(CATP) Xây dựng TPHCM tươi đẹp văn minh xứng đáng với danh hiệu "Hòn ngọc Viễn đông" một thời, là ước mơ chung của nhiều người. Bởi thế, dự án đầu tư 1.000a tỉ đồng lát đá hoa cương vỉa hè 134 con đường của trung tâm quận 1 là một phát kiến đáng trân trọng. Tuy nhiên, có nên đầu tư số tiền lớn chỉnh trang vỉa hè và dùng chất liệu đá hoa cương để lát vỉa hè, là điều cần cân nhắc.
Có nên chọn vỉa hè là điểm nhấn?
Mục tiêu nhắm đến của dự án hẳn là tạo điểm nhấn cho bộ mặt sinh hoạt của thành phố. 134 con đường lát đá hoa cương là hình ảnh sang trọng, nhưng điểm nhấn bộ mặt đô thị không chỉ là sự sang trọng mà còn cần phù hợp với những giá trị khác như tiện ích, sự thân thiện môi trường, sự hài hòa với bối cảnh chung quanh. Chính vì vậy, giữa việc làm mới vỉa hè với những phương thức khác để tạo điểm nhấn như phủ xanh không gian từ mặt đất đến tầng cao hay cải thiện dịch vụ vệ sinh công cộng... cần cân nhắc lại.
Một kinh nghiệm rất gần là thủ đô Hà Nội đã từng hai lần khởi động dự án làm mới vỉa hè vào năm 2013 và 2015, nhưng dư luận Hà Nội không đồng thuận vì hai lý do cơ bản: về giao thông, mỹ quan đô thị Hà Nội cần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách hơn là lát mới vỉa hè; thứ hai là ngân sách chưa dồi dào cho một công trình như vậy.
Vương quốc Anh hay Đảo quốc Singapore giàu có, nhưng hiếm thấy nơi nào lát vỉa hè bằng đá hoa cương, vẫn có sức hút mê hồn với du khách bởi màu xanh và sự sạch sẽ. Ngược lại, khu Makati của Philippine sang trọng với đại lộ thênh thang, những cao ốc ngút trời như NewYork của phương Đông nhưng lại lẻ loi và có phần đối lập với phần còn lại của Manila vẫn còn nhếch nhác.
Vỉa hè của TP Bath (Anh)
Ngay trong 134 con đường của quận 1, có những con đường vẫn còn giữ nét kiến trúc cổ, cần được bảo tồn về cảnh quan thì việc lát mới vỉa hè bằng đá hoa cương cũng không phải là ưu thế mà còn có thể phá vỡ bối cảnh cổ kính của nó.
Từng đi qua các đường phố chính của Bắc Kinh rộng thênh thang mỗi chiều sáu đến tám làn xe, những khu nhà kiến trúc hiện đại, sang trọng nhưng đồng dạng như đàn gà công nghiệp, tôi không cảm nhận được cái đẹp mà như rơi vào tâm trạng lạnh lẽo buồn chán của con phố vô hồn. Tôi không hình dung được không gian đồng dạng của 134 con đường lát đá hoa cương có rơi vào thực trạng đó không?
Vẻ đẹp sang trọng hay vết đen lạm dụng môi trường?
Xét trên góc độ môi trường cần cân nhắc là có nên dùng đá hoa cương lát vỉa hè trên diện rộng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh HK sau nhiều năm định cư ở Mỹ khi về Việt Nam nhìn thấy những ngôi nhà ốp đá hoa cương cứ suýt xoa vừa ngưỡng mộ, vừa tiếc nuối: “Việt Nam bây giờ giàu quá! Bên Mỹ không dám xài đá hoa cương rộng rãi như vầy đâu!”.
Dĩ nhiên không phải người Mỹ nghèo hơn người Việt, cũng không phải người Mỹ không dám ăn xài, nhưng vấn đề là thái độ với môi trường. Xã hội Mỹ cũng như những nước tiến bộ khác rất tiết kiệm, rất quý trọng các nguyên liệu từ tự nhiên. Ngay cả trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng chủ yếu là từ chất liệu nhân tạo, tổng hợp. Đành là đá hoa cương Bình Định là vật liệu tự nhiên có sẵn trong nước, nhưng nguồn đá ấy không phải là vô tận.
Việc TPHCM lát vỉa hè bằng đá hoa cương có thể kích hoạt một “phong trào”, một xu thế sang trọng “hoa cương hóa vỉa hè”, tạo ra làn sóng tận dụng khai thác đá hoa cương. Chúng ta đã “lạm sát” rừng, biển, nạo vét các dòng sông và có thể sẽ kích hoạt “lạm sát” đến đá hoa cương. Mọi sự tác động đến môi trường đều phải trả giá, bằng tác động ngược của môi trường.
Với thị hiếu của du khách cũng cần cân nhắc và tham khảo, liệu một trung tâm Sài Gòn có vỉa hè sang trọng bằng đá hoa cương có là điểm nhấn thu hút du khách, hay là một nốt đen về lạm dụng môi trường. Tiêu chuẩn về cái đẹp của thế giới hiện đại không chỉ khắt khe về giá trị thẩm mỹ mà còn đòi hỏi giá trị nhân văn, sự thân thiện môi trường. Phố Arbat ở Moskva hấp dẫn du khách khắp thế giới không phải do sự sang trọng của vỉa hè, mà chính nhờ sự cổ kính và sinh hoạt văn hóa truyền thống của nó. Sát nách chúng ta, thành phố Chiengmai của Thái Lan nổi tiếng chính nhờ những công trình cổ, trong đó có con đường cổ lót bằng gạch đất nung.
Một phố cổ ở thủ đô London (Anh)
Sài Gòn ngay trong thời Hòn ngọc Viễn đông cũng không phải ở chỗ giàu sang hoa lệ, vì không thể so với Hong Kong hay Macao về mức đô thị hóa. Sài Gòn thời đó đẹp với những con đường xanh mát, những biệt thự có khuôn viên với những lá phổi xanh Vườn Tao Đàn, Thảo Cầm Viên với chợ Bến Thành duyên dáng. Cái đẹp, điểm nhấn cho Sài Gòn bây giờ không chỉ là tiền, là cao ốc bê tông, mà cần là nét đẹp trí tuệ, giá trị nhân văn và thân thiện môi trường.
Trong khi còn rất nhiều con hẻm nhỏ bề ngang chừng 1m, sâu hun hút, nằm trên các đường Phạm Ngũ Lão, Cô Giang, khu Mả Lạng... tại Q1, bên trong nhà dân chen chúc đông đúc, chật hẹp, đi lại khó khăn, nguy cơ cháy nổ rất cao. Những nơi này rất cần kinh phí cải tạo, mở rộng, nâng cấp để bảo đảm an sinh cho dân, góp phần đưa Q1 xứng tầm khu trung tâm của thành phố.
Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, quận vừa thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, lát đá granite, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả các tuyến đường trên địa bàn và chuẩn bị báo cáo UBND TPHCM để xin phép thực hiện.
Đây là đề xuất của một số doanh nghiệp, cũng như người dân trên địa bàn quận 1 để xây dựng hệ thống vỉa hè ở trung tâm thành phố khang trang hơn. Các doanh nghiệp cam kết sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư và quận sẽ trả chậm trong 3-5 năm, không tính lãi suất với tổng số vốn ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đá granite dự kiến được sử dụng, giống như loại đá đã được lát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo kế hoạch trong quý 2/2016 sẽ làm thí điểm trước ở 5 đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris), các tuyến còn lại sẽ đầu tư sau. Dự án kéo dài trong 3 năm từ 2016 đến 2019.
Theo UBND quận 1, hiện quận quản lý 936.000m2 vỉa hè thuộc 134 tuyến đường. Ngoài một số rất ít tuyến đường đã cải tạo vỉa hè như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Duẩn... đều làm bằng đá hoa cương, hầu hết vỉa hè còn lại rơi vào tình trạng lởm chởm, xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan đô thị.
|
|
Ông Nguyễn Văn Tiến - giảng viên trường Đại học Luật tphcm: Giải tỏa nạn hàng rong tạo an ninh du lịch
Mấy ngày nay, tôi cũng nghe dư luận bàn tán về việc quận 1 sẽ chi 1.000 tỷ đồng đầu tư lót đá hoa cương tại các vỉa hè khu vực trung tâm. Tôi cho rằng đây là chủ trương nên được xem lại, vì địa phương cần phải trả lời câu hỏi “nhu cầu đầu tiên mà quận 1 đang muốn giải quyết là gì?”. Thay vì phải bỏ một số tiền lớn gây lãng phí thì chính quyền quận 1 cần quan tâm đến những vấn đề bức thiết hiện nay có liên quan đặc biệt đến sự phát triển dân sinh. Trong số đó, tình hình giao thông (sửa chữa đường sá, chấn chỉnh lòng lề đường, giảm kẹt xe...) và an ninh trật tự tại đây cần được chú trọng.
Du lịch quận 1 hiện đang được xem là bộ mặt phát triển chung của thành phố nên phải được quan tâm đúng mức. Tôi cho rằng việc bỏ ra số tiền lớn để lót đá hoa cương cũng không phải là điều đáng chê trách, nhưng trong thời điểm này, điều đó chưa thật sự cần thiết và dĩ nhiên sẽ không nhận được sự đồng tình từ phía người dân. Vấn đề cần phải được giải quyết rốt ráo là làm sao đảm bảo an ninh cho du khách để họ có cái nhìn thiện cảm về thành phố, thông qua việc lập lại trật tự lòng lề đường, giải quyết nạn hàng rong, chèo kéo, đeo bám khách du lịch hay tìm ra giải pháp để hạn chế tối đa nạn cướp giật tài sản của du khách nước ngoài. Chính những điều này mới giúp cho du lịch của quận 1 nói riêng và thành phố nói chung phát triển một cách tốt nhất.
|
|
Ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TPHCM: Ba lý do không nên lát đá trên diện rộng
Ý tưởng chỉnh trang đô thị quận một là tích cực, nhưng theo tôi có ba lý do không nên lát đá hoa cương vỉa hè trên diện rộng vì có ba lý do: Thứ nhất, theo khoa học quản lý đô thị người ta quan tâm đến việc thoát nước, thấm nước cho đô thị, vì vậy ưu tiên lựa chọn vật liệu lát lề đường vỉa hè là các loại vật liệu thấm nước càng nhiều càng tốt. Việc thấm nước vừa giúp chống ngập úng cho đô thị vừa cung cấp nước cho cây xanh, hoàn trả nước cho các nguồn nước ngầm trong lòng đất.
Nguyên nhân thứ hai là hiện nay các công trình ngầm dưới lòng đất như điện, đường ống cấp, thoát nước của TP chưa hoàn thiện, việc đào đường, lề đường, vỉa hè đang diễn ra thường xuyên và chắc sẽ còn kéo dài. Vì vậy, đầu tư số tiền khá lớn, dùng vật liệu đắt tiền như đá hoa cương để làm vỉa hè, sẽ gây lãng phí khi bị đào cắt để sửa chữa.
Thứ ba là trước thực trạng bộ mặt nói chung và giao thông đô thị TP hiện còn nhiều vấn đề bức xúc, căn bản hơn cần tập trung đầu tư, thí dụ như thiếu cầu vượt đường đi bộ ở các giao lộ trung tâm, hệ thống đèn báo, đường chật hẹp, lòng lề đường bị lấn chiếm... Để đầu tư hiệu quả cần dành vốn tập trung cho các phương tiện này, trước hết bảo đảm trung tâm TP phải thật sự thông thoáng, an toàn, tiện lợi cho giao thông đã là bước tiến dài cho trật tự, mỹ quan của đô thị.
|
|
Ông Lê Minh Tiến - giảng viên Xã hội học: Nên cân nhắc việc lát đá mới
Cũng như mọi ý tưởng góp phần làm sạch đẹp đô thị khác, lãnh đạo Quận 1 (TPHCM) muốn lát đá granite toàn bộ vỉa hè trên địa bàn quận cũng là một ý tưởng tích cực. Tuy nhiên, việc bỏ ra đến 1.000 tỷ đồng dù là vay trả chậm với lãi suất thấp thì cần phải được cân nhắc lại. Bởi vì trong bối cảnh ngân sách nói chung hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, thì việc bỏ ra một khoản kinh phí lớn như vậy là điều cần phải suy nghĩ.
Mặt khác, để địa phương hay một địa bàn nào đó có bộ mặt đẹp thì cần phải xem đâu là những yếu tố quan trọng nhất của cái đẹp ấy. Lát đá mới thì cũng đẹp nhưng nếu kiến trúc nói chung còn xô bồ, tình trạng nghèo đói, ăn xin, tội phạm, kẹt xe... vẫn còn gây bức xúc cho người dân, thì cái vỉa hè đẹp cũng không thể tạo được một môi trường đẹp, một nơi đáng sống cho địa phương hay địa bàn ấy được. Do đó chúng tôi cho rằng, lãnh đạo Quận 1 cần bàn thảo kỹ xem đâu là những vấn đề hệ trọng nhất cần phải được giải quyết, nếu cần thì tiến hành một cuộc điều tra xã hội học xem đâu là những điều người dân nơi đây mong đợi được giải quyết sớm. Cần tránh những quyết định võ đoán hay chỉ là sự quan tâm của một thiểu số nào đó.
|