Khan hiếm lan rộng
Ngày 11-11, lại đến chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu và điệp khúc thiếu xăng dầu lại tiếp diễn khi hàng loạt cây xăng trên cả nước đóng cửa hay bán nhỏ giọt. Thực ra, tình trạng thiếu xăng dầu không chỉ xảy ra trong những ngày giáp với kỳ điều hành xăng dầu mà còn xảy ra trước đó, dù Bộ Công thương ra sức ổn định nhưng càng ra sức điều hành, tình trạng thiếu xăng dầu lại càng lan rộng trên cả nước.
Sáng cùng ngày, tại TPHCM, một số cửa hàng nằm ngay khu vực trung tâm quận 3, treo bảng "hết xăng, còn dầu" và cũng không có người bán hàng. Nhiều cây xăng thuộc Petrolimex hoặc nhượng quyền từ Petrolimex, mọi người xếp hàng dày đặc chờ đến lượt đổ xăng. Nhiều cửa hàng xăng dầu lớn của hệ thống này chỉ mở bán cầm chừng. Điều này cho thấy Petrolimex không còn đảm bảo lượng xăng dầu như lãnh đạo tập đoàn và Bộ Công thương từng tuyên bố sẽ đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tại Hà Nội, sau khi Petrolimex tuyên bố cung ứng đầy đủ xăng dầu 24/24, người dân xếp hàng cả đêm để mua, trong khi nhiều hệ thống các cây xăng khác không có hàng để bán, phải đóng cửa, gây áp lực rất lớn lên các cửa hàng của Petrolimex. Tuần trước, Hà Nội nở rộ "cây xăng cục gạch", khi nhiều người dân thủ đô buộc phải mua với giá đắt hơn 10.000 đồng/lít. Ngoài ra, nhiều tỉnh như Bắc Giang, Sơn La, Lào Cai, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre... cũng thiếu xăng dầu để bán cho dân.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về tình trạng khan hiếm xăng dầu tại kỳ họp Quốc hội.
Tình trạng thiếu xăng dầu lan rộng trên cả nước và kéo dài từ nhiều tháng qua, dù Bộ Công thương đã có nhiều cuộc họp, nhiều chỉ đạo nhưng tình hình vẫn không thay đổi bao nhiêu. Không chỉ ngày trước kỳ điều chỉnh giá, mà ngay sau khi giá xăng được điều chỉnh tăng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm ngày càng đáng lo ngại. Tình trạng này kéo dài từ tháng 8-2022 đến nay, gây bất ổn về an ninh năng lượng trong những tháng cuối năm.
Nguyên nhân do đâu?
Rất đơn giản, điều mà Bộ Công thương và các cơ quan có trách nhiệm liên quan đã chỉ ra là các doanh nghiệp (DN) bán lẻ càng bán càng lỗ vì giá xăng dầu vẫn chưa tính đúng, tính đủ. Một chủ cây xăng ở Hà Nội cho rằng, cho đến nay chiết khấu bán lẻ mà DN phân phối vẫn để ở mức 0 đồng/lít thì lấy đâu ra chi phí để các đại lý bán lẻ vận hành cây xăng. Dù xăng có nguồn cung, các DN bán lẻ không muốn nhập hàng nữa, lỗ quá nhiều đến nỗi không thể chịu nổi.
Một chủ DN bán lẻ khác phản ứng: "Không thể chấp nhận được việc các DN bán lẻ càng bán thì càng lỗ, lỗ đến mức không chịu đựng được. Cứ bán một ngày lại phải ngừng một ngày hoặc bán nửa ngày và nghỉ nửa ngày, không thể xoay xở được nguồn tiền để kinh doanh.
Chủ một hệ thống bán lẻ xăng dầu ở An Giang cho rằng, việc các DN bán lẻ lỗ liên tục đã khiến cạn vốn. Từ đầu năm đến nay, mỗi cây xăng lỗ trung bình mỗi tháng khoảng 20-200 triệu đồng, tùy sản lượng bán ra. Ước lượng, đến thời điểm này trung bình mỗi cây xăng sẽ lỗ từ 200 triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Có DN không tìm được nguồn vay để nhập xăng dầu. Để có tiền nhập hàng, họ đã phải vay lãi ngày. Vì thế, lượng hàng phải nhập ít đi. Dù vậy, các đầu mối cung ứng xăng dầu cũng không có hàng để bán cho các đơn vị bán lẻ.
Theo ông Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay mà DN đang nói nhiều là giá xăng dầu nhập khẩu đang ở mức rất cao. DN nào nhập khẩu càng nhiều thì lỗ nặng, chưa có cách nào để bù lại được. Ngay cả "ông lớn" Petrolimex cũng lỗ. Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 của Petrolimex cho thấy, sản lượng kinh doanh đạt 10.177.633m3/tấn bằng 83% kế hoạch và 108,1% cùng kỳ 2021; trong đó bán nội địa là 7.565.411m3/tấn bằng 86,3% kế hoạch và bằng 120,1% cùng kỳ 2021. Sản lượng tăng mạnh, nhưng lợi nhuận kinh doanh xăng dầu 9 tháng năm 2022 đã lỗ 793 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.853 tỷ đồng).
Xếp hàng chờ đổ xăng
"Tối hậu thư" của Thủ tướng
Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 10-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó phải rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đây là chỉ đạo mới nhất có tính "tối hậu thư” của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công thương và các cơ quan chức năng phải có biện pháp cụ thể để đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Tuy nhiên, tình hình vẫn không biến chuyển, thậm chí càng khó khăn hơn.
Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ có từ kỳ họp thường kỳ của chính phủ hôm 29-10 nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh, dù chỉ yêu cầu thực hiện theo trình tự rút gọn. Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực từ ngày 02-1-2022, đến nay mới chỉ được hơn 2 tháng áp dụng trong thực tiễn đã phải sửa đổi. Thậm chí, trước khi được ban hành, dự thảo của Nghị định này đã 5 lần phải sửa đổi, với nội dung sửa đổi, bổ sung rất lớn.
Đáng lưu ý, theo nghị định này, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 01, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng đã không còn hợp lý khi giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày, trong khi giá xăng dầu trong nước tính theo bình quân giá thế giới 10 ngày trước để tính giá cho 10 ngày sau, nên giá trong nước và thế giới chênh lệch tới 20 ngày và lạc hậu, không phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nghị định 83 có hiệu lực từ năm 2014 cũng lạc hậu, ví dụ về chiết khấu và phí lưu, khi đó được tính là 1.350 đồng/lít. Năm nào Bộ Tài chính cũng rà soát nhưng đến nay mọi thứ đã thay đổi và mức tính này lại không được điều chỉnh.
Về phía Bộ Công thương, khi được yêu cầu đăng đàn chất vấn Quốc hội sáng 05-11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận có tình trạng tiếp tục khan hiếm xăng dầu tại các thành phố lớn do đứt gãy nguồn cung vì ảnh hưởng của thế giới. Trả lời như vậy, ông Diên thực sự chưa sâu sát thị trường xăng dầu, thị trường đâu chỉ "dị biệt" ở các thành phố lớn mà các địa phương vùng sâu, vùng xa cũng thiếu xăng dầu.
Ông Diên nêu một số giải pháp như Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh, nới chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu - và Bộ Tài chính đã làm hôm 08-11); tăng cường công tác quản lý... Ông Diên khẳng định: "Đến giờ này, sản lượng sản xuất trong nước và nhập nước ngoài đạt 86%. Tôi khẳng định, nguồn cung dự trữ ở thương mại các cấp hoàn toàn đảm bảo theo kế hoạch".
Vậy tại sao đến ngày 11-11, tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn tiếp diễn và tiếp diễn trên diện rộng, khi mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành từ 107% lên 109%; Nghi Sơn cũng đã hoạt động ổn định ở mức 100% công suất. Ở kỳ điều hành xăng dầu diễn ra lúc 15 giờ ngày 11-11 với mức tăng từ 838 - 1.111 đồng/lít xăng, đây là mức tăng do giá thế giới 10 ngày qua tăng, cộng với việc tăng phụ phí nhập khẩu xăng dầu.
Giá đã tính đúng, tính đủ chưa?
Việc giá xăng dầu trong kỳ điều hành này tiếp tục tăng đã được dự báo từ trước. Như vậy, xăng đã có 4 lần tăng giá liên tiếp. Kể từ ngày 11-11, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công thương, Bộ Tài chính thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít, kg. Theo các DN, mức tăng này vẫn chưa đủ so với mức phụ phí trên thực tế nhập khẩu xăng dầu.
Đối với premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu), chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị.
Theo Bộ Tài chính, qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối xăng dầu báo cáo về Bộ Tài chính cho thấy, với premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, các khoản chi phí này theo báo cáo không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 07-10 vừa qua và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, để áp dụng vào ngày 10-01-2023.
Như vậy giá nhập khẩu, mua hàng trong nước đã được tính đủ chưa, vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời thực tế. Thế nhưng theo các DN, mức tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam vẫn chưa được tính đủ so với mức phụ phí trên thực tế nhập khẩu xăng dầu. Hơn nữa, mức giá xăng dầu được cập nhập trong kỳ điều chỉnh ngày 11-11 là mức giá của 10 ngày qua, trong khi 3 ngày qua, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm.
Một nghịch lý khác, theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, DN xăng dầu gặp khó khăn thời gian qua do chưa được tính đúng, tính đủ chi phí nên bị lỗ, vậy ai muốn kinh doanh? Đó là những bất hợp lý còn tồn tại mà thị trường trong những ngày tới sẽ trả lời rằng, các cơ quan chức năng đã "bắt đúng mạch" của thị trường xăng dầu trong nước hay chưa.