(CAO) Lễ viếng kéo dài đến 12 giờ ngày 15-8-2020; lễ truy điệu diễn ra lúc 12 giờ 30 phút tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Đúng 8h hôm nay (14-8), lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu diễn ra tại 3 địa điểm là Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TPHCM) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá).
Lễ viếng kéo dài đến 12 giờ ngày 15-8-2020; lễ truy điệu diễn ra vào 12 giờ 30 phút; lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Nghi lễ thượng cờ rủ trên quảng trường Ba Đình
Trong hai ngày quốc tang (14 và 15-8-2020), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Ban Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gồm 35 thành viên, do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.
Thông cáo đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát đi trước đó, khẳng định: “Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Khả Phiêu với nghi thức Quốc tang”.
Để phục vụ Lễ Quốc tang, Công an Hà Nội đã lên kế hoạch phân luồng giao thông, theo đó cấm các phương tiện đi vào các tuyến đường gần Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông trong thời gian diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Công an Hà Nội cũng hạn chế các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường mà xe tang đi qua. Quy định này không áp dụng với các xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang.
Lễ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/8
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949.
Từ tháng 5/1950 đến tháng 8/1954, ông nhập ngũ, làm chiến sĩ, sau đó đảm nhiệm nhiều chức vụ trong quân đội.
Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng vào tháng 4/1984, Trung tướng vào tháng 6/1988 và Thượng tướng vào tháng 6/1992.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa VII, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đến Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 1/1994), ông được bầu vào Bộ Chính trị. Ông tái cử Uỷ viên Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), rồi được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (tháng 12/1997), ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khoá VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X.
Tháng 10/2006, ông được nghỉ công tác theo chế độ.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.