(CAO) Một thửa đất 8.000m2 của người dân bỏ tiền ra mua hợp pháp suốt 35 năm nay bổng dưng “biến” thành tài sản của người khác. Khổ chủ đã kêu cứu gần 20 năm trời. Năm 2020, đương sự chết, để di chúc lại cho con cháu tiếp tục khiếu nại. Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo UBND TPHCM “giải quyết dứt điểm theo quy định pháp luật”. Bộ TN-MT cũng yêu cầu căn cứ vào “tài liệu chứng minh nguồn gốc đất để xử lý” nhưng không hiểu sao vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ
Ngày 25-8-2022, ông Nguyễn Văn Cư (SN 1966, ngụ tại P.Tân Phong, Q7) được ông Trần Văn Công (SN1942) di chúc đã đến Báo CATP gửi đơn kêu cứu về việc tài sản gần 8.000m2 đất của gia đình mình tại KP1, P.Tân Phong, Q7 hàng chục năm nay bị “treo” một cách vô lý, trong khi gia đình ông có đầy đủ tất cả các cơ sở pháp lý để chứng minh nguồn gốc tài sản của mình.
Vụ việc bắt đầu từ năm 1978, ông Công có nhận mua thửa đất diện tích khoảng 10.000m2 của ông Trương Ngọc Thạch (SN 1955 tại Sài Gòn) tại số 299/6 Lê Văn Lương. Việc mua bán này được Phòng Công chứng Gia Định xác nhận lại ngày 12-10-2009 là “ông Thạch đã bán cho ông Công từ năm 1978”. Sau hơn 20 năm cùng gia đình canh tác, ông Công được UBND phường Tân Phong xác nhận đứng tên kê khai năm 1999. Tháng 8-2003, ông Công tự bỏ tiền xây dựng một cái am đặt tên là “Tịnh Thất Ngọc Quy” để tu tại gia và bị UBND Q7 hai lần xử phạt hành chính về việc vi phạm xây dựng với công trình này.
Thời điểm trên, TPHCM triển khai dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ và thu hồi 2.000m2 đất của ông Công để làm đường. Tuy nhiên quá trình khảo sát, đền bù, Ban bồi thường thấy ông Công có xây một số pho tượng nhỏ nên đã có văn bản hỏi ý kiến của Thành hội Phật giáo về trường hợp nói trên. Ngày 07-01-2003 Thành hội đã trả lời “Tịnh thất Ngọc Quy được xây dựng từ năm 1978 và đã gia nhập Giáo hội”.
Ông Công nói đây là điều không đúng sự thật vì nguồn gốc đất do gia đình ông bỏ tiền mua, công trình ông tự bỏ tiền xây và chưa gia nhập bất cứ tổ chức tín ngưỡng nào và cũng không hiến tặng cho ai. Vụ việc hy hữu đã đưa ông Công vào vòng xoáy kiện tụng gần 20 năm để đến khi chết vẫn chưa được giải quyết.
Thửa đất của ông Công thưa kiện kéo dài gần 20 năm
TẠI SAO VỤ VIỆC BỊ “NGÂM” QUÁ LÂU?
Từ đó, gia đình ông Công xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ và nhận bồi thường đều không được. Từ năm 2003, ông Công và gia đình khiếu nại đến rất nhiều nơi. Ngày 05-9-2017, Thanh tra Bộ TNMT có Công văn số 678/ TTR-TDXLĐT gửi UBND TP.Hồ Chí Minh đề nghị giải quyết theo nguồn gốc sử dụng đất.
Gần 20 năm qua, gia đình ông Công liên hệ với các cơ quan chức năng của Q7, Thành phố để trích lục hồ sơ, chứng từ nhằm xác minh nguồn gốc đất của ai? Và tất cả hồ sơ chỉ có: “Giấy mua bán đất” của ông Công năm 1978 (công chứng xác nhận lại người bán, người mua năm 2009) và kê khai đất năm 1999 của ông Công”. Ngoài ra có hơn 30 hộ gia đình sống ở Nhà Bè, Q7 từ sau năm 1975 đều xác nhận đất do ông Công mua và tạo lập, xây dựng từ năm 1978 đến nay. Theo thông tin từ Sở TNMT trong nhiều cuộc họp, đại diện các bên cũng khẳng định ông Công và gia đình đã bỏ số tiền ra là 10 cây vàng để mua đất, tài sản trên đất.
Năm 2020, ông Trần Văn Công qua đời và đã để lại di chúc cho cháu là Nguyễn Văn Cư tiếp tục khiếu nại. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, ông Cư đã đồng ý để lại hơn 1.800m2 hiện đã xây am, còn 6.000m2 trả lại cho gia đình ông làm giấy tờ. Căn cứ vào nguồn gốc đất, ngày 01-9-2020, UBNDTP có Công văn chỉ đạo Sở TNMT phối hợp với gia đình ông Cư và các bên liên quan để phân chia theo nguyện vọng. Nhưng đến nay Thành hội không đến xử lý.
Ông Nguyễn Văn Cư gửi đơn khiếu nại tại Chuyên đề CATP
Ngày 01-12-2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10041/ VPCP-V.i truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TPHCM giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng trong tháng 3-2021. Ngày 21-12-2020, UBND TPHCM có Công văn khần số 490/UBND-NCPC gửi Ban trị sự Thành hội và Giám đốc Sở TN&MT. Nội dung giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai trong tháng 02-2021 và báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ... nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Đây là vụ việc tranh chấp kéo dài, nguồn gốc đất rõ ràng, Phó thủ tướng đã chỉ đạo, thanh tra bộ TNMT cũng đề nghị xử lý nguồn gốc đất theo pháp luật. Người dân rất mong UBNDTP căn cứ vào quy định pháp luật giải quyết dứt điểm tránh phát sinh vấn đề phức tạp về ANTT.