Thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi): Bổ sung chính sách khai thác mỏ tận thu

Thứ Hai, 14/11/2022 06:22

|

(CAO) Chính sách này là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, trong bối cảnh sắp tới có nhiều lô, mỏ dầu sẽ ở giai đoạn cuối đời khai thác.

472/475 đại biểu có mặt sáng nay (14/11) đã đồng ý thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội

Với 69 điều, Luật Dầu khí bổ sung chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng).

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, giải trình dự luật 

Cơ chế này nhằm mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá. Đây cũng là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều lô, mỏ dầu sẽ ở giai đoạn cuối đời khai thác, chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Luật cũng quy định Thủ tướng quyết định cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí (khoản 5 Điều 41).

Để chính sách phát huy hiệu quả, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rà soát, ban hành các văn bản dưới luật.

"Các quy định đưa ra cần đảm bảo hiệu quả khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí" - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 31 của Luật đã chỉnh sửa, quy định khoản riêng về trách nhiệm các chủ thể liên quan trong quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ tại hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh.

Theo đó, trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng, PVN báo cáo Bộ Công Thương quyết định.

Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng quyết định.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây không phải là trường hợp phổ quát và cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng theo cơ chế riêng.

Vì vậy, luật sửa đổi giao Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt và cơ chế quản lý, theo dõi, sử dụng, xử lý tài chính với tài sản và tiếp nhận quyền lợi tham gia từ nhà thầu dầu khí.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, có ý kiến đề nghị quy định rõ, tách bạch vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong phê duyệt thực hiện hoạt động dầu khí, đặc biệt khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là PVN hoặc doanh nghiệp 100% vốn của PVN.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật không quy định điều kiện về vốn của PVN khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến với nội dung này.

Khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia, PVN với tư cách là nhà thầu độc lập ký hợp đồng phải đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng, gồm quy định khi bán tài sản dầu khí. Cùng với chào thầu cạnh tranh, PVN phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí.

Cũng trong Luật được thông qua,  chức năng, quyền và nghĩa vụ của PVN trong điều tra cơ bản, hoạt động dầu khí được thiết kế một chương riêng.

Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang