(CAO) Ngày 18/7, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn số 3300/UBND-VX về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 19/7.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, tính từ 6h00 đến 17h00 ngày 17/7, Bình Dương ghi nhận 281 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 405 ca. Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc COVID-19, 06 trường hợp tử vong.
Trong số 281 ca mắc mới có 134 ca phát hiện ở khu cách ly, khu phong tỏa, 17 ca phát hiện tại công ty, 118 ca phát hiện tại hiện cơ sở y tế, 12 ca phát hiện khi sàng lọc cộng đồng.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc COVID-19, 06 trường hợp tử vong. Hiện tại có 09 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh với 2.947 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 40 phụ nữ mang thai, 29 người trên 65 tuổi, 74 người có bệnh lý nền, 48 người có diễn biến nặng. Lũy kế có 112 bệnh nhân xuất viện.
Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 9.789 trường hợp và 20.976 trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, số ca mắc vẫn ở mức cao, tăng ở các địa phương TP. Thuận An, TP. Dĩ An và có dấu hiệu lan ra các địa phương phía Bắc như huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng.
Bình Dương khẩn cấp lập bệnh viện dã chiến quy mô 1.500 giường để đáp ứng yêu cầu phòng chống COVID-19
Tình hình dịch COVID-19 tại Bình Dương diễn biến phức tạp, khó lường, để kịp thời đáp ứng công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định trưng dụng 02 trụ sở, cơ sở vật chất, hạ tầng thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19. Đi vào hoạt động từ ngày 18/7.
Bệnh viện dã chiến có quy mô 1.500 giường được đặt tại Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO) - một trong những trung tâm hội nghị triển lãm lớn nhất Việt Nam được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích lên đến 22.000m2, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cao cấp.
Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, Becamex IDC sẵn sàng trưng dụng Xưởng Khởi nghiệp thuộc trường Đại học Quốc tế Miền Đông để hình thành Bệnh viện dã chiến tiếp theo cũng với quy mô 1500 giường, có thể đi vào hoạt động ngay trong tháng 8 tới đây.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, sáng 18/7, Đồng Nai ghi nhận thêm 98 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Đồng Nai đã ghi nhận 1028 ca trong đợt dịch thứ tư
Tổng số ca bệnh trong đợt dịch thứ tư tại Đồng Nai tính đến sáng 18/7 là 1.028 ca. Nhiều nhất là TP. Biên Hòa với 492 ca; kế đến là huyện Vĩnh Cửu có 151ca, chủ yếu liên quan đến công ty Changshin; huyện Nhơn Trạch có 133 ca; huyện Thống Nhất có 111 ca...
Trong số 98 ca dương tính được ghi nhận trong sáng 18/7, TP. Biên Hòa có 43 ca, chủ yếu tại phường Hóa An (13 ca), Tân Biên (12 ca), còn lại rải rác ở các phường Tân Tiến, Tân Phong, Hố Nai…; Huyện Vĩnh Cửu có 32 ca tập trung tại xã Thạnh Phú (27 ca), còn lại rải rác ở các xã khác, các ca dương chủ yếu liên quan đến ổ dịch công ty Changshin; Huyện Trảng Bom 13 ca, tập trung tại xã Bắc Sơn (7 ca), xã Hố Nai 3 (5 ca), trong đó có 4 nhân viên chống dịch của Trạm Y tế; Huyện Nhơn Trạch có 5 ca; Huyện Thống Nhất 2 ca; Huyện Long Thành có 2 ca; TP.Long Khánh có 1 ca.
Lãnh đạo CDC Đồng Nai nhận định, các ca dương tính mới chủ yếu tại các khu cách ly, phong tỏa tại TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Công ty Changshin và các ca lây lan thứ phát ra các phường trong TP Biên Hòa.
Trong ngày không phát hiện ổ dịch lớn mới. Tiếp tục điều tra truy vết trong các khu phong tỏa, khu cách ly. Mở rộng xét nghiệm tầm soát trong F2 và một số đối tượng nguy cơ trong khu vực phong tỏa.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án xét nghiệm cho toàn bộ công nhân công ty Changshin và phương án xét nghiệm tại khu phong tỏa huyện Thống Nhất trước khi đề xuất dỡ bỏ phong tỏa.