Xung quanh việc đập bỏ 21 căn nhà xây không phép tại Đồng Nai:

Nơi quyết liệt xử lý, nơi làm ngơ?

Thứ Hai, 05/09/2022 09:03

|

(CATP) Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện lập lại trật tự xây dựng, cương quyết đập bỏ hàng trăm công trình xây dựng không phép, trái phép. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm công trình xây dựng không phép tồn tại, khiến cho dư luận không khỏi bức xúc.

Đã cưỡng chế hàng trăm trường hợp...

Cuối tháng 8-2022, tại phường Phước Tân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), lực lượng chức năng đã thực hiện việc cưỡng chế đập bỏ 21 căn nhà xây dựng không phép để trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Hòa trong tiếng máy xe xúc ầm ào tháo dỡ nhà cửa là tiếng thở dài của những chủ nhà. Dù muốn hay không, họ cũng phải chấp hành các quy định của pháp luật về việc phá bỏ những căn nhà xây dựng không phép. Song điều khiến người dân không khỏi chạnh lòng là bởi chủ nhân của những căn nhà này đều là những công nhân lao động và phần lớn trong số họ đang làm tại các nhà máy, khu công nghiệp. Một số khác buôn bán, làm thuê, làm mướn. Quá trình tích cóp làm công nhân, họ mơ ước xây dựng một căn nhà nhỏ (cấp 4) có chỗ ở tốt hơn, thoát khỏi những khu nhà trọ ẩm thấp, nhếch nhác. Thế nhưng, vì xây dựng trái phép, nên căn nhà (là tài sản lớn) của họ đã bị cưỡng chế.

Với một tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển công nghiệp, hiện Đồng Nai có tổng số công nhân, người lao động làm việc trong 31 khu công nghiệp trên địa bàn lên đến 700.000 người. Trong đó, số lượng người lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50%. Trong những năm qua, trước sức ép gia tăng dân số cơ học tại tỉnh Đồng Nai, nhu cầu về nhà ở của người dân lại tăng cao. Chính vì vậy, tình trạng xây dựng nhà không phép và trái phép ở nhiều nơi trong tỉnh đã diễn ra hết sức phức tạp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2018 đến năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 681 trường hợp xây dựng trái phép, không phép; 388 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; 25 dự án vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, tại địa bàn TP.Biên Hòa cũng như các huyện (Trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành...) đã nỗ lực lập lại trật tự xây dựng, qua đó thực hiện cưỡng chế hàng trăm công trình xây dựng nhà ở trái phép để trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Dãy nhà phố xây dựng trái phép tại dự án Vina Park

Ông Vương Huy Đào - Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, trước tình hình xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch có dấu hiệu gia tăng, liên tục trong thời gian qua lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. "Nếu chúng tôi không thực hiện nghiêm việc lập lại trật tự đô thị, không thực hiện cưỡng chế các căn nhà xây dựng trái phép, không phép, thì... cấp trên sẽ xử lý trách nhiệm chúng tôi ngay!" - Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân Vương Huy Đào chia sẻ.

... Vẫn còn những 'lâu đài, biệt phủ' tồn tại

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã ra quân cưỡng chế hàng trăm trường hợp xây dựng trái phép và không phép. Thế nhưng, hiện còn không ít những công trình xây dựng trái phép, xây dựng không phép, vẫn đang "tồn tại", khiến cho dư luận không khỏi đặt vấn đề về tính thống nhất thực thi các chỉ đạo của tỉnh này. Đồng thời, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không có sự bao che, lợi ích nhóm trong xây dựng trái phép, không phép, bất chấp các quy định của pháp luật?

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, năm 2021, tòa lâu đài "khủng" có diện tích trên 6.000m2, do ông Phạm Văn Hà (Bí thư Đảng ủy phường Tam Phước, TP.Biên Hòa, nay đã về hưu) xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (tại ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã gây bất bình trong dư luận. Đến nay, sau hơn một năm "tòa lâu đài" ấy tiếp tục xây dựng, nhưng cơ quan chức năng huyện Long Thành vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm. Phải cưỡng chế tháo dỡ trả lại hiện trạng đất ban đầu hay hợp thức hóa cho sai phạm của "tòa lâu đài" này đang là vấn đề dư luận quan tâm.

Hay như dự án khu dân cư Tân Thịnh (dự án Vina Park tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), Công ty LDG đã sử dụng đất trên thực địa khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý giao đất, cho thuê đất để xây dựng hàng trăm căn biệt thự và nhà phố. Thời điểm vi phạm từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2020, LDG đã xây dựng hoàn thiện phần thô 488 biệt thự và nhà phố liền kề.

Công trình này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6,3 tỷ đồng và chỉ đạo thanh tra toàn diện từ tháng 6-2021... cho đến nay, công trình vẫn tiếp tục tồn tại. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao gần 500 căn biệt thự và nhà phố liền kề xây dựng trái phép tại dự án Vina Park (thuộc địa bàn xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) đến nay vẫn tồn tại?

Trao đổi phóng viên về vấn đề trên, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Văn phòng luật sư Tri Ân, TP.Biên Hòa) cho biết, "việc các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 21 công trình nhà ở xây dựng trái phép tại phường Phước Tân, TP.Biên Hòa vừa qua là việc làm kiên quyết nhằm chấn chỉnh các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, thông tin trên cũng làm cho rất nhiều người dân thắc mắc về một số công trình xây dựng trái phép có quy mô lớn hơn rất nhiều và đã bị phát hiện nhiều năm nhưng vẫn đang tồn tại?.

Điều 16 của Hiến pháp quy định rõ: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Do vậy, thiết nghĩ, chính quyền đã kiên quyết xử lý đối với các công trình xây dựng trái phép ở Phước Tân thì cũng cần tiếp tục kiên quyết mạnh tay, xử lý dứt điểm với những công trình khác, để đảm bảo công bằng xã hội và để giữ gìn kỷ cương phép nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang