Huyền thoại Củ Chi đất thép thành đồng:

Bài 3: Chiến trường Củ Chi trong hai mùa khô khốc liệt

Thứ Bảy, 26/04/2025 11:45

|

(CATP) Sau khi "chiến lược chiến tranh đặc biệt" bị thất bại, Mỹ chuyển sang thực hiện "Chiến lược chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến để cố giành chiến thắng trong vòng từ 25-30 tháng (giữa năm 1965 - 1967). Đến cuối năm 1965, trên chiến trường miền Nam, Mỹ đã có hơn 750.000 quân. Từ tháng 9 đến tháng 10/1965, Mỹ liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét vào Bắc Củ Chi, nhằm tiêu diệt quân chủ lực ta và triệt phá căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 10/1965, lính Mỹ lần đầu tiên sa vào "bãi tử địa" trên đất Củ Chi. Cuối năm 1965, máy bay B.52 rải bom trải thảm theo tọa độ ở An Nhơn Tây, xe tăng, pháo, trực thăng của Mỹ bắt đầu xuất hiện tại Củ Chi.

Nắm chặt thắt lưng Mỹ, đánh bại cuộc hành quân Crim

Nửa cuối năm 1965 là thời gian quân Mỹ triển khai giai đoạn 1 để thực hiện cuộc phản công chiến lược trong mùa khô thứ nhất (25/12/1965 - 6/1966). Từ ngày 08-20/01/1966, Mỹ huy động 12.000 quân, 200 máy bay, 600 xe tăng, xe thiết giáp và xe quân sự, 600 pháo cối, có 24 chiếc B.52 hỗ trợ để mở cuộc hành quân then chốt đặt tên là "cuộc hành quân Crim" (Cái bẫy), nhằm thực hiện ý đồ sử dụng tiềm lực mạnh về kinh tế và ưu thế tuyệt đối về vũ khí, khí tài quân sự để tiêu diệt cơ quan lãnh đạo đầu não của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, triệt hạ vùng giải phóng Củ Chi.

Tâm điểm bị càn quét ác liệt trong "cuộc hành quân Crim" nằm trên địa bàn của các xã: Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Hòa, Trung Lập Hạ, Phước Hiệp. Quân Mỹ thực hiện "ba sạch" (đốt sạch, phá sạch và giết sạch). Gần 3.000 ngôi nhà, hàng trăm héc-ta vườn cây, ruộng lúa bị xe tăng, xe bọc thép cản phá và bom, pháo các loại hủy diệt.

Về phần mình, quân dân Củ Chi đã hạ quyết tâm sắt đá: Quyết đánh và quyết thắng trong những trận đầu giáp chiến với quân viễn chinh Mỹ để tự khẳng định mình "không sợ Mỹ", khẳng định chiến tranh du kích có thể "nắm chặt thắt lưng Mỹ mà đánh" và sẽ "đánh thắng Mỹ”.

Nhờ có thế trận địa đạo, chiến hào, bãi tử địa và xã ấp chiến đấu - đặc biệt là tinh thần chiến đấu cao, quân dân Củ Chi đã gây ngạc nhiên đến khó tin đối với thế giới. Ở xã Phú Mỹ Hưng, một tiểu đội du kích và bộ đội địa phương thực hiện địa đạo chiến đấu đối đầu một ngày với một tiểu đoàn quân Mỹ có 37 xe tăng và xe thiết giáp, đã tiêu diệt được trên 100 tên, bắn cháy 7 xe tăng, thiết giáp. Tại xã Trung Lập Hạ, trên một địa hình bị hỏa lực Mỹ tàn phá không còn một bóng cây, trong 10 giờ liền, "Đội du kích Bảy Đì” và một bộ phận quân địa phương đã đánh lui 7 đợt đột kích của Mỹ, diệt và làm bị thương 118 tên địch.

Đội du kích xã An Nhơn Tây dựa vào làng chiến đấu đã anh dũng bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét của Mỹ - ngụy

Qua 12 ngày đêm chiến đấu, bộ đội địa phương và du kích Củ Chi đã đánh trên dưới 200 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương gần 1.000 tên lính Mỹ, lính Sài Gòn, diệt và làm bị thương hàng chục trực thăng và xe thiết giáp.

Nửa cuối năm 1965, trong khi quân Mỹ còn đang triển khai giai đoạn 1 để thực hiện cuộc phản công trong mùa khô thứ nhất, Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã mở Đại hội Dũng sĩ diệt Mỹ cho 209 cá nhân. Qua việc đánh bại "cuộc hành quân Crim", Đại hội rút ra 10 bài học tổng kết kinh nghiệm để đời của chiến trường Củ Chi là: Ai đánh cũng được; Vũ khí gì đánh cũng được; Nhiều đánh được, ít cũng đánh được, một người, một tổ đều đánh được; Ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch, tìm được là đánh được; Ngày đánh được, đêm cũng đánh được; Địch phản công là cơ hội để tiệu diệt chúng; Đánh địch ở phía trước, đánh trong trận cứ địch, đánh đều khắp, làm cho địch bị động, bối rối càng dễ đánh hơn; Đánh địch trong ấp chiến đấu và cả ngoài ấp chiến đấu; Có khả năng đánh thắng tất cả mọi binh chủng Mỹ: bộ binh, xe tăng, máy bay, biệt kích; Đánh bằng vũ trang, bằng chính trị và cả binh vận, làm cho địch tan rã nhanh chóng.

"Vành đai diệt Mỹ” ở Củ Chi trong thế trận chiến tranh nhân dân vĩ đại

Ngày 17/7/1966, trong "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước", Bác Hồ đã viết: "Đế quốc Mỹ dã man gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta... Chúng dùng phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hóa học, bom napan... Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta".

Mỹ xem Củ Chi là "tọa độ hủy diệt", là "tuyến đầu đánh phá”. Chúng khoanh "vùng trọng điểm" 60 dặm vuông để tiến hành cái gọi là "bóc vỏ trái đất" và "bới tung địa đạo Củ Chi". Quân Mỹ đã ném xuống vùng đất này khoảng 500.000 tấn bom đạn. Tác giả Mỹ J.P.Harrison viết: "Ở Củ Chi có một số vùng bị bắn phá bình quân 27 trái bom trên một mét vuông".

Chúng tàn phá xóm làng, sát hại dân lành bằng những thủ đoạn dã man như: bơm nước làm cho những người dưới địa đạo bị ngợp phải trồi lên mặt đất; thả bom hạng nặng làm sập hầm và phun lửa, bom hơi ngạt vào địa đạo; sử dụng 3.000 con chó trận, 900 quân "chuột cống" (tunnel rat) và 300 chiếc xe ủi đất loại cực đại để triệt phá địa đạo. Chúng dùng máy bay gieo giống cỏ Mỹ phát triển thật nhanh mọc thành rừng, đến mùa khô cỏ ủa, chúng phóng hỏa hoặc ném bom lửa cho cỏ bốc cháy khắp nơi để hủy diệt môi sinh.

Trong chiến tranh, dã tâm của Mỹ định biến Củ Chi thành "vùng đất chết". Nhưng đó chỉ là điều ảo tưởng. "Gậy ông sẽ đập lưng ông", 20.000 quân Mỹ đã bị loại khỏi vùng chiến đấu trên chiến trường Củ Chi; 5.000 xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy; 256 máy bay các loại bị bắn rơi, bắn hỏng; 22 tàu xuồng chiến đấu bị bắn chìm và cháy; 270 lượt đồn bót bị phá hủy và bức rút...

Chẳng những bị thất bại trong "gọng kìm tìm diệt", quân Mỹ còn không thành công trong "gọng kìm bình định". Sau khi kết thúc cuộc hành quân Crim, Mỹ rút hai lữ đoàn của Sư đoàn 1 xuống Nam Củ Chi lập căn cứ Đồng Dù (Bắc Hà) để tổ chức thực hiện cuộc phản công chiến lược trong mùa khô thứ nhất bằng gọng kìm thứ hai "gọng kìm bình định". Để đối phó với âm mưu này, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập "Vành đai diệt Mỹ”, được gọi tên là "Vành đai Đồng Dù”. Đây là vành đai có quy mô và là một trong những vành đai diệt Mỹ điển hình trên chiến trường miền Nam.

Vành đai là một tuyến lửa lớn ngày đêm bao vây quân Mỹ, trải rộng trên địa bàn 5 xã: Tân An Hội, Phước Vĩnh An, Trung Lập Hạ, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông. Là một trận địa chiến đấu đã được bố trí như thiên la địa võng, vành đai Đồng Dù xuất phát từ nhiều tuyến. Mỗi đoạn vành đai có nhiều địa đạo, giao thông hào, ổ, cụm, ô, ụ và ấp, xã chiến đấu. Nhiều đoạn dựa vào địa thế thiên nhiên như: hầm đá, gò đống, lũy tầm vông... tạo thành thế chiến đấu liên thông trên mặt đất và trong lòng đất.

Xuất phát từ tư tưởng bao vây, tiêu hao và cầm chân quân Mỹ tại căn cứ để bẻ gãy "gọng kìm bình định" của chúng, sự ra đời của vành đai diệt Mỹ Đồng Dù được tiến hành từ lực lượng và thế trận ở một nơi đang cắm "ngọn cờ đầu của chiến tranh du kích".

Sư đoàn bộ binh số 1 mang tên "Anh cả đỏ” của Mỹ vốn lừng danh trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã phải điêu đứng trong "vành đai diệt Mỹ" ở Đồng Dù. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1966, du kích đã đánh trên 100 trận, giết chết và làm bị thương trên 1.000 tên địch.

Tháng 12/1966, Westmoreland buộc phải điều Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" - một sư đoàn đã kinh qua huấn luyện chống chiến tranh du kích ở vùng nhiệt đới, từ Kon Tum về để thay cho Sư đoàn 1. 4.500 quân của Sư đoàn 25 đã ra sức "chà đi xát lại" xung quanh căn cứ Đồng Dù, cố biến nơi đây thành một vành đai an toàn, nhưng chúng không sao có thể thực hiện được.

Thất bại thảm hại của Mỹ trong cuộc hành quân Cedar Falls

Để mở đầu cuộc phản công chiến lược trong mùa khô thứ hai 1966 - 1967, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não Khu Sài Gòn - Gia Định, xóa địa đạo Củ Chi và Bến Súc, Mỹ đã mở cuộc hành quân Cedar Falls - còn được gọi là "hành quân Tam giác sắt", "hành quân bóc vỏ trái đất" (08 - 26/01/1966). Chúng huy động cho cuộc hành quân này trên 3 vạn quân gồm 3 sư đoàn quân Mỹ, 3 chiến đoàn quân Sài Gòn, tăng cường thêm nhiều trung đoàn, tiểu đoàn thiết giáp, pháo và máy bay chiến thuật, máy bay chiến lược B.52...

Trong cuộc hành quân Crim, Mỹ đã sử dụng máy bơm nước hòng làm ngập địa đạo và thả bom hạng nặng để đánh sập địa đạo song đều không có hiệu quả. Trong cuộc hành quân này, chúng sử dụng hàng nghìn con chó nghiệp vụ và "quân chuột địa đạo" cho 300 xe ủi đi "bóc vỏ trái đất" và gần 900 quân công binh để "bới tung" địa đạo Củ Chi.

Ở ấp Hòa An, xã Trung An, Mỹ thả hơi độc giết chết 60 người của ta trong một nhánh hầm. Địch đã tàn phá 11km² rừng, ủi triệt phá hơn 6.000 ngôi nhà, cướp hơn 5.700 tấn lúa, giết chết và làm bị thương hàng nghìn người dân vô số tội, gom xúc 15.000 dân ở Bến Súc, Củ Chi về các trại tập trung ở Phú Cường (Thủ Dầu Một); hủy diệt điều kiện sống ở vùng trung tâm Bến Súc. Nhưng địch không diệt được quân chủ lực và cơ quan lãnh đạo đầu não Khu Sài Gòn - Gia Định, không phá được địa đạo Củ Chi và khu Tam giác sắt.

Qua 18 ngày đêm chiến đấu, quân dân Củ Chi và vùng Tam giác sắt đã loại 2.500 quân Mỹ, 200 quân Sài Gòn, bắn hỏng 13 máy bay, phá hủy 30 xe tăng và xe bọc thép.

 Địa đạo Củ Chi - Kỳ quan kháng chiến huyền thoại

Sau cao trào Đồng Khởi, dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được đào tiếp nối, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã lập nên những chiến tích thần kỳ. Địa đạo Củ Chi phát triển ngày càng mạnh nhất là vào đầu năm 1966. Với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời", quân dân Củ Chi ra sức thi đua đào địa đạo suốt ngày đêm bất chấp mưa bom, bão đạn, tích cực xây dựng xã ấp chiến đấu, thiết lập vành đai diệt Mỹ. Phong trào đào địa đào ngày càng phát triển rầm rộ, trẻ già, trai gái nô nức tham gia kiến tạo đường hầm đánh giặc. Từ tháng 01/1967, hệ thống địa đạo đã đạt tới độ dài trên 200km. Địa đạo chiến đấu kết hợp với trận địa mìn dày đặc trên mặt đất, đã thành nổi khiếp đảm, hãi hùng đối với quân Mỹ - ngụy trong suốt cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

(Còn tiếp)

Bài 2: Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang