Tuyến biên giới Việt – Lào:

Xuất hiện nhiều đường dây ma túy do người nước ngoài cầm đầu

Thứ Năm, 13/08/2020 18:08

|

(CATP) Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện nay, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy (TPMT) trên biên giới Việt Nam - Lào ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm. Đã xuất hiện nhiều tổ chức TPMT do đối tượng người nước ngoài như: Mianmar, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu.

Biên giới Việt Nam - Lào có chiều dài 2.337 km với 7 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia và hàng trăm đường mòn, lối mở qua biên giới. Do đặc điểm địa lý gần vùng “Tam giác vàng” - một trung tâm sản xuất ma túy lớn trên thế giới nên Việt Nam cũng như Lào đã chịu tác động mạnh mẽ bởi tình hình ma túy từ khu vực này.

Khu vực biên giới Việt Nam - Lào bao gồm 155 xã biên giới, địa hình núi rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đa số là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số có mối quan hệ dân tộc, thân tộc với nhân dân bên kia biên giới và th­ường xuyên qua lại biên giới thăm thân, trao đổi hàng hoá.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam và Lào đã quan tâm đầu tư­, như­ng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới vẫn còn thấp kém, đời sống kinh tế xã hội khó khăn. Những năm gần đây, với chính sách hội nhập kinh tế và miễn thị thực của Việt Nam làm cho l­ưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua biên giới ngày càng gia tăng.

Lợi dụng những vấn đề trên, các đối tượng đã thiết lập các đường dây TPMT xuyên quốc gia, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua các tỉnh Bắc và Trung Lào, móc nối với các đối tượng ở khu vực biên giới và nội địa Việt Nam để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi các nước, vùng lãnh thổ khác (Australia, Philipin, Trung Quốc, Đài Loan...) để tiêu thụ.

Từ năm 2019, do lực lượng chức năng 2 nước tập trung đấu tranh quyết liệt nên các đường dây TPMT có xu thế chuyển hướng vận chuyển ma túy qua biên giới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với số lượng ngày càng lớn (có vụ hàng trăm kg ma túy tổng hợp, heroin).

Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp Công an Lào bắt vụ mua bán 40 kg ma túy “đá”, 120.000 viên MTTH và 2 bánh heroin

Hiện nay, các đường dây TPMT có sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng bên trong và bên ngoài biên giới, giữa người Việt Nam với các đối tượng người Lào, kể cả các đối tượng các nước thứ ba.

Đã xuất hiện nhiều tổ chức TPMT do đối tượng người nước ngoài như: Mianmar, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu với phạm vi hoạt động không chỉ trong khu vực mà mang tính quốc tế. Chủng loại ma túy ngày càng đa dạng, trong đó có nhiều loại ma túy mới, giá thành rẻ, dễ vận chuyển, dễ sử dụng.

Đặc biệt nguy hiểm là hầu hết các toán nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới đều có vũ khí, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt. Đáng chú ý, các đường dây TPMT thường phân chia nhiều công đoạn độc lập, các đối tượng cầm đầu chủ mưu thường không trực tiếp tham gia các hoạt động vận chuyển ma túy.

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra trong đấu tranh phòng, chống TPMT ở biên giới là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam và Lào thì mới có thể đánh đúng, đánh trúng các đối tượng chủ mưu cầm đầu, bóc gỡ triệt để các đường dây TPMT trong khu vực.

Ngày 9-11-2019, lực lượng Biên phòng tỉnh Điện Biên bắt các đối tượng vận chuyển 220 bánh heroin từ Tam giác vàng qua biên giới Việt-Lào

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, đồng thời tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng Lào tích cực đấu tranh nhằm kiềm chế nguồn ma túy xâm nhập vào Việt Nam.

Từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2020, lực lượng biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng Lào đã triệt phá hàng trăm đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, bắt 204 đối tượng; thu giữ 3.274 kg ma túy các loại, 31 súng, 257 viên đạn, 58 ô tô, 52 xe máy cùng nhiều tang vật có liên quan.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết, thời gian tới, tình hình TPMT trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khu vực hai bên biên giới Việt Nam - Lào vẫn là địa bàn hoạt động của nhiều đường dây TPMT với quy mô hoạt động xuyên quốc gia, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Do vậy, công tác phối hợp, hợp tác trong phòng chống ma túy và tội phạm giữa Việt Nam Lào sẽ vẫn được duy trì một cách toàn diện ở các cấp.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phối hợp đấu tranh chuyên án, điều tra mở rộng các vụ án ma túy, truy bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các đối tượng bị truy nã lẩn trốn qua biên giới; hỗ trợ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, bắt giữ, xử lý đối tượng trên cơ sở pháp luật mỗi nước và các Hiệp định, văn bản hợp tác quốc tế mà hai nước đã ký kết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang