Sáu Thảo - nữ điệp báo huyền thoại

Thứ Năm, 01/05/2025 08:01  | Nguyễn Vinh

|

(CATP) Bà tên Nguyễn Thị Thảo, bà con hay gọi thân thương là Sáu Thảo. Sinh ra ở Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (giờ thuộc Bình Dương), tuổi thơ bà chẳng êm đềm gì. Mẹ và mấy người anh bị giặc giết, bà sống nhờ bà con rồi sớm chân ướt chân ráo dấn thân vào con đường cách mạng.

Mới 16 tuổi mà bà đã mạnh dạn khai gian lên 18 để được đứng vào hàng ngũ kháng chiến.  Nhìn con nhỏ gầy nhom, nước da đen sạm, nhiều người ái ngại. Nhưng ánh mắt rực lửa căm thù giặc của bà đã khiến mấy chú, mấy anh gật đầu. Cô bé Sáu Thảo ngày nào giờ thành nữ điệp báo trứ danh, Đại tá Công an nhân dân, nguyên Phó chỉ huy trưởng An ninh TPHCM, người điều hành Cụm điệp báo số 6 lừng lẫy một thời. 

Bà Sáu vô chiến khu làm cách mạng, lúc đầu chỉ được giao việc vận động thanh niên, gom góp lương thực, tìm nơi giấu cán bộ. Cái khéo léo của bà là lợi dụng bọn lính ngụy hay ve vãn mà moi tin từ tụi nó: quân số, vũ khí, những tên ác ôn… rồi âm thầm chuyển về cho du kích địa phương tiêu diệt. 

Sợ bị lộ, bà xin vô vùng giải phóng, rồi đến tháng 3/1967 được điều về chiến khu D - tiếp tục làm văn phòng kiêm công tác đoàn thể. Nhưng tài năng của bà không dừng ở đó. Đến tháng 10 cùng năm, bà được cử đi học lớp Trinh sát tại Trường An ninh miền Nam, rồi về công tác tại Ban điệp báo dưới sự chỉ đạo của Sáu Ngọc – vị tướng lừng danh sau này. 

Núp bóng người vợ lính ngụy, bà Sáu hoạt động đơn thân giữa lòng địch với vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng với lòng căm thù và năng lực của mình, bà Sáu luồn sâu vào nội đô Sài Gòn để xây dựng mạng lưới tình báo. Từ đây, hai hộp thư quan trọng ra đời: H6 và Cây Quéo. Đặc biệt, hộp thư H6 sau này được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Tháng 3/1969, đang trên đường vào nội đô truyền tin cho cơ sở, bà bị bắt ở ngã ba Hóc Môn. Địch chưa kịp làm gì thì bà đã nuốt tài liệu mật. Bị giam, bị tra tấn dã man, tụi nó chẳng moi được gì ngoài tội dùng giấy tờ giả. Kết cuộc, bà bị tuyên án 5 tháng tù. 

Ra tù, bà lại quay về với các vỏ bọc: người bán hàng rong, giúp việc, thợ may, bán dừa từ miền Tây lên Sài Gòn. Cứ vậy, đến năm 1975, bà đã xây dựng được hơn 10 đầu mối trong các cơ quan đầu não của địch. Những cơ sở như Z7 - Phó tiến sĩ về nước làm việc ở Tổng nha Dân vận chiêu hồi, Z8 - cán bộ thấm đẫm tinh thần yêu nước trong lòng thanh niên, sinh viên, hay “C.”, “D.”, “T.” - toàn những người trí thức không cam tâm làm tay sai cho địch. 

Đến lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng, chưa một cơ sở nào bị bại lộ, ai nấy vẫn giữ lòng tin sắt son với cách mạng. “Đó là niềm tự hào lớn nhất đời tôi” – bà Sáu nói mà mắt rưng rưng. 

Sau giải phóng, bà Sáu được phân công làm Phó chỉ huy trưởng Lực lượng An ninh CA TPHCM. Trong các cuộc họp, bà nổi tiếng là người “một mình một ý”, nhưng thường là ý kiến đúng nhất, sát sao nhất. 

Năm 1990, khi các trào lưu tư tưởng trái chiều từ quốc tế bắt đầu len lỏi vào trí thức Việt, bà sớm nhận ra mối nguy. Tự mình theo dõi, nắm tình hình, báo cáo lãnh đạo, bà chỉ mặt đặt tên từng nhân vật có ý đồ chống phá. Nhưng trước khi báo cáo tới nơi, bà lại bị “tố ngược”. Một vị lãnh đạo do chưa biết rõ con người bà, tưởng bà lạm quyền, đã mắng bà thậm tệ. Nhưng khi thấy bằng chứng cụ thể, vị ấy chỉ biết xin lỗi, rồi nhanh chóng phê duyệt kế hoạch của bà. Thế là chuyên án MA90 ra đời, bắt gọn đám người “sổ lồng”, phá tan âm mưu từ trong trứng nước. 

Sau khi rút khỏi ngành Công an, bà Sáu chuyển qua công tác trong ngành Du lịch - một chiến tuyến mới, tưởng bình lặng mà đầy thử thách. Vậy mà bà lại tiếp tục tỏa sáng. Chỉ sau thời gian ngắn, bà được tín nhiệm làm Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chèo lái ngành này qua giai đoạn chuyển mình khó khăn đầu thập niên 90. 

Đến nay đã hơn 80 tuổi, tóc bà bạc trắng, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Nhắc chuyện xưa, bà Sáu cười nhẹ: “Cả đời tui hình như gắn liền với số 1. Hồi kháng chiến thì một mình móc nối, làm giao liên, nuôi cơ sở. Giải phóng rồi thì một mình lặng thầm đối đầu với những thế lực phá hoại. Rồi lại một mình bước qua ngành khác, gây dựng từ đầu”. 

Trong căn nhà nhỏ ở hẻm Đặng Văn Ngữ, bà lặng lẽ sống những năm cuối đời. Người cháu gái mà bà thương nhất đã mất. Mỗi lần nhắc tới, mắt bà hoe đỏ. Nhưng khi tôi  đề nghị kể chuyện cũ, đôi mắt ấy lại sáng lên như có lửa. Giọng bà vẫn trong, rặt Nam Bộ, từng lời từng chữ như dội về một thời oanh liệt.

Nữ Anh hùng điệp báo Sáu Thảo chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014 tại Phủ Chủ tịch

Nhưng cũng ít ai biết, trong suốt những năm tháng cống hiến âm thầm và lặng lẽ ấy, bà Sáu Thảo. đã chịu nhiều thiệt thòi hơn người thường. Không chồng, không con, không mái ấm riêng tư, cả đời  bà dành hết cho Tổ quốc. Những ngày lễ, Tết, khi người ta sum họp bên gia đình, bà thường ngồi một  mình bên khung cửa sổ, tay lần giở mấy tấm ảnh cũ, ánh mắt dừng lại nơi những đồng đội đã ngã xuống  hay những người cơ sở từng một lòng theo cách  mạng, giờ kẻ mất người còn, tứ tán khắp nơi.

Bà bảo: “Tui không tiếc gì hết, chỉ tiếc là không  thể làm nhiều hơn nữa lúc đất nước cần”. Câu nói  nghe như gió thoảng, vậy mà lại khiến người ta bồi  hồi, nhớ hoài không dứt. Trong thời bình, bà Sáu Thảo không muốn nhắc nhiều đến mình, chẳng mưu cầu vinh quang. Ở tuổi xế chiều, bà sống giản dị, thanh đạm như bao người mẹ miền Nam từng đi qua chiến tranh, chỉ khác là nơi bà, ký ức vẫn sống dậy từng ngày.

Có lẽ điều làm nên “thần thái” riêng của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Thảo không chỉ nằm ở bảng thành tích đáng nể mà chính là cái khí chất kiên cường, trọng nghĩa tình, quyết liệt nhưng chan chứa lòng nhân hậu. Với người trẻ hôm nay, bà là hình mẫu để soi rọi, để tin rằng: dù ở thời nào, người phụ nữ Việt Nam cũng có thể làm nên những điều phi thường.

Người đời hay nhắc đến bà bằng hai chữ: Anh hùng. Nhưng với tôi, bà Sáu Thảo là một huyền thoại sống của đất phương Nam, của lòng trung kiên và tận hiến.

Bình luận (0)

Lên đầu trang