(CATP) Tin tưởng "cò” nhà đất, một cặp vợ chồng đã giao đủ tiền để mua một phần thửa đất và căn nhà tại quận 12, TPHCM. Tuy nhiên, sau khi giao dịch xong, mới biết căn nhà trên đang do một người khác quản lý, sử dụng và đứng tên chủ quyền. Kết quả, họ không thể vào được căn nhà mới, trong khi người bán thì biệt "tăm hơi".
Qua lời giới thiệu của người em họ là ông Nguyễn Văn Lục (hành nghề môi giới nhà đất), ngày 05/5/2021, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1962) và bà Đào Thị Kha (SN 1965, cùng ngụ Q12, TPHCM) có thỏa thuận chuyển nhượng của vợ chồng ông Đinh Công Chức (SN 1970) và bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1970, cùng ngụ tại P.Tân Chánh Hiệp, Q12) một phần thửa đất số 146, tờ bản đồ số 29 (theo TL2005) và tài sản gắn liền với đất là căn nhà cấp 4 kết cấu tường gạch, mái tole, nền gạch tại địa chỉ 160/2 đường TCH13, KP4, P.Tân Chánh Hiệp, Q12. Giá thỏa thuận chuyển nhượng là 1,6 tỷ đồng, vợ chồng ông Tiến - bà Kha đặt cọc trước 300 triệu đồng.
Ngày 28/5/2021, hai bên cùng nhau ra Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn (TPHCM) để ký giấy chuyển nhượng và thanh toán đủ số tiền còn lại là 1,3 tỷ đồng, có người làm chứng là bà Nguyễn Thị Hằng (em gái ông Tiến), cũng là người trực tiếp cầm số tiền đến và giao cho vợ chồng ông Chức - bà Thanh. Trong giấy tờ khi lập vi bằng chỉ thể hiện có 500 triệu đồng. Ông Tiến thắc mắc tại sao ông Lục lại soạn hợp đồng với số tiền ít thì ông Lục nói "ghi ít để đỡ nộp thuế". Do không hiểu biết về pháp luật về đất đai nên vợ chồng ông Tiến - bà Kha đã tin tưởng vào "kinh nghiệm" của ông Lục. Trong quá trình giao dịch và mua bán, ông Lục là người trực tiếp làm việc với bên bán về thông tin và pháp lý tài sản trên là không tranh chấp, không thế chấp với bên thứ ba.
Tuy nhiên, khi ông Tiến - bà Kha vừa nhận nhà được 7 ngày thì bất ngờ căn nhà mới bị cắt điện và nước. Thắc mắc về chuyện điện nước bị cắt, ông Tiến được ông Lục cho biết: "Do đồng hồ điện của chủ nhà trước sử dụng không đóng tiền nên bị điện lực cắt". Bà Hằng (em gái của ông Tiến) có chuyển cho ông Lục 22 triệu đồng để đóng tiền và xin mở lại điện như lời yêu cầu của ông Lục. Thế nhưng, sau nhiều lần nhân viên điện lực xuống khảo sát mà không mắc điện, ông Tiến - bà Kha đã gọi điện trực tiếp lên tổng đài, yêu cầu điện lực xuống trực tiếp làm việc tại số nhà 160/2 đường TCH13. Lúc này, vợ chồng ông Tiến mới biết căn nhà này đang bị tranh chấp với chủ nhà là vợ chồng ông Hiển, bà Nguyệt. Vợ chồng ông Hiển, bà Nguyệt cũng là người đang trực tiếp quản lý căn nhà trên.
Bà Kha bên căn nhà đang bị tranh chấp
Sau đó, ông Tiến đã liên lạc với người bán là ông Chức - bà Thanh để trao đổi, nhưng họ từ chối gặp mặt và chỉ nói chuyện một lần qua điện thoại. Qua cuộc trò chuyện, phía bên bán cho biết, ông Lục có nhận được 200 triệu đồng từ cuộc giao dịch, sau đó tắt máy, cắt liên lạc.
Do bỏ ra số tiền lớn để mua nhà nhưng không được vào ở, ngày 08/3/2022, bà Kha đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Q12, yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tiến - bà Kha với ông Chức - bà Thanh (được lập ngày 28/5/2021), trả lại số tiền 1,6 tỷ đồng và cộng với lãi suất ngân hàng cho đến trước ngày phiên tòa được đưa ra xét xử.
Đến ngày 29/4/2022, vợ chồng ông Tiến - bà Kha có đến căn nhà trên thì thấy cửa nhà lúc này đã bị hàn kiên cố, không thể mở được. Bất lực trước tình cảnh nhà không vô được, tiền có nguy cơ bị mất, ông Tiến - bà Kha gởi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Thế nhưng, đến nay sự việc vẫn không có tiến triển gì khiến hai vợ chồng lo lắng "mất ăn, mất ngủ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên và cập nhập trên hệ thống các văn phòng công chứng (thuộc Sở Tư pháp TPHCM) thì căn nhà trên vẫn do ông Hiển - bà Nguyệt đứng tên trên "sổ hồng". Một cán bộ của Công an P.Tân Chánh Hiệp cho biết, từng xảy ra tranh chấp tại căn nhà này, Công an phường đã có mặt để vãn hồi trật tự. Địa phương đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa án để giải quyết quyền lợi.
Thời gian gần đây, tại một số nơi tình trạng mua bán nhà đất bằng vi bằng diễn ra rất rầm rộ. Hậu quả vô cùng nghiêm trọng khi hàng trăm trường hợp mua nhà nhưng không được giao hoặc không làm được giấy tờ và có nhiều trường hợp mất trắng. Bởi, những người này cũng như cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến và bà Đào Thị Kha không am hiểu pháp luật nên lâm vào tình cảnh khốn cùng. Theo quy định pháp luật, vi bằng chỉ là một trong những nguồn chứng cứ giữa các bên khi tranh chấp và vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.