 m2 tại thửa đất số 551 lại không?”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), Phó chủ tịch Hội luật gia TP. Hồ Chí Minh
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), Phó chủ tịch Hội luật gia TP. Hồ Chí Minh nhận định, UBND huyện Lâm Hà thu hồi đất của ông Tý để thực hiện “phương án phân lô trường mẫu giáo Phúc Thọ”, trường hợp này được xem là thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Để thực hiện việc thu hồi trong trường hợp này, trước hết UBND huyện Lâm Hà phải xác định ông Tý có thuộc diện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất hay không.
Căn cứ vào quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013, trong trường hợp ông Tý có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai thì vẫn thuộc trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Theo Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trước khi thực hiện thu hồi đất thì UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, sau đó lập, thẩm định, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Ông Tý không được UBND huyện Lâm Hà thông báo về việc sẽ thu hồi đất của ông để phục vụ cho việc xây dựng trường mẫu giáo và cũng không hề xây dựng phương án hỗ trợ, bồi thường cho trường hợp của ông, chỉ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của ông Tý. Như vậy, việc UBND huyện Lâm Hà thực hiện việc cưỡng chế đối với ông Tý trong hợp này là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.