Bão Sơn Tinh dịch chuyển xuống phía Nam, giật cấp 11

Thứ Tư, 18/07/2018 14:52  | T.Nam

|

(CAO) Trưa nay, bão số 3 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào Vịnh Bắc Bộ, do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Hồi 13 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ngay trên vịnh Bắc Bộ và cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; trong tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hướng đi của bão dự báo dịch chuyển xuống phía Nam. Nguồn: TTDBKTTVTW

Đến 1 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.

Từ chiều tối nay (18/7), trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Thành lập các đoàn xuống địa phương cùng phối hợp ứng phó với bão

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 và áp thấp nhiệt đới sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo cử ngay các đoàn xuống các địa phương có thể chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3, để kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp ứng phó với bão số 3 ngay trong hôm nay (18/7).

Ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu công tác dự báo cần phải chi tiết, thường xuyên, liên tục, sát tình hình, dự báo cụ thể định lượng mưa để đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo và tính toán vận hành hệ thống hồ chứa.

Tổng cục Phòng chống thiên tai kiểm tra toàn bộ nơi tránh trú của các phương tiện, người dân đặc biệt chú ý tới các tỉnh chịu ảnh hưởng lớn như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh... thường trực 24/24 và thường xuyên xây dựng thông tin ngắn, đủ, dễ hiểu gửi các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để ứng phó kịp thời.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẵn sàng các phương án, vật tư, thiết bị trước mọi tình huống.

Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 18/7, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện với 237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương, hiện hồ Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ khoảng 1,1m/ngày); hồ Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ trung bình 0,5m/ngày). Tùy theo tình hình mưa lũ, tiếp tục có phương án điều tiết để đảm bảo đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ chính vụ vào ngày 20/7.

Thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17 giờ ngày 17/7, có 51.934 ha lúa bị ngập lụt, úng (Nam Định: 27.634 ha; Ninh Bình: 5.870 ha; Hòa Bình: 141 ha; Thanh Hóa: 6.083 ha; Nghệ An: 6.966 ha; Hà Tĩnh: 5.240 ha); 4.966 hoa màu: (Hòa Bình: 50 ha; Thanh Hóa: 896 ha; Nghệ An: 1.381 ha; Hà Tĩnh: 2.639 ha)...

Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định: 317 máy bơm; Thái Bình: 95 máy bơm; Ninh Bình: 283 máy bơm và 23 cống; Thanh Hóa: 103 máy bơm; Nghệ An: 2 trạm bơm).

Bình luận (0)

Lên đầu trang