(CAO) Ngày 8-8, Ông Lương Quốc Thế - Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy (Kon Tum)- cho biết UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt xây dựng bờ rào nhằm bảo vệ rừng đặc dụng Đắk Uy - khu rừng độc nhất vô nhị tại Việt Nam có quần thể gỗ trắc với hàng trăm cây quý hiếm.
Theo ông Thế, 27 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 còn tồn lại của tỉnh Kon Tum sẽ được đầu tư xây dựng tường rào bao quanh khu rừng Đắk Uy rộng hơn 540 ha, cùng 6 trạm dừng nghỉ và 2 chòi canh lửa. Dự kiến dự án xây bờ rào bảo vệ rừng sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2016.
Ông Thế đánh giá khi xây dựng bờ rào bao quanh khu rừng sẽ thuận tiện cho công tác bảo vệ rừng. Khi xây dựng hàng rào, cơ chế xử lý sẽ thay đổi, nhất là đối với những đối tượng muốn xâm nhập khu rừng đặc dụng.
Như trước đó Báo Công an TP HCM phản ánh, bình quân một kiểm lâm viên hiện nay ở Kon Tum quản lý khoảng 10.000 ha rừng, trong khi đó tại rừng đặc dụng Đắk Uy chỉ hơn 500 ha nhưng phải bố trí tới gần 20 kiểm lâm. Giữa khu rừng các chốt kiểm lâm mọc lên ngay bên cạnh các cây gỗ trắc.
Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng gỗ trắc ở rừng đặc dụng vẫn “chảy máu”. Bằng mọi thủ đoạn, lâm tặc tổ chức thành từng nhóm nhiều người, trang bị hung khí, sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng kiểm lâm tuần tra, phát hiện…
Theo thống kê của của Ban quản lý rừng, những năm 90, khu rừng đặc dụng đặc biệt này diện tích gỗ trắc chiếm khoảng 30%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10%. Số gỗ trắc trong rừng đặc dụng hiện có từ 700 đến 800 cây.
Bờ rào được xây vây kín hết diện tích khu rừng- Ảnh: Chí Dũng
Sự sụt giảm nghiêm trọng thấy rõ qua hàng năm. Tính sơ bộ trong năm 2013, tại rừng xảy ra 147 vụ vi phạm vi phạm quy định chung với khoảng hơn 50 cây gỗ trắc bị “xẻ thịt”. Năm 2014 xảy ra 46 vụ vi phạm chung với 23 cây. Năm 2015 xảy ra 5 vụ với 5 cây. Năm 2016 có xu hướng tăng lại. Chỉ mới 5 tháng trong năm 2016 thì xảy ra 24 vụ với 24 cây. Nếu tính giai đoạn từ tháng 6-2012 đến nay, số tiền thu được từ việc bán đấu giá gỗ trắc bị lâm tặc đốn hạ là hơn 2,1 tỷ đồng.
Các lán của kiểm lâm được dựng sẵn trong rừng, nhưng gỗ trắc vẫn cứ bị “xẻ thịt” - Ảnh: Chí Dũng
Nói về công tác giữ rừng nơi đây, đặc biệt là gỗ trắc, ông Lương Quốc Thế, Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy, việc quản lý, bảo vệ rừng ở ban cực kỳ khó. Khó thứ nhất là tương quan lực lượng. Dù ban được trang bị súng để thi hành công vụ nhưng đa phần cán bộ ban đi làm nhiệm vụ đều sử dụng công cụ hỗ trợ bằng… khúc cây. Lý do là anh em chưa đủ điều kiện sử dụng súng. Trong khi đó, lâm tặc đi thành nhóm từ 6 người trở lên. Chúng thường hung hãn, sử dụng vũ khí nóng như kiếm, mã tấu và sẵn sàng ăn thua với kiểm lâm. Thực tế là ngay cả tôi đi tuần tra cũng bị lâm tặc dùng dao bao vây, đe dọa, nhiều anh em khác cũng bị lâm tặc tấn công phải đổ máu, ngoài ra bị khủng bố bằng tin nhắn.