Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hòa bình cho thế giới
Cả thế giới còn nhớ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Yong-un trong gần 2 ngày 27 và 28/02/2019 tại Hà Nội. Không đơn giản để những chính khách gai góc và cá tính như Donald Trump và Kim Yong-un chọn Hà Nội làm địa điểm cho một hội nghị quan trọng như vậy. Là nước chủ nhà của hội nghị này, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vai trò và công tác chuẩn bị và tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đó là một thành tựu ngoại giao đầy sức thuyết phục của đường lối ngoại giao độc lập của Việt Nam; có trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hòa bình cho thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại cuộc gặp báo chí sau hội đàm ngày 10/9/2023 trong chuyến thăm Việt Nam
Tình hình thế giới trong vài năm gần đây biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn là luôn luôn giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Việt Nam ủng hộ xu thế lớn đó trên nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, học tập tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù”, "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai".
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đường lối ngoại giao rất rõ ràng: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Những nguyên tắc, đường lối, sách lược ngoại giao đó, chúng ta đã ứng xử có trách nhiệm, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột Nga - Ukraina qua bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trong phiên họp khẩn cấp ngày 01/3/2022 của Đại hội đồng LHQ về Ukraina.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang chia sẻ từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Những hoạt động ngoại giao lịch sử
Năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất đón tiếp 2 nguyên thủ cường quốc số 1 và số 2 thế giới - Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Với Hoa Kỳ, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 10 - 11/9/2023), hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam là Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Hai bên khẳng định cơ sở của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Nhớ chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6 đến 10/7/2015 theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, khiến cả thế giới nhìn vào hoạt động ngoại giao đặc biệt này. Quan sát từ bên ngoài, ai cũng có thể thấy Tổng Bí thư được tiếp đón về mặt lễ tân rất trọng thị, theo nghi thức cấp chính thức dành đón nguyên thủ những quốc gia đồng minh, thân thiết của Hoa Kỳ. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ đó đã tiến những bước rất dài, khi cả hai đối tác đều "tự vượt qua chính mình để tới nhà bạn", cùng nhau gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Với Trung Quốc, chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 12 - 13/12/2023) cùng với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 30/10 - 01/11/2022) là những dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai Đảng, hai nước.
Những sự kiện đó đã làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, phát triển quan hệ hai nước vững chắc, ổn định và thiết thực hơn nữa.
Củng cố các quan hệ ngoại giao truyền thống
Trước đó, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam (ngày 21 - 23/5/2023), hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua chuyến thăm, Việt Nam thể hiện sự coi trọng truyền thống quan hệ tốt đẹp, những giúp đỡ hiệu quả, quý báu của Nga đối với Việt Nam trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước, tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt Nam - Nga, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước, góp phần bảo đảm hòa bình, hợp tác và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Với Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, những đối tác truyền thống của Việt Nam ngày càng được nâng cấp. Cuối năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam (ngày 22 - 24/6/2023), hai nước trao đổi 17 văn kiện hợp tác theo những phương hướng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước thiết lập vào tháng 12/2022.
Với Lào và Campuchia - những nước anh em, quan hệ ngày càng khăng khít. Cuộc gặp cấp cao lần thứ hai sau 30 năm giữa người đứng đầu ba Đảng của Việt Nam, Lào, Campuchia (ngày 07/9/2023), các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao ba Đảng, giữa Thủ tướng ba nước và Hội nghị cấp cao đầu tiên của Quốc hội ba nước (ngày 05/12/2023) đã khẳng định mạnh mẽ truyền thống đoàn kết đặc biệt, sự gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau là một tất yếu khách quan, là quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh và phát triển của mỗi nước.
Với các nước Đông Nam Á khác, rất nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao đã diễn ra để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tìm kiếm các phương thức hợp tác song phương hiệu quả và trong khuôn khổ ASEAN, đáp ứng yêu cầu của mỗi nước và ASEAN trong tình hình mới.
Với Liên minh Châu Âu (EU), Anh, các nước có tiềm lực kinh tế, ảnh hưởng lớn trong EU như Đức, Pháp, Italy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đan Mạch..., Việt Nam luôn coi trọng các mối quan hệ này, làm sâu sắc, chất lượng hơn trong các hoạt động, đặc biệt về kinh tế, với sự tin cậy và chia sẻ.
Thành công của ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua chính là thành công của ngoại giao đa phương trong quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò của các thể chế và luật pháp quốc tế, củng cố hợp tác để giải quyết các vấn đề chung, thúc đẩy lợi ích của đất nước; thể hiện Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang có một vị thế mới trên chính trường quốc tế, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như ngày nay.
Trường phái đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh
Đường lối ngoại giao của Việt Nam gói gọn trong tác phẩm Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ra mắt tháng 11/2023.
Cuốn sách của Tổng Bí thư đã nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt là hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ rõ chúng ta đã kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, phát triển trên nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, để từ đó hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh rất đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Có thể nói, cuốn sách là một công trình đồ sộ nhất, công phu nhất, sinh động nhất làm rõ bản sắc độc đáo, xuyên suốt đó của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đại biểu tìm hiểu, trao đổi về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phát biểu trong buổi ra mắt tác phẩm này, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, tác phẩm đã đúc kết những tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc với đỉnh cao là nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, cùng với phương pháp luận ngoại giao Việt Nam trong đánh giá tình hình thế giới, nhận diện những đặc điểm của thời đại, cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong mỗi thời kỳ lịch sử...
(CATP) 94 năm Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua bao thác ghềnh của cách mạng với những thành tựu vĩ đại. Đặc biệt gần 40 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo, đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Loạt bài viết này chúng tôi đề cập đến những thành tựu nổi bật của ngành ngoại giao nước ta, đã góp phần tạo nên vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu đó đóng góp rất lớn trong công cuộc đưa Việt Nam đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...